Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thu hồi vaccine COVID -19 cấp cho các địa phương để “dồn” cho Bắc Giang, Bắc Ninh

Hương Giang

Thứ bảy, 29/05/2021 - 17:54

(Thanh tra) - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ phải thu hồi vaccine cấp cho một số địa phương để cấp cho Bắc Giang, Bắc Ninh - nơi dịch đang “nóng và căng thẳng”. “Mong các địa phương thông cảm vì tình thế rất cấp bách”, Bộ trưởng nói.

“Một số nước phát triển đã đặt mua nhiều hơn nhu cầu sử dụng thực tế. Điều này khiến vaccine đã khan hiếm lại càng khan hiếm hơn”, Bộ trưởng Y tế nói và nhấn mạnh, tình trạng khan hiếm vaccine toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: Đ.X

Thúc đẩy tất cả các cơ chế để mua đủ vaccine

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 sáng ngày 29/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam đặt mục tiêu cố gắng đạt miễn dịch cộng đồng trong năm 2021 với khoảng 150 liều tiêm.

Ông Long cho hay, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, chúng ta nỗ lực tiếp cận tất cả nguồn vaccine.

Tuy nhiên, mới có hơn 100 triệu liều vaccine COVID -19 được cam kết cung cấp, đủ tiêm chủng cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên. Như vậy, vẫn còn thiếu khoảng 40 triệu liều để đạt mục tiêu.

Các nguồn vaccine Việt Nam đang có gồm 38,9 triệu liều cung cấp từ Covax; 30 triệu liều từ AstraZeneca, mua thông qua VNVC; 31 triệu liều từ Pfizer; một nguồn thứ 4 đang trong đàm phán và chưa rõ thời gian cung ứng.

“Bộ Y tế đang thúc đẩy tất cả các cơ chế khác nhau để mua đủ 150 triệu liều COVID -19”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Cạnh đó, Chính phủ cũng luôn ưu tiên sản xuất trong nước để tự chủ vaccine COVID -19. Tháng 4/2020, sau khi phân lập được virus, đến tháng 5/2020 Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả các đơn vị sản xuất vaccine trong nước nghiên cứu, sản xuất vaccine và hiện có 4 ứng viên nổi trội.

Ông Long cho biết, Bộ đã phân phối các lô vaccine mới về cho các địa phương. Song, Bộ phải thu hồi lại một số địa phương để cấp cho Bắc Giang, Bắc Ninh - nơi dịch đang “nóng và căng thẳng”

“Mong các địa phương thông cảm vì tình thế rất cấp bách”, Bộ trưởng nói.

Đàm phán gặp nhiều khó khăn vì vaccine COVID -19 khan hiếm

Người đứng đầu Bộ Y tế tỏ ra lo ngại khi toàn cầu đang khan hiếm vaccine COVID -19, khiến việc đàm phán gặp nhiều khó khăn. Ông phân tích, các nước đang tiếp cận vaccine theo 4 phương thức.

Thứ nhất, một số nước đã đầu tư hàng tỷ USD cho các công ty trong nước nghiên cứu, sản xuất vaccine. Ví dụ Mỹ đầu tư khoảng 2 tỷ USD cho Pfizer, Anh đầu tư khoảng 1,7 tỷ USD cho AstraZeneca. Các nước đầu tư rất lớn nên nhận và mua được vaccine sớm.

Nhóm thứ hai là các nước tham gia thử nghiệm sản xuất vaccine như Ấn Độ, Brazil. Đây là những nước có tình hình dịch nghiêm trọng nên các nhà sản xuất lựa chọn để thử nghiệm vaccine lâm sàng. Cho nên, những nước này cũng được ưu tiên mua vaccine.

Thứ ba là các nước đầu tư rủi ro, đặt hàng trước ngay khi vaccine đang thử nghiệm lâm sàng. Nếu vaccine thành công thì được ưu tiên mua, nếu không thành công thì mất kinh phí đầu tư.

Nhóm thứ tư là các nước còn lại, chủ yếu dựa vào nguồn cung của Covax.

“Một số nước phát triển đã đặt mua nhiều hơn nhu cầu sử dụng thực tế. Điều này khiến vaccine đã khan hiếm lại càng khan hiếm hơn”, Bộ trưởng Y tế nói và nhấn mạnh, tình trạng khan hiếm vaccine toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Không chỉ khó tiếp cận nguồn vaccine, theo Bộ trưởng Long, dù các đối tác, cơ chế đã cam kết giao vaccine cho Việt Nam nhưng công tác phòng chống dịch nước ta khá tốt, nên vaccine được điều chuyển trước cho các nước nguy cơ cao hơn. Có lô vaccine mua từ tháng 11/2020 nhưng đến tháng 6/2021 mới về đến Việt Nam. Do đó, tiến độ cung ứng vaccine ở Việt Nam bị chậm lại.

Phát hiện chủng virus mới lai tạo giữa chủng của Ấn Độ và Anh, rất nguy hiểm

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đợt dịch lần này có đặc điểm bùng phát đa nguồn dịch, đa hình thái (chủ yếu trong khu công nghiệp, sau đó lây lan ra cộng đồng), đa chủng lây nhiễm.

Lý giải cụ thể, ông Long nói, đa nguồn dịch tức là cùng một thời điểm xuất hiện nhiều ổ dịch khác nhau tại các địa phương.

Đa hình thái nghĩa là có hình thái nổi trội lây nhiễm trong khu công nghiệp, sau đó lây nhiễm từ khu công nghiệp vào khu dân cư và ngược lại.

Còn đa chủng, Bộ trưởng Y tế giải thích hiện có 2 chủng phổ biến là chủng của Ấn Độ và chủng của Anh, trong đó chủng của Ấn Độ phổ biến nhất, trong khi chủng của Anh chỉ có ở Đà Nẵng và một số địa phương.

“Chúng tôi đã phát hiện ra một chủng mới có sự lai tạo giữa chủng của Ấn Độ và Anh. Nghĩa là trên chủng Ấn Độ xuất hiện đột biến gen của Anh, cái này rất nguy hiểm, tới đây chúng tôi sẽ công bố trên bản đồ gen của thế giới”, ông Long cho hay.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, nguy cơ đối với các khu công nghiệp là cao nhất, có thể lây nhiễm rất nhanh chóng, khó khăn trong vấn đề kiểm soát.

Theo đó, phải tiến hành quản lý chặt chẽ công nhân từ nơi làm việc, khi đi trên phương tiện giao thông, đến nơi cư trú. Các khu công nghiệp phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc thường xuyên, tối thiểu từ 20% số công nhân trở lên. Trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp, cơ quan quản lý doanh nghiêp phải được tăng cường…

Bộ trưởng nhấn mạnh, giãn cách xã hội là biện pháp rất quan trọng để phòng chống dịch, các địa phương đã rất chủ động thực hiện khoanh vùng, cách ly quyết liệt nhưng ở phạm vi gọn nhất có thể, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh và đời sống ngươi dân. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm