Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng: Chấp nhận “sống trong trạng thái có dịch COVID -19”

Hương Giang

Thứ tư, 22/04/2020 - 19:38

(Thanh tra) - Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, công tác phòng, chống đại dịch COVID -19 có những kết quả “vui mừng nhưng cảnh giác”. Chúng ta chấp nhận tình trạng “sống trong trạng thái có dịch” và chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, căn bản hơn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quang Hiếu

Chiều 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID -19, trong đó có việc xem xét danh sách các địa phương thuộc các nhóm nguy cơ và đưa ra các quyết sách mới.

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia tích cực thảo luận.

Theo lãnh đạo Chính phủ, người dân cả nước đang chờ đón quyết định cuối cùng của cuộc họp hôm nay nhằm giải quyết các vấn đề việc làm, sản xuất kinh doanh, tăng trưởng và phòng, chống dịch COVID-19 quay trở lại.

“Vui mừng nhưng cảnh giác”

Sau khi lắng nghe các ý kiến trao đổi, thảo luận, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Ban Chỉ đạo, các địa phương, nhất là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, Bộ Y tế, các bộ, ngành và toàn thể nhân dân đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, đạt kết quả đáng mừng.

"Chúng ta áp dụng cách ly xã hội đúng đắn, kịp thời, nên trong 6 ngày qua không phát hiện trường hợp nào bị nhiễm. Riêng TP Hồ Chí Minh 19 ngày không có người nhiễm. Đây là thắng lợi để chúng ta chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn, cùng phát triển kinh tế xã hội", Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, “vui mừng nhưng cảnh giác”. Theo đó, tiếp tục đề cao tinh thần cảnh giác, chấp nhận tình trạng “sống trong trạng thái có dịch”, cần “nhận thức rõ ràng, không mơ hồ” và có các biện pháp xử lý trên cơ sở năng lực y tế của đất nước và địa phương.

Thủ tướng nêu rõ, yêu cầu lớn là không để đại dịch tàn phá đất nước. Sinh mạng của người dân. Vì vậy, các cấp, các ngành tiếp tục ngăn chặn dịch quyết liệt, không để dịch xâm nhập vào Việt Nam trở lại.

Biện pháp cách ly có thể linh hoạt, tùy theo đối tượng, bảo đảm yêu cầu nghiêm túc, chặt chẽ. Hiện chưa có chủ trương tiếp nhận khách du lịch từ nước ngoài vào nước ta.

“Phòng, chống dịch tốt ở Việt Nam, thực hiện nghiêm cách ly xã hội nhưng phải đảm bảo lưu thông hàng hóa, giải quyết việc làm và phát triển kinh tế - xã hội”, Thủ tướng nói.

Tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo báo cáo, đề xuất tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Cơ bản đồng ý với báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng đánh giá cao Bộ đã chủ động xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT, yêu cầu Bộ sớm ban hành quy chế, hướng dẫn công tác thi THPT cũng như xét tuyển đại học, cao đẳng. Bộ ra đề thi trên tinh thần không đánh đố, học gì thi nấy, nhưng phải bảo đảm chất lượng. Kỳ thi do chủ tịch UBND các tỉnh, TP chịu trách nhiệm toàn diện, bảo đảm an toàn, trung thực, chất lượng.

Thủ tướng yêu cầu, tăng cường sự thanh tra, giám sát của các cấp, các ngành. Tăng cường sử dụng công nghệ đảm bảo tính trung thực của kỳ thi. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế cụ thể để áp dụng toàn quốc chặt chẽ, nề nếp, an toàn.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh quan điểm cần “xác định trạng thái bình thường mới” như đeo khẩu trang bắt buộc trong các hoạt động cộng đồng, đi học, đi chợ, tham gia giao thông...; thường xuyên rửa tay sát khuẩn; duy trì khoảng cách tối thiểu giữa người với người trong các hoạt động thường xuyên; tiếp tục khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài, hạn chế tập trung đông người.
Cùng với đó, thực hiện nếp sống mới, văn minh, tác phong làm việc mới, một thời kỳ mới với các ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi trong mọi mặt đời sống xã hội; khẳng định khả năng tự lực tự cường của đất nước.

Người có dấu hiệu ốm, sốt nên ở nhà, không đến cơ quan, đơn vị, trường học và cần làm theo hướng dẫn của bác sỹ, không được để lây lan trong cộng đồng.

Cả nước không còn tỉnh, thành “nguy cơ cao”

Cơ bản đồng ý với các biện pháp nới lỏng thận trọng mà Ban Chỉ đạo đề xuất, Thủ tướng cho rằng, Hà Nội là địa phương có nguy cơ, nhưng một số địa bàn của Hà Nội là có “nguy cơ cao” như Thường Tín, Mê Linh và một số nơi có nhiều ca nhiễm chưa qua 14 ngày.

Theo Thủ tướng, những địa bàn của Hà Nội vẫn “nguy cơ cao” thì tiếp tục áp dụng nghiêm Chỉ thị 16, cần theo dõi, xử lý chặt chẽ, đề cao cảnh giác phòng, chống dịch bệnh; có những biện pháp cụ thể.

Đối với Hà Giang, dù tỉnh này được xếp ở nhóm “có nguy cơ” nhưng theo Thủ tướng, huyện có bệnh nhân dương tính thì đó là nơi “nguy cơ cao”.

Tại các nơi có nguy cơ, nguy cơ cao, chủ tịch UBND các tỉnh, theo thẩm quyền tạo điều kiện cho sản xuất hàng hóa, nhưng đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

“Nới lỏng giãn cách xã hội nhưng tối nay không phải là dịp đổ ra đường ăn mừng”, Thủ tướng nói và khuyến cáo nâng cao trách nhiệm người dân trong phòng, chống dịch.

Cũng yêu cầu của Thủ tướng, những sự kiện lễ hội, thể thao tập trung đông người; hoạt động kinh doanh như karaoke, vũ trường… đều chưa được tổ chức hoạt động trở lại trên cả nước. Các siêu thị, cửa hành kinh doanh đều phải có biện pháp giãn cách.

Lực lượng công an và các đơn vị liên quan đảm bảo an ninh trật tự, kiểm soát chặt các hoạt động như đua xe, tập trung nhậu nhẹt đông người…

Ngành Y tế được giao tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tình trạng miễn dịch cộng đồng nhằm ước tính nguy cơ mắc, khả năng miễn dịch và mức độ lây truyền, đánh giá hiệu quả can thiệp thời gian qua và dự đoán lây nhiễm thời gian tới.

Theo báo cáo cập nhật của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, cả nước ghi nhận 268 trường hợp mắc COVID-19 (thời điểm 12h ngày 22/4); không ghi nhận trường hợp mắc mới kể từ ngày 17/4.

Trong đó, 222 trường hợp đã khỏi bệnh, chiếm 83% tổng số bệnh nhân; 46 bệnh nhân đang được điều trị tại 9 cơ sở khám, chữa bệnh; 3 bệnh nhân diễn biến nặng (số 20, 91, 161) đang được điều trị tích cực và đã có tiến triển trong những ngày gần đây; 21 trường hợp âm tính từ 1 lần trở lên (trong đó có 9 trường hợp âm tính từ 2 lần trở lên).

Liên quan đến ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội, đến nay ghi nhận 13 trường hợp mắc COVID-19, không phát sinh ca mới kể từ khi công bố bệnh nhân số 267 ngày 15/4.

Đối với trường hợp bệnh nhân số 268 tại Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, đã lấy 358 mẫu xét nghiệm, trong đó 302 mẫu có kết quả âm tính, còn lại đang chờ kết quả.

Trên cơ sở theo dõi sát diễn biến dịch bệnh thời gian qua, Ban Chỉ đạo đề xuất thay đổi phân nhóm nguy cơ các địa phương trong cả nước so với thời điểm ngày 15/4.

Hà Nội là địa phương duy nhất thuộc nhóm có nguy cơ cao; 3 địa phương có nguy cơ là TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hà Giang; 59 địa phương còn lại thuộc nhóm nguy cơ thấp.

Tại cuộc họp, trên cơ sở kết quả báo cáo tình hình kiểm soát dịch bệnh, dự báo nguy cơ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiến nghị nghiên cứu, đánh giá và xếp Hà Nội vào địa phương thuộc nhóm nguy cơ.

Người đứng đầu TP Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hoàng Nam

22:10 22/11/2024
Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm