Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Quy hoạch” lại chính sách giảm nghèo

Thứ sáu, 25/04/2014 - 19:12

(Thanh tra) - Hôm nay (25/4), Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Các vấn đề xã hội tổ chức phiên giải trình về “việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2005-2012”..

Toàn cảnh phiên giải trình. Ảnh: Thảo Nguyên

Sẽ có chính sách phù hợp với các đối tượng nghèo 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, đồng bào thiểu số chiếm 15% dân số cả nước nhưng có khoảng 47% trong tổng số người nghèo (năm 2010). Hơn 100 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã; trên 14 nghìn thôn, bản chưa có trục đường giao thông được cứng hóa; hơn 200 xã chưa có điện đến trung tâm; hơn 8 nghìn thôn, bản chưa được sử dụng điện, gần 327 nghìn hộ thiếu đất ở, đất sản xuất…

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Mã Điền Cư chất vấn: Đảng, Nhà nước luôn dành ưu tiên đặc biệt cho đồng bào nghèo thiểu số. Nguồn lực dành cho giảm nghèo vùng này là không nhỏ vậy mà ở đa số vùng có đông đồng bào thiểu số sinh sống tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 40% năm 2012; khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng vậy trách nhiệm quản lý nằm ở đâu?

Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Khá nhận định, nghe sơ qua báo cáo thấy tình hình giảm nghèo rất khả quan nhưng thực tế ở cơ sở còn nhiều vấn đề.

Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Trần Quang Chiểu đặt vấn đề, nguồn lực nhiều, chính sách lắm nhưng dân vẫn thủy chung với cái nghèo là bởi chính sách manh mún, chồng chéo, không đồng bộ làm phân tán nguồn lực. “Trách nhiệm thuộc về Bộ, ngành nào khi ban hành và tổ chức thực hiện chính sách?”, 

Thừa nhận có chuyện chính sách chồng chéo, làm phân tán nguồn lực, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Tới đây sẽ ban hành chính sách sát thực tiễn hơn. Chẳng hạn sẽ giao vốn trung hạn chứ không cấp hàng năm như trước. Cũng với đó, sẽ tập trung đầu tư nguồn lực cho hạ tầng thiết yếu, giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp thay khuyến khích dân tự vươn lên. Đặc biệt sẽ phân loại nguyên nhân nghèo, đối tượng nghèo để có chính sách cho phù hợp. 

Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cũng cho biết, sẽ tổng hợp, rà soát hệ thống chính sách hiện hành để loại bỏ các chính sách trùng lắp, chồng chéo; xác định rõ chính sách hỗ trợ phát triển và chính sách bảo trợ cho từng đối tượng…

Ông Phử đề xuất, nên hợp nhất đầu mối theo dõi quản lý và đồng bộ cơ chế thực hiện các chính sách, gom các chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số chỉ còn hai chính sách. Cụ thể: Chính sách về định canh định cư, ổn định dân cư liên quan đến dân tộc thiểu số làm một chính sách; Chương trình 30a và Chương trình 135 làm một chính sách. 

Chuyển nghề, không trông chờ vào giải pháp đất canh tác

Theo đại biểu Trần Quang Chiểu, vấn đề đáng ngại nhất trong bộ phận dân tộc thiểu số là tình trạng thiếu đất sản xuất, cần phải sớm làm rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp giải quyết. Cùng ý kiến, Phó chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Danh Út nêu, thiếu đất sản xuất là lý do khiến đồng bào đối mặt với đói nghèo. Từ 2013-2015, Quốc hội đã ra chỉ tiêu tập trung nguồn lực lo được trên 70% hộ nghèo có đất sản xuất. Nhưng quá trình thực hiện vẫn chưa nghiêm túc, rất ít ngân sách được bố trí cho chương trình này. “Tại sao lại bố trí quá ít vốn cho chương trình mang tính cấp bách như vậy?”, ông Danh Út chất vấn.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Giàng Seo Phử cho rằng, quản lý đất nói chung thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên Môi trường, đất nông nghiệp thì có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lo. Luật không quy định Ủy ban Dân tộc có chức năng quản lý đất đai nên Ủy ban không thể lo chuyện đồng bào thiếu đất. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, đất sản xuất cho người dân là vấn đề bức xúc mà thời gian qua Đảng, Chính phủ, các địa phương đã nỗ lực làm. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. 

Để giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, Bộ trưởng Phát đề xuất, cần rà soát lại nông lâm trường quốc doanh theo hướng thu hồi một phần đất phù hợp tiếp tục ưu tiên giải quyết cho đồng bào. Hỗ trợ đồng bào sản xuất tốt trên diện tích đất hiện có. Đặc biệt cần thực hiện chính sách hỗ trợ để bà con có cơ hội chuyển nghề, làm những nghề phi nông nghiệp chứ không trông chờ vào giải pháp đất canh tác. 

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, hiện Bộ đã, đang nỗ lực phối hợp địa phương đưa giải pháp tổng thể theo hướng hỗ trợ mạnh đồng bào chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa chứ không tự cung, tự cấp. 

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm