Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ ba, 01/02/2022 - 06:36
(Thanh tra) - Đại hội XIII của Đảng không chỉ định hướng tương lai của dân tộc, không chỉ giai đoạn 5 năm 2021-2025 mà cho cả những thập niên tới, với những dấu mốc thể hiện tầm nhìn và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Đ.X
Năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, “khó khăn chồng chất khó khăn”, Việt Nam vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là đã thực hiện thành công chiến lược vaccine “đi sau, về trước”; duy trì tăng trưởng kinh tế, là điểm sáng đáng ghi nhận với GDP cả năm ước tăng 2,58%.
Đặc biệt, dù khó khăn, song các lĩnh vực văn hóa, xã hội vẫn được quan tâm. Các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố; hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng.
Nhân dịp năm mới 2022 và chuẩn bị đón Xuân Nhâm Dần, tại hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 5/1, Tổng Bí thư gửi gắm, để chiến thắng “kẻ thù vô hình - COVID-19”, giữ gìn, phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được, tới đây càng phải đổi mới, sáng tạo hơn nữa. Nhà nước nói chung, Chính phủ và các địa phương nói riêng phải liêm chính, kỷ cương, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn nữa. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa.
“Chỉ có như vậy thì chúng ta mới có thể hoàn thành được những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2022, tạo tiền đề cho việc thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hùng cường”, Tổng Bí thư nói.
Nhìn lại, vào đầu tháng 2/2021, khi ra mắt Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương hứa sẽ không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực công tác, quyết tâm thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng, đáp ứng mong mỏi của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
“Chúng tôi luôn luôn ý thức rằng, vinh dự bao giờ cũng đi đôi với trách nhiệm, vinh dự càng cao thì trách nhiệm càng lớn”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII chia sẻ.
Đại hội XIII có trách nhiệm lịch sử to lớn, định hướng tương lai của dân tộc, không chỉ giai đoạn 5 năm 2021-2025 mà cho cả những thập niên tới: Đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Thành công của Đại hội mới là khởi đầu. Ngay sau đó, cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhiều văn bản được ban hành về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tập trung kiểm soát đại dịch COVID-19, tiêm chủng vaccine COVID-19; phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách… để biến nghị quyết thành hiện thực sinh động.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải làm kiên trì, kiên quyết, bền bỉ
Tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Cùng với ngăn chặn, đẩy lùi còn phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực...
Tại hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện các kết luận và quy định của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày 9/12/2021, Tổng Bí thư cho hay, bên cạnh nhiệm vụ Đại hội XIII đặt ra, bối cảnh mới đòi hỏi Đảng phải tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh trí tuệ, thực sự “là đạo đức là văn minh”.
“Chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức để lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn”, ông nói.
Nhưng xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, rất dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người nên rất khó, rất phức tạp.
Dù vậy, người đứng đầu Đảng cho rằng, khó nhưng không thể không làm, vì liên quan đến sinh mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ. Theo ông, điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là từ trên xuống dưới, đều phải có quyết tâm rất lớn, có sự thống nhất rất cao, có biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại.
“Phải làm rất kiên quyết, kiên trì, bền bỉ; làm thường xuyên, liên tục; làm đi làm lại nhiều lần như đánh răng, rửa mặt hằng ngày”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư cũng nhiều lần nhắc nhở, dù trong điều kiện dịch bệnh, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực “không được phép nghỉ, không được phép ngừng”.
Trong buổi họp báo sau bế mạc Đại hội XIII, Tổng Bí thư nói, chống tham nhũng không phải cốt để xử cho nhiều, mà để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa là chính. “Ai chả thích của, thích tiền nhưng danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất. Chết cũng không mang tiền theo được”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tinh thần ấy tiếp tục được người đứng đầu Đảng nhắc tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 ngày 11/8/2021.
Ông đề nghị, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, vin cớ rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí dẫn đến làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn” trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. “Tôi đã nhiều lần nói rồi, nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng này thì hãy dẹp sang một bên cho người khác làm”, Tổng Bí thư nêu rõ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: “Sức mạnh Diên Hồng” và ý chí vươn lên trong nghịch cảnh
Đại dịch COVID-19 với những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người và nền kinh tế thế giới, xét trên nhiều phương diện, là nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử nhân loại.
Khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát 1 tháng, ngày 27/5/2021, trên cương vị Chủ tịch nước, ông Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi người dân cả nước cùng đồng lòng chống dịch.
“Những lúc khó khăn nhất là dịp để mỗi người dân chúng ta thể hiện khí chất của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, cùng hành động có trách nhiệm vì đất nước”, ông bày tỏ.
Từ nghị trường, phát biểu nhậm chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 ngày 26/7/2021, ông cam kết “sẽ nỗ lực cùng Quốc hội, Chính phủ và toàn thể hệ thống chính trị theo sát việc thực hiện tầm nhìn, đường lối, chiến lược phát triển toàn diện đất nước với tinh thần không để người dân nào bị bỏ lại phía sau…”.
Ông tin rằng, với “sức mạnh Diên Hồng” cùng tinh thần đoàn kết sẽ giúp Việt Nam đẩy lùi, kiểm soát đại dịch COVID-19 để Việt Nam tiếp tục làm nên những mốc son phát triển mới.
Đến giữa tháng 9/2021, do bận rộn chương trình công tác đã lên kế hoạch của Chủ tịch nước, không thể trực tiếp vào TP HCM để thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát, ông có thư chia sẻ những mất mát về sức khỏe, tính mạng của người dân TP và bày tỏ sự cảm thông sâu sắc những khó khăn, bất tiện, kể cả thiệt hại về việc làm, sinh kế và kinh tế của nhân dân, doanh nghiệp do phải tuân thủ các quy định về phong tỏa, giãn cách.
“Dịch bệnh đã và đang bào mòn thu nhập và sức khỏe người dân nhưng không thể làm nhụt đi ý chí và nghị lực vượt khó của người dân TP anh hùng mang tên Bác”, Chủ tịch nước đề nghị, tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết gắn bó keo sơn giữa chính quyền với nhân dân bởi “gia tài lớn nhất của chính quyền là tiềm tin của người dân”.
Người đứng đầu Nhà nước đã thấy và vô cùng xúc động trước tấm lòng quả cảm, tinh thần tận tụy, tấm gương hy sinh quên mình của đội ngũ y bác sĩ, cán bộ công an, quân đội, những người đứng ở tuyến đấu chống dịch và cả những người tình nguyện, những người làm công tác thiện nguyện.
Ông không quên đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền TP tiếp tục xem xét để có chế độ đãi ngộ, ghi nhận xứng đáng hơn nữa với đội ngũ y bác sĩ, những người ở tuyến đầu chống dịch.
Diễn biến của đại dịch còn phức tạp, khó lường nhưng với “ý chí vươn lên trong nghịch cảnh”, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết và ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, dịch COVID -19 cơ bản được kiểm soát, Việt Nam chuyển sang "thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID -19” như tin tưởng của Chủ tịch nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Kiểm soát dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt vào cuối tháng 4/2021, khi biến thể Delta xuất hiện buộc Việt Nam phải áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống COVID-19 chưa có tiền lệ, mạnh mẽ, quyết liệt hơn vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Từ đó cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống nhân dân.
Khi tái đắc cử vào ngày 26/7/2021, phát biểu nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu của Chính phủ và Thủ tướng là tập trung trí tuệ, nguồn lực cùng với các biện pháp linh hoạt, sáng tạo, nhất là chiến lược vaccine để chống dịch thành công.
Ông cũng cam kết chủ động phát hiện, tháo gỡ theo thẩm quyền những “rào cản”, “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách làm trì trệ các hoạt động của nền kinh tế. Cùng với đó, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.
Sau gần 3 tháng, trước Quốc hội, Thủ tướng báo cáo chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ từ phòng chống dịch, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đến bảo đảm an sinh xã hội…
Dù vậy, sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân giảm sút. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế.
Người đứng đầu Chính phủ tin rằng khó khăn chỉ là tạm thời. “Nền kinh tế Việt Nam vẫn ổn định, vững chắc, niềm tin người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là bạn bè quốc tế tiếp tục được giữ vững, tăng cường và củng cố”, Thủ tướng nói tại Diễn đàn Cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 đầu tháng 12/2021.
Trong nhiều cuộc họp, ông luôn lưu ý, phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế xã hội. Đó cũng là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các bộ, ngành, địa phương ngay từ đầu năm 2022.
16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực đã được Quốc hội “chốt”, trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%.
“Phấn đấu năm 2022 là năm chiến thắng dịch bệnh; kinh tế phục hồi và phát triển; xã hội trật tự và kỷ cương; chủ quyền quốc gia được giữ vững; chính trị được ổn định; nhân dân có cuộc sống bình an và hạnh phúc”, Thủ tướng nhấn mạnh tại hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 5/1.
Chủ đề năm 2022 là “đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, người đứng đầu Chính phủ mong muốn và tin tưởng, kết quả phát triển kinh tế, xã hội năm 2022 sẽ cao hơn năm 2021.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Chuẩn bị kỹ lưỡng, “từ sớm, từ xa”
Kỳ họp thứ nhất của nhiệm kỳ Quốc hội mới diễn ra khi dịch COVID-19 bùng phát với chủng Delta vô cùng nguy hiểm.
Ngày 20/7/2021, tại lễ tuyên thệ, phát biểu nhậm chức, với cương vị Chủ tịch Quốc hội, ông Vương Đình Huệ hướng đến nhiều nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Ông hứa góp phần phát huy cao độ dân chủ, đoàn kết, pháp quyền, liêm chính, công khai, minh bạch, tăng tính chuyên nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
“Đặt chân được vào nghị trường là một vinh dự rất lớn, nhưng có hoàn thành được trọng trách của mình hay không còn lớn hơn. Là Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội hay mỗi đại biểu đều có trách nhiệm hết sức nặng nề đối với đất nước”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ tại buổi gặp mặt báo chí sau 2 ngày ông tái đắc cử chiều tối 22/7/2021.
Với tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng, “từ sớm, từ xa”, không để xảy ra tình trạng “bắc nước sôi chờ gạo người” như Chủ tịch Quốc hội khẳng định, công tác lập pháp của Quốc hội chuyển từ trạng thái bị động, phụ thuộc nhiều vào cơ quan trình, sang chủ động dẫn dắt thực hiện quyền lập pháp, kiểm soát quy trình lập pháp.
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã ban hành 29 nghị quyết, trong đó có các nghị quyết tạo ra khuôn khổ pháp lý trước mắt và dài hạn cho cả nhiệm kỳ 5 năm. Đặc biệt, Quốc hội đã chủ động ban hành Nghị quyết số 30 nhằm ứng phó kịp thời, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới” - đây được coi là sáng kiến lập pháp độc đáo, chưa có tiền lệ trong lịch sử lập pháp.
Kết quả của kỳ họp 2 tiếp tục minh chứng tinh thần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội với không ít dấu ấn khi thông qua 2 luật, 12 nghị quyết, cho ý kiến 5 dự luật, cũng như quyết định loạt vấn đề quan trọng của đất nước.
Không nặng về “Xuân - Thu nhị kỳ”, Quốc hội đã họp, xem xét những vấn đề cấp bách liên quan đến “quốc kế, dân sinh” và kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV diễn ra từ 4 - 11/1/2022 càng cho thấy điều đó.
Quốc hội đã xem xét và thông qua 4 nội dung quan trọng, gồm: Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội; chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật.
“Tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, chúng ta có bài học quý để những kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn”, ông Vương Đình Huệ phát biểu chiều ngày 11/1 và tin tưởng, đất nước sẽ tiếp tục phát triển bền vững, đời sống người dân sẽ được nâng cao, niềm tin của Nhân dân sẽ càng được củng cố vững chắc.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Vương Đình Huệ, nguyên Chủ tịch Quốc hội; chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng, nguyên Chủ tịch nước do đang điều trị bệnh.
Hương Giang
17:00 21/11/2024(Thanh tra) - Từ 1/7/2025, cơ sở kinh doanh dược được bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử với thuốc không kê đơn, trừ thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc hạn chế bán lẻ, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được Quốc hội thông qua.
Hương Giang
15:59 21/11/2024Hương Giang
12:17 21/11/2024Hương Giang
20:39 20/11/2024Trần Lê
19:31 20/11/2024Trà Vân
16:21 20/11/2024Phương Anh
Công Thắng - Bạch Vân
Kim Thành
Phương Anh
Thái Hải
Trần Quý
Nam Dũng
Lê Phương
Hoàng Nam