Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

“Sửa chữa tài sản công trên 500 triệu, nếu chi thường xuyên phải lách từ cái tên…”

Hương Giang

Thứ hai, 06/11/2023 - 16:19

(Thanh tra) - Dù nói gì thì nói, đúng sai thế nào chưa rõ, vướng mắc ở đâu chưa biết, nhưng tới lúc này sửa chữa, nâng cấp tài sản công trên 500 triệu đồng đang phải làm theo thủ tục đầu tư công. Nếu chi thường xuyên, chắc chắn phải lách từ cái tên cho tới việc giải trình với cơ quan chức năng khi bị hỏi tới, theo tranh luận của đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu.

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) nói, vướng mắc về nâng cấp, cải tạo trong cả nước xuất phát từ Thông tư 65 năm 2021. Ảnh: QH

Vướng từ khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 65 năm 2021

Dự án nâng cấp, cải tạo “chi thường xuyên” hay “đầu tư công”, vướng ở đâu? Sau trả lời chất vấn của 2 bộ trưởng: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; ở vị trí điều hành, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mời Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Lê Quang Mạnh báo cáo thêm vấn đề này.

Chiều ngày 6/11, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, sau khi Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước có hiệu lực thi hành, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều thông tư hướng dẫn.

Đặc biệt là Thông tư 92/2017 quy định về lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí để thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đã sử dụng nguồn chi thường xuyên để thực hiện việc sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Lê Quang Mạnh. Ảnh: P.Thắng

Vấn đề chỉ thực sự phát sinh khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 65, có hiệu lực từ 15/9/2021. Thông tư không điều chỉnh các vấn đề về việc sử dụng nguồn chi thường xuyên cho xây dựng, cải tạo, nâng cấp tài sản, nhưng lại bãi bỏ Thông tư 92.

Vì vậy, các địa phương, bộ, ngành đều vướng mắc do không có cơ sở pháp lý để lập dự toán, thanh toán, cũng như thực hiện các khoản liên quan đến chi từ nguồn thường xuyên cho các hạng mục có tính chất đầu tư như sửa chữa nhỏ, nâng cấp, mở rộng.

Ông Mạnh đề cập đến việc tại phiên giải trình của Kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng Tài chính khẳng định nguyên nhân dẫn vướng mắc là do quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công.

Dẫn lại quy định này, theo ông Mạnh, Điều 6 Luật Đầu tư công chỉ nhằm phân loại dự án, chứ không phải điều định nghĩa dự án đầu tư công là gì. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã khẳng định điều này không cấm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên để chi cho các khoản có tính chất đầu tư.

Nhìn nhận “ở đây có cách hiểu rất khác nhau”, ông Mạnh đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích pháp luật. Từ đó, Bộ Tài chính có căn cứ sửa lại như thông tư để giải quyết vướng mắc này.

Giải thích cụ thể, để không bị “bắt bẻ”

Ở vị trí điều hành chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Luật Ngân sách có giá trị hiệu lực từ năm 2015, cho đến nay không có vướng mắc. Luật Đầu tư công cũng ban hành khá lâu và đã 1 lần sửa đổi, bổ sung.

Theo ông, việc phân loại các dự án đầu tư công khác với việc phải làm các danh mục dự án đầu tư. Hàng khóa, Quốc hội đã quyết định danh mục đầu tư công của Trung ương và ở địa phương thì quy định danh mục đầu tư công của địa phương.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách “kí, đóng dấu gửi ngay văn bản này”, báo cáo Chính phủ và gửi cho các bộ, ngành liên quan.

“Trường hợp các cơ quan thấy không đủ rõ, có đề nghị giải thích thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giải thích pháp luật”, ông Vương Đình Huệ nói rõ, nếu nghị định, thông tư không phù hợp với luật thì phải sửa nghị định, thông tư.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành rà soát luật, văn bản quy phạm pháp luật, và thực tế để đề xuất giải pháp giải quyết dứt điểm. Ảnh: QH

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) nói, vướng mắc về nâng cấp, cải tạo trong cả nước xuất phát từ Thông tư 65 năm 2021.

“Dù nói gì thì nói, chuyện đúng sai thế nào chưa rõ, vướng mắc ở đâu chưa biết, nhưng tới lúc này đây, hầu hết địa phương đang vướng chuyện này. Sửa chữa, nâng cấp tài sản công trên 500 triệu đồng đang phải làm theo thủ tục đầu tư công. Nếu chi thường xuyên, chắc chắn phải lách từ cái tên cho tới việc giải trình với cơ quan chức năng khi bị hỏi tới”, ông Hậu nhấn mạnh.

Theo ông, đây là ví dụ cụ thể cho việc cán bộ sợ sai, không dám làm những việc cần phải làm. Vì vậy, ông đề nghị có giải thích cụ thể, để “không cơ quan nào có thể bắt bẻ các cơ quan, địa phương việc chi thường xuyên như thế này”.

Luật Ngân sách cũng có vấn đề là trước đây có mục chi thường xuyên có tính chất đầu tư và đến năm 2015 thì bỏ nội dung này.

“Ngoài giải thích pháp luật, hay làm văn bản như Chủ tịch Quốc hội nói, để chặt chẽ, nên sửa luật theo hướng có thêm nội dung chi thường xuyên có tính chất đầu tư. Và phải sửa 1 lúc 3 luật là: Ngân sách, Tài sản công và Đầu tư công”, ông Hậu đề xuất.

Giải trình sau đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành rà soát luật, văn bản quy phạm pháp luật, và thực tế để đề xuất giải pháp tổng thể giải quyết dứt điểm việc này.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm