Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thay đổi tư duy về nghĩa vụ quân sự

Thứ hai, 18/08/2014 - 09:13

Từ năm 2015, các đợt tuyển quân sẽ cân nhắc tuyển cán bộ, công chức, viên chức đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp.

Ông Lê Việt Trường. Ảnh: Việt Dũng

Việc thay đổi cách thức tuyển nghĩa vụ quân sự như vậy sẽ có tác động như thế nào?

Trả lời phỏng vấn phóng viên, ông Lê Việt Trường - phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội - nói:

- Do hoàn cảnh lịch sử liên tục phải trải qua các cuộc chiến tranh vệ quốc kéo dài, hi sinh nhiều xương máu, cho nên việc thực hiện nghĩa vụ quân sự hết sức vẻ vang và thiêng liêng với mỗi người dân nước ta. Hôm nay đất nước đã có hòa bình, nhưng vấn đề bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ vẫn đang có những thách thức to lớn.

Trong thời bình, việc tổ chức nghĩa vụ đó sao cho khoa học, vừa đáp ứng được yêu cầu của quân đội vừa tạo điều kiện thuận lợi cho công dân là trách nhiệm của Nhà nước. Từ cách tiếp cận như vậy, tôi cho rằng chúng ta nên nghiên cứu thay đổi tư duy về nghĩa vụ quân sự, trong đó có việc hiểu rộng hơn khái niệm nghĩa vụ quân sự và nên giảm thời hạn phục vụ tại ngũ.

Nên rút ngắn thời hạn còn 12 tháng

* Hiện nay, hằng năm có gần 7 triệu công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ (từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi), tuy nhiên số lượng gọi nhập ngũ rất ít. Làm sao để đảm bảo mục tiêu công bằng xã hội giữa người đi và người không đi, và tránh được tiêu cực có thể phát sinh khi ai đó muốn ở trong diện tạm hoãn, miễn dù không đủ tiêu chuẩn?

- Một trong những cách phù hợp nhất là rút ngắn thời gian, nghĩa là “quay vòng” được nhanh hơn, có nhiều người nhập ngũ hơn. Qua đó đông đảo công dân được huấn luyện những kiến thức cơ bản về quân sự và quốc phòng để sẵn sàng khi đất nước nguy biến. Hơn nữa, thời gian ngắn cũng tạo điều kiện cho người dân nhanh chóng hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nhanh chóng hòa nhập trở lại với cuộc sống đời thường để xây dựng kinh tế gia đình, phụng dưỡng cha mẹ và đóng góp cho xã hội.

* Quan điểm của ông là nếu thiết kế thời hạn nhập ngũ phù hợp, mọi công dân, trong đó có đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, sẽ không còn ngần ngại lên đường?

- Ở đây chúng ta phải phân tích các tình huống cụ thể để thấy cuộc sống rất phong phú, đa dạng. Ví dụ một bạn trẻ cùng lúc có giấy báo đỗ đại học chính quy và giấy gọi nhập ngũ. Bạn ấy sẽ lên đường nhập ngũ một năm và được bảo lưu kết quả thi đại học cũng trong thời gian đó.

Như vậy thời gian không quá dài, mà lại có cơ hội được rèn luyện trong môi trường quân đội, giúp nâng cao ý thức làm việc tập thể, tính kỷ luật là những phẩm chất cần thiết sau này.

Còn nếu thời hạn phục vụ tại ngũ 24 tháng sẽ khó khăn cho bạn ấy khi xuất ngũ, vì thời gian kéo dài kiến thức sẽ bị rơi rụng. Tại ngũ hai năm, nếu ở trong những đơn vị như xe tăng, hải quân... thật sự là ngày đổ mồ hôi trên thao trường, tối về không sức đâu học hành, nghiên cứu sách vở. Thời gian kéo dài, khó tránh khỏi tâm lý băn khoăn của các bạn trẻ, nhất là phụ huynh của các bạn.

Còn với những trường hợp vừa tốt nghiệp đại học, sức ép về công ăn việc làm rất lớn, chưa kể nhiều trường hợp phải vay ngân hàng trong quá trình học thì còn sức ép về trả nợ nữa, cho nên thời gian tại ngũ kéo dài cũng là vấn đề. Hoặc bây giờ ta tuyển quân những người đang làm trong các nhà máy, xí nghiệp.

Công nghệ bây giờ thay đổi liên tục, có khi nhập ngũ hai năm về thì tay nghề lạc hậu rồi. Hay với người đang làm trong công sở, nếu thời gian nhập ngũ kéo dài, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến công việc hiện tại. Tất nhiên khi xuất ngũ thì cơ quan sẽ tiếp nhận trở lại, vấn đề là trong thời gian ngắn cơ quan còn co kéo bố trí người làm thay được, nếu thời gian kéo dài buộc cơ quan phải tiếp nhận người mới để thay thế.

Rất khó xử. Không loại trừ trường hợp cán bộ, công chức có triển vọng, được quy hoạch nhưng với thời gian nhập ngũ kéo dài sẽ không còn cơ hội đó nữa. Từ thực tế cuộc sống như vậy, chúng ta phải chia sẻ với những băn khoăn chính đáng của người dân, để thấy rằng trách nhiệm của Nhà nước là nghiên cứu, đưa ra các chính sách phù hợp.

* Thời hạn phục vụ tại ngũ của lực lượng làm nghĩa vụ quân sự (hạ sĩ quan và binh sĩ) nên bao nhiêu là phù hợp?

- Tốt nhất là 12 tháng. Thật ra chúng ta cũng phải thấy rằng trong quân đội đã có đội ngũ sĩ quan và các quân nhân chuyên nghiệp. Sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp là những người đã được huấn luyện bài bản và giữ các vị trí trọng yếu trong quân đội.

Nghĩa là trong quân đội đã có sẵn “bộ khung” chất lượng rồi. Lực lượng làm nghĩa vụ quân sự rất quan trọng và không thể thiếu với một nền quốc phòng toàn dân, nhưng không phải bao giờ cũng đòi hỏi hạ sĩ quan, binh sĩ làm tất cả nhiệm vụ chính yếu trong quân đội.

Nghiên cứu hình thức nghĩa vụ thay thế phù hợp

* Liệu có công bằng nếu cho phép người dân đóng tiền thay thế nghĩa vụ quân sự?

- Khi thảo luận xây dựng Hiến pháp, có một số ý kiến mà chúng tôi rất ủng hộ là mở rộng khái niệm nghĩa vụ quân sự. Hiện nay trong Hiến pháp ghi là “công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân”. Lâu nay chúng ta thường hiểu nghĩa vụ quân sự là đi bộ đội, nhưng nhìn rộng ra thì không hẳn như vậy.

Nhiều nước, ví dụ như Nga, có khái niệm nghĩa vụ quân sự mở rộng theo hướng là một loại hình phục vụ đặc biệt được nhà nước tổ chức cho công dân thực hiện, có thể là ở trong quân đội, trong lực lượng biên phòng, lực lượng cảnh sát, lực lượng bảo vệ bờ biển, lực lượng công binh làm đường...

Theo đó, nghĩa vụ quân sự được thực hiện không chỉ ở trong quân đội mà với nhiều loại công việc khác nhau. Ví dụ người bác sĩ tình nguyện đi phục vụ nơi xa xôi, khắc nghiệt trong thời hạn nhất định thì được tính là thực hiện xong nghĩa vụ quân sự.

Nếu hiểu nghĩa vụ quân sự một cách cứng nhắc sẽ rất khó vận dụng trong điều kiện hòa bình, hội nhập, phát triển nền kinh tế tri thức và khó cho công dân trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình với Tổ quốc. Còn nếu hiểu theo nghĩa rộng, Nhà nước không yêu cầu người dân đóng tiền để thay thế nghĩa vụ quân sự.

Tuy nhiên, trường hợp công dân không có điều kiện gia nhập quân đội, có thể làm việc khác dưới sự tổ chức của Nhà nước, coi như một hình thức nghĩa vụ thay thế. Chỗ này, như tôi đã nói, chúng ta cần đổi mới tư duy thì mới làm được.

* Ông có đề xuất phương án cụ thể nào để đổi mới tư duy theo hướng đó?

- Chúng tôi từng đề nghị phương án quy định mọi công dân phải làm nghĩa vụ quân sự, trong trường hợp Nhà nước không gọi công dân vào quân đội, công dân phải thực hiện một hình thức tham gia bảo vệ Tổ quốc khác. Ví dụ như ngư dân đánh cá trên biển có tham gia bảo vệ Tổ quốc không? Có chứ, họ vừa tham gia bảo vệ chủ quyền vừa đóng góp cho xã hội. Mỗi người ở vị trí công việc của mình đều đang tham gia bảo vệ Tổ quốc.

Vậy thì hãy phát huy thế mạnh của công dân ở vị trí mà họ đang làm tốt nhất, bằng cách Nhà nước tổ chức cho họ những nghĩa vụ được xem là tương đương nghĩa vụ quân sự. Với các nghiệp đoàn đánh cá, xí nghiệp đánh cá thì có thể tổ chức lực lượng dân quân tự vệ, Nhà nước huấn luyện ngư dân các kiến thức cần thiết và xác nhận rằng như vậy là họ đã thực hiện nghĩa vụ quân sự của mình.

Theo TTO

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm