Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 21/04/2017 - 20:33
(Thanh tra) - Ngày 21/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Vấn đề bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự làm nóng phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý, nói về thiệt hại thì cả người bị oan, sai lẫn người thân thích của họ đều bị thiệt hại về tinh thần. Ảnh: TN
2 luồng ý kiến
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, các Đoàn Đại biểu Quốc hội có hai loại ý kiến về vấn đề này.
Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với quy định tại Điều 27 Dự thảo. Theo đó, chỉ giới hạn bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người thân thích của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị bổ sung quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự, mức bồi thường có thể bằng 1/2 hoặc 1/3 mức bồi thường cho bản thân người bị oan.
Theo ông Định, Dự thảo đang thể hiện theo hướng kế thừa quy định của Luật hiện hành, phù hợp với quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước.
Còn nếu quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị oan phải làm rõ một số vấn đề như mức bồi thường ra sao, bồi thường một khoản cho tất cả người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất hay cho từng người thân thích của người bị oan?...
“Do còn có sự khác nhau giữa các quy định của pháp luật hiện hành với thực tiễn áp dụng và ý kiến khác nhau trong quá trình chỉnh lý, Thường trực Ủy ban Pháp luật báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định”, ông Định nói và cho biết thêm, quan điểm của Ủy ban Pháp luật là đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành.
Cha, mẹ, vợ, con của người bị oan cũng bị tổn thất nặng nề
Giải trình thêm về việc này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, nếu quy định bồi thường cả cho người thân thích thì không phù hợp với quy định bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại trong Bộ luật Dân sự 2015. Quan hệ pháp luật ở đây không phải là bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết mà là quan hệ thừa kế.
Bộ trưởng Lê Thành Long. Ảnh: TN
“Cơ sở pháp lý để giải quyết bồi thường cho người thừa kế là không có, trái với Bộ luật Dân sự”, Bộ trưởng Long nhấn mạnh.
Cũng theo ông Long, Luật hiện hành không quy định vấn đề này và kinh nghiệm quốc tế cũng không nước nào quy định bồi thường thiệt hại tinh thần cho người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất.
“Nếu làm vậy sẽ mở rộng đối tượng và cũng không công bằng với những trường hợp khác như xử lý kỷ luật buộc thôi việc công chức, những trường hợp này người thân thích của họ cũng bị ảnh hưởng. Nhà nước cũng phải chi một khoản bồi thường nhiều hơn, không định lượng được số lượng người thừa kế sẽ là bao nhiêu”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị chỉ trình một phương án như dự thảo.
Trong khi đó, theo Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hào, UBTVQH cân nhắc điều này. Bởi thực tế, cha, mẹ, vợ, con của người bị oan cũng bị ảnh hưởng, tổn thất nặng nề về tinh thần.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý, nói về thiệt hại thì cả người bị oan, sai lẫn người thân thích của họ đều bị thiệt hại về tinh thần.
“Một người bị oan, gia đình, bố mẹ, vợ con người ta có những người chịu hậu quả rất nghiêm trọng, con cái có thể bỏ học, bỏ công việc, thậm chí xấu hơn là tự vẫn. Tôi cho rằng những người đó bị thiệt hại rất lớn về tinh thần”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói và đề nghị trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội; Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2017 - 2020.
Giữ người trái pháp luật phải bồi thường
Liên quan đến phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, cũng còn có ý kiến khác nhau.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức nhưng cũng không gây tâm lý e ngại, làm ảnh hưởng đến quá trình thực thi công vụ, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã thống nhất với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan chỉnh lý quy định này theo hướng cụ thể và chặt chẽ hơn.
Theo đó, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường đối với “người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự và người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật” (Khoản 1 Điều 18 của Dự thảo Luật).
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sáng nay (12/12), Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã khai mạc Kỳ họp thứ 24.
Trần Lê
10:32 12/12/2024(Thanh tra) - Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ để tối ưu hóa nguồn lực, tránh chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ… theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc.
Hương Giang
23:28 11/12/2024Hương Giang
23:23 11/12/2024Trung Hà
21:14 11/12/2024Bùi Bình
21:07 11/12/2024Trần Lê
Trần Quý
Kim Thành
Đông Hà + Thanh Hoa
Cảnh Nhật
Phương Anh
TC
TC
Kim Thành
Bùi Bình
Cao Sơn
Lâm Ánh