Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thảo luận nhiều nội dung quan trọng

Thứ hai, 10/03/2014 - 22:29

(Thanh tra)- Ngày 10/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ 26 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Phiên họp dự kiến diễn ra trong 5 ngày (10 - 14/3) với nhiều nội dung quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Tiếp tục bàn việc sửa nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Phiên họp thứ 26 UBTVQH sẽ cho ý kiến để hoàn thiện một số dự án luật, Pháp lệnh trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 sắp tới. Đây là những nội dung quan trọng liên quan an ninh quốc phòng, giáo dục, văn hóa, kinh tế, nhà ở, bất động sản (BĐS), quyền dân chủ, quyền làm ăn, quyền thụ hưởng các cải cách hành chính trong điều kiện nền kinh tế thị trường…
.

Tại phiên họp, UBTVQH sẽ cho ý kiến về các dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Căn cước công dân; Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi); Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Các thành viên UBTVQH cũng tập trung cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của các dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Hải quan (sửa đổi); Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án nhân dân; Phương án phân bổ vốn trái phiếu chính phủ bổ sung giai đoạn 2014 - 2016 cho các dự án dự kiến hoàn thành năm 2014 -2015 cần rà soát lại; việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. 

Tăng tính minh bạch thị trường BĐS 

Ngay sau phát biểu khai mạc Phiên họp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các thành viên UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi).

Thay mặt Chính phủ báo cáo trước UBTVQH, Bộ trưởng Bộ xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, để khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Kinh doanh BĐS hiện hành, Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) đã được nghiên cứu, bổ sung những nội dung mới bảo đảm việc đầu tư kinh doanh BĐS phải tuân thủ đúng quy hoạch và kế hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, khắc phục tình trạng đầu tư BĐS tự phát, theo phong trào, mất cân đối, lệch pha cung - cầu hàng hóa BĐS, nhất là nhà ở như những năm vừa qua.

Cụ thể, dự thảo làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và có tính khả thi cao trong triển khai thực hiện theo hướng loại trừ các giao dịch về nhà ở để thực hiện theo Luật Nhà ở. Luật Nhà ở (sửa đổi) được xây dựng theo hướng điều tiết toàn diện, đồng bộ các nội dung liên quan đến nhà ở từ vấn đề về sở hữu nhà ở đến phát triển nhà ở, quản lý, sử dụng nhà ở và giao dịch về nhà ở (trong giao dịch về nhà ở đã có cả mua bán, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua, tặng cho, đổi, thừa kế, thế chấp nhà ở)... 

Dự thảo luật cũng không quy định bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS khi bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS phải thông qua sàn giao dịch BĐS nhằm khắc phục các tác động tiêu cực của tổ chức trung gian này đối với thị trường BĐS, cũng như tránh việc tăng giá ảo, tăng chi phí và gây thiệt hại cho người mua...

Ngoài ra, nhằm thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế, tạo sự tăng trưởng cho nền kinh tế, trên nguyên tắc bảo đảm ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phát triển bền vững, dự thảo luật mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh BĐS cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài....

Tán thành với phạm vi điều chỉnh dự thảo đưa ra, song một số thành viên UBTVQH cho rằng Luật nhà ở chỉ nên quy định những đặc thù liên quan đến nhà ở. Đối với các giao dịch về mua bán, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua BĐS là nhà ở nên quy định trong Dự án luật kinh doanh BĐS (sửa đổi), vì vậy cần rà soát, nghiên cứu kỹ các quy định này, tránh sự chồng chéo giữa Luật kinh doanh BĐS (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi).

Về quy định mở rộng cho phép người Việt Nam ở nước ngoài kinh doanh BĐS, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn trước nhiều trường hợp gắn "mác" Việt Kiều về kinh doanh nhà ở sau đó bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất đai. Vấn đề cho phép các doanh nghiệp được cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng cần xem xét kỹ.

Chung quan điểm, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, vừa qua, phát sinh nhiều tranh chấp liên quan đến sử dụng tiền ứng trước của bên mua nên cần quy định chặt chẽ về vấn đề này, nhất là các quy định liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua, thuê, thuê lại, thuê mua BĐS. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị xem xét thật kỹ, tránh việc khi cần qua sàn thì nói đó là việc rất tốt, khi muốn bỏ thì lại nói ngược lại. Bỏ quy định bắt buộc qua sàn cũng có lý, nhưng sàn giao dịch BĐS là biểu hiện bậc cao trong giao dịch, rất văn minh, không nên bỏ mà nên quy định chặt chẽ để nó văn minh thực sự, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý. 

Xử lý 10 “lỗ hỗng” Luật Nhà ở

Sau gần 8 năm triển khai thực hiện, Luật Nhà ở còn nổi lên 10 nhóm tồn tại, bất cập chính như: Chưa có quy định yêu cầu các địa phương phải lập chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể và đủ mạnh để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, đặc biệt là tại các đô thị lớn...

Cùng với đó, Luật quy định về chuyển quyền sở hữu nhà ở chưa chặt chẽ, chưa hợp lý; chưa có quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư để làm cơ sở pháp lý cho việc cải tạo, xây dựng lại; chưa điều chỉnh đầy đủ các vấn đề trong quản lý, sử dụng nhà chung cư nên khi phát sinh những vướng mắc, các tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình sử dụng loại nhà ở này cơ quan chức năng đã không có đủ cơ sở để giải quyết…

Trước thực trạng đó, Chính phủ đề xuất 10 nhóm nội dung chủ yếu của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Trong đó, bảo đảm công tác phát triển nhà ở phải đúng quy hoạch và kế hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội nhằm phục vụ cho các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, người thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở; quy định cụ thể về thời hạn sử dụng nhà chung cư; bổ sung quy định cho phép các bên tham gia giao dịch mua bán nhà ở có thể thỏa thuận để bên mua được sở hữu nhà ở trong một thời hạn nhất định; hình thành hệ thống tài chính nhà ở đầy đủ và hiệu quả; làm rõ hơn các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư; xác định rõ các điều kiện bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, hạn chế tối đa các rủi ro và bảo vệ các quyền lợi của người mua nhà ở; mở rộng đối tượng và điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ có 13 Chương với 178 Điều, tăng thêm 4 Chương và 25 Điều so với Luật hiện hành.

Về cơ bản, các ý kiến tán thành với quan điểm, yêu cầu xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) và đề nghị dự thảo Luật cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa trách nhiệm tạo lập nhà ở trước hết là trách nhiệm của người dân và trách nhiệm của Nhà nước là khuyến khích, tạo điều kiện cho cá nhân tạo lập nhà ở, cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển, kinh doanh nhà ở.

Đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, Điều 14 dự thảo quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu chưa thống nhất với Luật đất đai và Bộ luật dân sự. “Cần quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là thời điểm đăng ký, trừ trường hợp mở thừa kế theo quy định của pháp luật. Như vậy sẽ hạn chế được thời điểm chuyển dịch quyền sử dụng đất và chuyển dịch nhà ở lại vào các thời điểm khác nhau, trong khi việc cấp giấy chứng nhận quyền sử sụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là một mẫu thống nhất được cấp cùng một thời điểm”. 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến tán thành với nội dung tính thời điểm chuyển quyền sở hữu từ thời điểm thanh toán đủ tiền để bảo đảm quyền của người mua nhà trong các dự án, khắc phục tình trạng mặc dù đã thanh toán đủ tiền mua nhà, nhưng vẫn không có quyền sở hữu do chủ đầu tư chưa nộp tiền sử dụng đất nên người mua nhà không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

Về định hướng mở rộng cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở, thường trực Ủy ban pháp luật tán thành nhưng lưu ý cần nghiên cứu quy định điều kiện chặt chẽ hơn nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đặc biệt là tại địa bàn, khu vực trọng yếu. 

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến băn khoăn đề nghị làm rõ là với nhu cầu còn rất lớn về nhà ở của người dân đang sinh sống trong nước cũng như điều kiện để tạo lập nhà ở còn rất khó khăn thì việc mở rộng các đối tượng được sở hữu nhà ở đối với các đối tượng nêu trên, nhất là người nước ngoài như dự thảo Luật sẽ có tác động như thế nào đến quyền có nhà ở của người dân và thị trường BĐS? 

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện thêm 2 dự án luật để trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

Phương Linh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Đầu tháng 1/2025, Hà Nội hoàn thành sắp xếp bộ máy

Đầu tháng 1/2025, Hà Nội hoàn thành sắp xếp bộ máy

(Thanh tra) - Với quyết tâm chính trị cao nhất, Hà Nội phải hoàn thành việc tổng kết sắp xếp bộ máy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Tổng Bí thư Tô Lâm vào đầu tháng 1/2025.

Hải Hà

17:54 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm