Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thảo luận tại Tổ về Luật luật sư và Luật điện lực

Thứ tư, 06/06/2012 - 15:46

Tiếp tục kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, sáng 6/6, các đại biểu thảo luận tại tổ về hai dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật luật sư và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Trịnh Thế Khiết thảo luận ở tổ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tạo động lực phát triển về số lượng và chất lượng của đội ngũ luật sư Việt Nam


Đa số các đại biểu nhất trí với sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật luật sư. Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Luật sư.


Sau 5 năm thi hành, Luật Luật sư đã thực sự đi vào cuộc sống và mang lại nhiều kết quả.


Về cơ bản, các quy định của Luật Luật sư là đúng hướng và đa phần vẫn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có nhiều quy định tiếp cận với thông lệ hành nghề luật sư quốc tế.


Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động luật sư ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Chất lượng của đội ngũ luật sư, tuy đã được nâng lên một bước nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp.


Số lượng luật sư hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của xã hội và yêu cầu cải cách tư pháp. Công tác quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư ở một số địa phương còn lỏng lẻo, hiệu lực, hiệu quả chưa cao, có sự trùng lặp giữa quản lý nhà nước với chế độ tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư...

Các đại biểu cho rằng dự án Luật đã thể chế hóa nhiều nội dung quan trọng về định hướng hoàn thiện chế định luật sư theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 49-NQ/TW) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung về cơ bản đã bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển về số lượng và chất lượng của đội ngũ luật sư Việt Nam.

Đa số các đại biểu đều cho rằng quy định được miễn đào tạo nghề luật sư trong Dự án luật còn quá rộng, nhiều chức danh chưa rõ ràng.

Nhiều đại biểu tán thành với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội là với người đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên (kể cả thẩm phán, kiểm sát viên sơ cấp) cần giữ như quy định hiện hành. Các chức danh khác (không phải là chức danh tố tụng) cần cân nhắc quy định bắt buộc phải qua một thời gian đào tạo nghề luật sư và tập sự hành nghề luật sư nhất định mới được xét cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Công chứng viên, Chấp hành viên, Thừa phát lại không nên đưa vào diện được miễn đào tạo nghề luật sư vì họ chưa được đào tạo nghề tiến hành tố tụng.

Nhiều đại biểu không đồng tình với quy định được hành nghề luật sư đối với người phạm tội nghiêm trọng trong trường hợp đã được xóa án tích.

Theo đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), luật sư hành nghề cần bảo đảm về đạo đức. Những người đã phạm tội hoặc phạm tội nghiêm trọng đã được xóa án tích nhưng sau đó lại được hành nghề luật sư là điều không nên.

Đại biểu dẫn chứng tham khảo quy định của một số nước về vấn đề này rất khắt khe, ví dụ ở Nhật là cấm vĩnh viễn.

Đại biểu Đinh Tiên Phong (Thanh Hóa) cũng cho rằng nên quy định chặt chẽ những đối tượng được tham gia hành nghề luật sư để hạn chế số lượng và nâng cao chất lượng luật sư.

Các đại biểu còn dành nhiều thời gian thảo luận về Đoàn luật sư và Liên đoàn luật sư Việt Nam; Tập sự hành nghề luật sư; Quyền, nghĩa vụ của luật sư; Hoạt động tham gia tố tụng của luật sư...

Cần xử lý vấn đề giá điện một cách đồng bộ


Đa số các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết cần sửa đổi, bổ sung Luật điện lực đã được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 3/12/2004, có hiệu lực từ ngày 1/7/2005.

Việc thi hành Luật trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước.

Tuy nhiên, qua gần 7 năm việc thực hiện, Luật điện lực đã bộc lộ không ít những bất cập, khó khăn, vướng mắc, một số quy định không còn phù hợp với phương thức quản lý, điều hành của ngành điện trong điều kiện hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới cũng như tiến trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước.

Các đại biểu cho rằng việc sửa đổi Luật điện lực hiện hành phù hợp với quan điểm đẩy mạnh phát triển hạ tầng cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; cơ bản thể chế hóa được đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước.

Về chính sách giá điện, đa số các đại biểu tán thành với quy định “giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.”

Theo đại biểu Đinh Thế Huynh (Thanh Hóa), cần xử lý vấn đề giá điện một cách đồng bộ. Đại biểu cho rằng một mặt không thể để giá điện thấp nhưng mặt khác nếu đưa giá điện lên cao cần tính đến thu nhập người dân, nhất là đối với những người có thu nhập trung bình, không được bù lỗ giá điện.

Đại biểu Đinh Thế Huynh đề xuất nên có nhiều thang để tính giá, quy định mức nào được nhà nước hỗ trợ nhiều, mức nào được nhà nước hỗ trợ tương đối để bảo đảm tương đương thu nhập của người dân.

Một số đại biểu cùng đề nghị xem xét lại quy định về các loại phí đã được quy định trong dự thảo Luật. Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình): quyền quy định phí là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu giao cho Chính phủ chưa hợp lý.

Đại biểu cũng cho rằng một số loại phí như phí điều độ, phí giao dịch thị trường, phí điều hành, phí điều tiết hoạt động điện lực... là chức năng của cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành điện.

"Nếu chấp nhận doanh nghiệp tự quyết định theo giá thị trường và kèm theo một loạt loại phí như vậy e rằng giá điện sẽ bị đẩy lên cao và ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân..." - đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.

Xung quanh quy định về chính sách của Nhà nước về giá điện, đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) cho rằng chính sách của Nhà nước về giá điện quy định trong Dự án Luật cần phù hợp với quy định của Luật giá đang được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

Theo đó, Nhà nước sẽ định giá cụ thể đối với giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện; định khung giá đối với giá phát điện, bán buôn điện, mức giá bán lẻ điện bình quân.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) đề xuất về vấn đề thực hiện tiết kiệm điện và hiệu quả sử dụng điện cũng cần phải được quan tâm, có quy định cụ thể.

Tán thành với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng cần có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với những vi phạm về tiết kiệm điện.../.

 (TTXVN)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm