Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Sửa luật để tháo gỡ vướng mắc về đầu tư, không hợp pháp hóa sai phạm

Hương Giang

Thứ năm, 10/10/2024 - 14:35

(Thanh tra) - Cho rằng thủ tục đầu tư đặc biệt phải nhanh, chứ không chỉ rút gọn về thời gian, thủ tục, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đồng thời lưu ý, sửa luật để tháo gỡ gướng mắc nhưng không hợp pháp hóa sai phạm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý sửa luật để tháo gỡ vướng mắc, không hợp pháp hóa sai phạm. Ảnh: P.Thắng

Tiếp tục chương trình phiên họp 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật, gồm Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu.

“Việc xây dựng, ban hành dự án luật này nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, pháp luật công tác quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức PPP và đấu thầu; đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình của Chính phủ.

Dự án vi mạch, công nghệ cao có thể được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sửa luật lần này, Chính phủ đề nghị bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt. Việc này nhằm rút ngắn thời gian triển khai dự án, tạo cơ chế thuận lợi, cạnh tranh và thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Theo đó, thủ tục đầu tư đặc biệt áp dụng với một số dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, chip và lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên, khuyến khích đầu tư theo quyết định của Thủ tướng thực hiện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.

Các quy trình đăng ký đầu tư tại Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế để cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày.

Các dự án này khi được áp dụng thủ tục đầu tư sẽ chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giảm thủ tục hành chính liên quan. Trong đó, nhà đầu tư không phải thực hiện một số thủ tục để được cấp phép, chấp thuận hoặc phê duyệt trong 3 lĩnh vực cần sử dụng nhiều thời gian thực thủ tục hành chính là xây dựng, bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy. Dự kiến có thể giảm thiểu số thời gian thực hiện thủ tục hành chính đến 260 ngày.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Thường trực Ủy ban này đề nghị Chính phủ cân nhắc chỉ giới hạn quy định cho đối tượng là một số dự án lớn, đặc thù, có tính chất lan tỏa vùng, miền, cả nước, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn, cần thực hiện ngay để không bỏ lỡ cơ hội đầu tư.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: P.Thắng

“Việc phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư đặc biệt cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng, bảo đảm việc phân cấp đáp ứng khả năng, năng lực quyết định, tổ chức, nguồn nhân lực của từng cấp quản lý, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật”, ông Thanh nói.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục cập nhật lĩnh vực được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt cho đồng bộ, thống nhất với các ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư trong các luật, dự án luật đang được Chính phủ hoàn thiện trình Quốc hội.

Thủ tục đầu tư đặc biệt phải nhanh, chứ không chỉ rút gọn thời gian

Nêu ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định góp ý, đặc biệt ở đây là phải nhanh, chứ không chỉ rút gọn về thời gian, thủ tục. Theo ông, nếu quy định thủ tục đặc biệt mà vẫn như hiện nay thì chưa đặc biệt, bởi, nhà đầu tư phải đi hết cơ quan này, tới cơ quan kia.

“Đặc biệt ở đây phải hiểu là thiết kế đặc biệt về hồ sơ, quy trình, thủ tục và một đầu mối tiếp nhận xử lý, trả lời nhà đầu tư. Như vậy mới tháo gỡ được vướng mắc hiện nay”, ông Định nói.

Cạnh đó, theo ông Định, cần tiếp tục rà soát để tháo gỡ những vấn đề thực sự đang vướng, bức xúc và tháo một cái có thể gỡ được nhiều; đồng thời, mở ra những thứ mới hơn, tốt hơn, nhanh hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội đặc biêt lưu ý, việc sửa luật là để tháo gỡ khó khăn nhưng không hợp pháp hóa sai phạm trước đây.

“Có rất nhiều vấn đề trong lịch sử để lại khi chưa có luật, bây giờ làm văn bản tháo gỡ, nhưng không hợp pháp hóa sai phạm. Đồng thời, đảm bảo tính đồng bộ, tránh sửa chỗ này lại khó chỗ khác, đề phòng rủi ro pháp lý”, ông Định nêu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: P.Thắng

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, lần này sửa Luật Đầu tư có cải tiến rất mạnh. Ông cho hay, thực tế theo dự thảo luật, cơ quan soạn thảo chưa dám mạnh dạn đề xuất áp dụng thủ tục đặc biệt với tất cả dự án đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất, chứ không riêng dự án công nghệ cao như tờ trình.

Nếu được ủng hộ, Bộ trưởng nói “đề xuất tất cả dự án tại khu công nghiệp được hưởng cơ chế luồng xanh, để khuyến khích đầu tư, thu hút vốn”. Tức là, khi nhà đầu tư đăng ký đầu tư, họ sẽ được cấp phép trong 15 ngày. Sau khi nhận giấy chứng nhận đầu tư, họ không phải thực hiện các thủ tục về xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy… mà có thể thực hiện được ngay.

“Chúng tôi mong là lần này cải cách mạnh thì dự án đã nằm trong khu công nghiệp, tức đã xác định rõ quy hoạch, môi trường, hạ tầng... được thực hiện cơ chế luồng xanh này”, ông Nguyễn Chí Dũng nêu.

Sau phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật (Quy hoạch, Đầu tư, PPP, Đấu thầu) sẽ được trình ra Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 8, dự kiến khai mạc vào cuối tháng 10 này.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm