Những người làm báo cũng đã chia sẻ những khó khăn, vất vả trong quá trình hoạt động cũng như kinh nghiệm giữ vững quan điểm, đạo đức và kỹ năng của người làm báo cách mạng Việt Nam trong bối cảnh đất nước đang vận hành nền kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng với quốc tế.Nhiều kiến nghị thẳng thắn của các cơ quan báo chí với Chính phủ cũng đã nêu ra tại buổi gặp mặt, nhất là tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, nhanh hơn nữa cho các cơ quan báo chí trong tiếp cận thông tin; cung cấp kịp thời thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đặc biệt là các lĩnh vực nhạy cảm như chủ quyền quốc gia, tài chính, tiền tệ.Các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc quy chế phát ngôn và người phát ngôn cũng cần phải được đào tạo kỹ năng này; hoàn thiện các quy định của pháp luật theo hướng vừa quản lý tốt hơn, vừa tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan báo chí phát triển; kéo dài thêm thời gian đào tạo báo chí, nhất là bổ sung các kiến thức nền trong các lĩnh vực cho sinh viên báo chí trước khi ra trường…. Thủ tướng tặng bút cho đại diện một số cơ quan báo chí Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của những người làm báo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước và nhân dân tự hào về những bước trưởng thành và phát triển của Báo chí cách mạng Việt Nam; luôn trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân qua các thời kỳ; luôn nỗ lực phấn đấu, năng động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng, to lớn vào thành tựu chung của đất nước trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước ngày nay.Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Báo chí của chúng ta nói chung và đội ngũ làm báo của chúng ta nói riêng đã lớn mạnh và trưởng thành. Thành tựu đạt được, kết quả đạt được ưu điểm là dòng chảy chính. Sự trưởng thành cả về ý thức và bản lĩnh chính trị, cả về chuyên môn nghiệp vụ, cả về trình độ công nghệ trong điều kiện chúng ta phải hội nhập, phải cập nhật nhanh với thế giới, trong điều kiện công nghệ phát triển rất nhanh như ngày nay. Báo chí và những người làm báo thực sự trưởng thành, lớn mạnh, sánh vai với bạn bè quốc tế…”Đánh giá cao, biểu dương những đóng góp to lớn của báo chí vào những thành tựu chung của đất nước, nhất là trong những năm gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các cơ quan báo chí và những người làm báo tiếp tục khắc phục những mặt còn hạn chế yếu kém; tăng cường tuyên truyền 3 nhóm nhiệm vụ lớn của đất nước từ nay đến cuối năm, đó là phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015 và cả giai đoạn 5 năm qua, gắn với cải thiện thiết thực đời sống của người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia và tiến hành thành công Đại hội Đảng các cấp…Để báo chí vừa làm tốt nhiệm vụ chính trị được giao, vừa phát triển trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường, công nghệ thông tin phát triển và phải tự chủ tài chính vì nhà nước không thể bao cấp là rất khó. Thủ tướng và các nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí chụp ảnh lưu niệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ: “Bây giờ báo chí phải làm được nhiệm vụ chính trị của mình trong điều kiện kinh tế thị trường, cạnh tranh rất gay gắt, trong điều kiện kinh phí nhà nước không thể bao cấp. Như vậy chúng ta vừa làm nhiệm vụ chính trị, vừa làm nhiệm vụ phải có thu nhập để tồn tại và phát triển mà trong điều kiện kinh tế thị trường đặt ra như thế. Điều kiện này rất khó, tôi hết sức thông cảm và chia sẻ với các đồng chí. Chúng ta phải tiếp tục tồn tại, phát triển trong điều kiện công nghệ mới, không cách nào khác là ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ internet và truyền thông mới. Hai đặc điểm này hết sức khó nên giải pháp gì, cơ chế, chính sách gì để báo chí làm được vai trò, trách nhiệm của mình trong điều kiện mới thì các đồng chí suy nghĩ, đề xuất. Làm được gì ủng hộ các đồng chí thực hiện trong điều kiện mới này, các đồng chí nêu cụ thể chúng tôi hết sức ủng hộ…” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu đề cao trách nhiệm lãnh đạo quản lý của cơ quan chủ quản báo chí và trách nhiệm lãnh đạo của người đứng đầu các cơ quan báo chí nhằm quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn hoạt động báo chí vì lợi ích và sự phát triển của đất nước.Thủ tướng mong muốn những người làm báo đề cao trách nhiệm của mình với xã hội, đề cao nghĩa vụ của mình với đất nước, đồng thời tự mình rèn luyện giữ vững phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ làm báo.Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và những người làm báo từ thực tiễn hoạt động báo chí tích cực đóng góp sửa đổi Luật báo để báo chí nước nhà phát triển và làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao.Liên quan đến vấn đề quy hoạch báo chí, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu quy hoạch là để báo chí làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, vai trò của mình và phát triển nhanh, vững chắc hơn.Trên cơ sở Đề án quy hoạch báo chí đã trình Trung ương, Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc cụ thể với các cơ quan truyền thông, tiếp thu các đề xuất để xây dựng và trình phương án phù hợp nhất.Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tiếp thu nhiều kiến nghị của các cơ quan báo chí để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí phát triển./. Chia sẻ tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Chúng ta thành kính tưởng nhớ, biết ơn và tri ân các thế hệ làm báo trong suốt 90 năm qua, một nghề nghiệp cao quý và có vai trò rất quan trọng của của đất nước. Các thế hệ nhà báo đã không tiếc mồ hôi, xương máu của mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đưa thông tin nhanh nhất, kịp thời nhất, chính xác nhất với định hướng tốt đến với nhân dân, đem lại lợi ích cho đất nước, cho dân tộc, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước…”.