Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ ba, 22/03/2022 - 12:07
(Thanh tra) - “Ủy ban Kinh tế đề nghị bỏ Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm nhưng chúng tôi muốn giữ quỹ này”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Đ.X
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 9 (đợt 2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sáng ngày 22/3.
Đề nghị bỏ Quỹ Bảo vệ người bảo hiểm
Một trong những vấn đề được bàn thảo là Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm. Theo quy định hiện hành, Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm được thành lập để bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phá sản hoặc mất khả năng thanh toán.
Nguồn để lập quỹ được trích lập theo tỷ lệ phần trăm trên phí bảo hiểm áp dụng với các hợp đồng bảo hiểm.
“Tuy nhiên, sau gần 12 năm trích nộp, quỹ này chưa phải sử dụng và ít có khả năng phải sử dụng”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết.
Theo ông Thanh, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành và dự thảo luật có quy định về Quỹ Dự trữ bắt buộc và Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm. Mục đích thiết lập của 2 quỹ này đều hướng tới bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, việc duy trì đồng thời cả 2 quỹ “là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm”.
Vì vậy, cơ quan này đề nghị dừng trích nộp quỹ này; đồng thời giao Bộ Tài chính quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư quỹ, bảo đảm việc xử lý số dư đúng mục đích ban đầu khi thành lập qũy.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, từ khi hình thành, hiện quỹ có 1 nghìn tỷ và “chưa chi đồng nào”. Dù vậy, bộ muốn duy trì quỹ này. “Ủy ban Kinh tế đề nghị bỏ Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm nhưng chúng tôi muốn giữ quỹ này”, ông Phớc nói.
Bộ trưởng Bộ Tài chính giải thích, như khi thiên tại, dịch bệnh, doanh nghiệp bảo hiểm có thể khó khăn, mất khả năng thanh toán. Khi đó, Nhà nước sẽ sử dụng quỹ này để hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm.
“Như vừa rồi, có Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, chúng ta mới thực hiện chia sẻ cho người lao động. Ở đây cũng thế, để chia sẻ cho người bảo hiểm cũng cần phải có Quỹ”, ông Phớc nêu và đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết, có thể hạ tỷ lệ phần trăm trích nộp vào quỹ.
Quy định các loại bảo hiểm hơi “chênh vênh”
Một vấn đề nữa, dự thảo luật quy định các loại hình bảo hiểm gồm: Bảo hiểm nhân thọ; bảo hiểm phi nhân thọ; bảo hiểm sức khỏe.
Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói “chưa rõ ý đồ của ban soạn thảo đưa ra để làm gì” vì có nhiều cách phân loại khác nhau. Theo ông, có chỗ quy định bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe là một, dự thảo luật thì thiết kế tách ra; rồi có bảo hiểm vi mô, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm con người….
“Chúng ta nói các loại bảo hiểm thì tôi thấy hơi “chênh vênh”, ông Huệ nêu và đề nghị rà soát lại để có cách phân loại nhất quán trong dự thảo luật. Ngoài ra, cần rà soát thật kỹ các quy định về hợp đồng bảo hiểm; giải thích hợp đồng bảo hiểm; kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập…
Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý, lần sửa đổi này, Luật Kinh doanh bảo hiểm cần tiếp cận theo thông lệ quốc tế tốt nhất, phù hợp với các hiệp định, cam kết quốc tế của chúng ta; bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường này phát triển.
“Cuộc sống mà không có bảo hiểm như đi cầu thang không có tay vịn. Dù tốc độ tăng trưởng lĩnh vực này rất nhanh, nhưng còn thấp xa so với dư địa của chúng ta, thị trường còn rất tiềm năng”, ông Vương Đình Huệ nói và nhấn mạnh, quan điểm của Đảng, Nhà nước luôn luôn khuyến khích đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, logistic, bảo hiểm..
Tiếp thu ý kiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói thêm về các loại hình bảo hiểm. Theo ông, bảo hiểm nhân thọ có khoảng 600 sản phẩm bảo hiểm; bảo hiểm phi nhân thọ có khoảng 2.600 sản phẩm bảo hiểm; bảo hiểm sức khỏe có khoảng 200 sản phẩm bảo hiểm.
“Loại hình bảo hiểm đang xây dựng theo luật cũ, xin tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội”, ông Phớc nói.
Theo chương trình, dự luật này sẽ được Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).
Trước đó, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021).
Góp ý chung, ông Vương Đình Huệ cho rằng, lần 2 trình ra Quốc hội cần đánh giá rõ đã bảo đảm mục đích, yêu cầu khi xây dựng luật hay chưa, sau đó mới đi vào nội dung cụ thể, tránh “từ lần 1 đến lần 2 thì tam sao thất bản”, trình ra Quốc hội “mênh mông bể sở”.
Theo ông, điều này thể hiện vai trò của cơ quan trình và cơ quan thẩm tra. “Giai đoạn 2 là đổi vai rồi. Dù “đổi vai” hay không thì trách nhiệm của 2 cơ quan không có bên nào nhẹ hơn bên nào”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo phải có trách nhiệm đến cùng vì suy cho cùng không ai hiểu luật đó bằng cơ quan trình.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Hoàng Nam
22:10 22/11/2024(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Minh Tân
17:29 22/11/2024Hải Hà
17:28 22/11/2024Hương Giang
17:27 22/11/2024Vũ Linh
14:58 22/11/2024Trần Kiên
Bùi Bình
Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh