Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Quy định không rõ ràng, rành mạch chỉ chết dân”

Thứ hai, 14/07/2014 - 21:59

(Thanh tra)- Đó là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Căn cước công dân (CCCD), Dự án Luật Hộ tịch tại phiên họp thứ 29 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 14/7.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

“Khai tử” giấy khai sinh

Các đại biểu cơ bản thống nhất cấp Thẻ CCCD với 12 số, thay cho chứng minh thư nhân dân và cấp cho trẻ từ khi mới sinh thay vì cấp giấy khai sinh.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa nhấn mạnh, việc cấp Thẻ CCCD cho công dân dưới 14 tuổi sẽ bảo đảm quyền bình đẳng của công dân theo Hiến pháp năm 2013, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong giao dịch, giảm thủ tục hành chính (TTHC).

Cũng theo ông Khoa, việc quy định cấp Thẻ CCCD từ khi công dân sinh ra thay thế cho giấy khai sinh góp phần bảo đảm yêu cầu quản lý dân cư tập trung, thống nhất từ khi sinh ra, giảm giấy tờ công dân như Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 (Đề án 896) đã xác định.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, nếu làm được sẽ là cuộc cách mạng, giảm bớt thủ tục giấy tờ trong nhân dân. Tuy nhiên, luật này có khả thi, tiết kiệm, tránh lãng phí thì phụ thuộc rất nhiều vào công tác chỉ đạo, thực hiện.

Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi, giấy khai sinh hay Thẻ CCCD cấp cho công dân dưới 14 tuổi chỉ là cách gọi. Dù có tên gọi thế nào thì cũng chỉ nên cấp một loại và nhất quyết phải có tên bố, mẹ.

Với nguồn lực hiện nay, Chủ nhiệm Ủy ban Các Vấn đề Xã hội Trương Thị Mai tỏ ra e ngại vì không biết chủ trương này khi thực hiện sẽ tốn bao nhiêu tiền? Bà Mai cũng nêu vấn đề, khi làm xong Luật CCCD sẽ loại bỏ được bao nhiêu giấy tờ và còn tồn tại mấy loại giấy tờ? Ban Soạn thảo cần phải nói rõ để người dân biết đây là một cuộc cách mạng, một sự thay đổi lớn.

“Thay chứng minh thư, thay giấy khai sinh bằng thẻ căn cước là đúng rồi”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh và cho rằng, đây là cuộc cải cách trong quản lý Nhà nước về dân cư, quan trọng hơn là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cắt giảm bớt TTHC, tôn trọng quyền tự do dân chủ của người dân và “không còn chỗ nào cũng yêu cầu rồi đặt thêm 1 loại giấy tờ”.

Ai “nắm” cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư?

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dữ liệu gốc, tập hợp thông tin cơ bản về công dân được dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Các bộ, ngành, địa phương được cấp quyền truy cập, khai thác, sử dụng thông tin trực tuyến tại cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết TTHC cho công dân. Đây cũng là nội dung trọng tâm trong Đề án 896, theo đó, sẽ phát triển thẻ công dân diện tử hoặc phương tiện điện tử khác để giảm giấy tờ công dân trong lĩnh vực quản lý hộ tịch, quản lý cư trú, quản lý trật tự, an toàn xã hội và các lĩnh vực khác có liên quan.

Ông Khoa cho rằng, cần sớm có cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung, tránh tình trạng manh mún, cục bộ, không thống nhất hiện nay. Do vậy, nếu có lợi cho nhân dân và bảo đảm tính chính quy chuyên nghiệp thì nên làm. “Nếu xây dựng chậm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là chính chúng ta đang gây lãng phí”.

Nhận định Dự thảo Luật CCCD dành một chương riêng quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là hợp lý, bà Mai đề xuất cần phải làm rõ đây là thông tin gốc hay thông tin cơ bản? Quan trọng làm thế nào để kết nối các cơ sở dữ liệu. “Cầm cái Thẻ CCCD đến bệnh viện, người ta có thể tra cứu để biết được thẻ này đã đóng bảo hiểm bao nhiêu năm”, bà Mai nói.

Nhận định dự án Luật CCCD có nội dung “lấn” sang phạm vi điều chỉnh của Luật Hộ tịch, Phó Trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Doãn Khánh cho rằng, cơ sở dữ liệc quốc gia về dân cư nên quy định trong Luật Hộ tịch vì liên quan nhiều đến nhân thân của người dân. Theo ông Khánh, có cơ sở dữ liệu để bảo đảm công tác quản lý của Nhà nước nhưng quan trọng hơn là làm sao để người dân sử dụng các thông tin trong cơ sở dữ liệu để phục vụ đời sống của họ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề là ai sẽ “giữ” cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. “Quy định không rõ ràng, rành mạch chỉ chết dân”. Cho nên, các cơ sở dữ liệu (về dân cư, về hộ tịch, CCCD) cần những thông tin gì, bao giờ phải khai, kết nối như thế nào… phải quy định cụ thể trong luật để khi Quốc hội thông qua cứ thế mà thi hành.

Phiên họp thứ 29 UBTVQH diễn ra trong 3 ngày (14 - 16/7) sẽ cho ý kiến một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của các dự án: Luật CCCD, Luật Hộ tịch, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; giải thích khoản 4 Điều 7 Luật Quảng cáo.Đặc biệt, UBTVQH sẽ cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8; một số nội dung cơ bản định hướng việc xây dựng Dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. 

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm