Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đại biểu Quốc hội: Cần cấm nhân viên bán bảo hiểm làm phiền, quấy nhiễu khách hàng

Hương Giang

Thứ sáu, 29/10/2021 - 18:53

(Thanh tra) - Đại biểu Quốc hội đề nghị trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm phải nghiêm cấm “làm phiền, quấy nhiễu khách hàng dưới mọi hình thức”.

Toàn cảnh phiên thảo luận Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Ảnh: Đ.X

Ngày 29/10/ Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Từ điểm cầu Thanh Hóa, đại biểu Võ Thanh Sơn đề cập đến 5 nhóm hành vi bị nghiêm cấm được quy định trong dự thảo.

Theo ông Sơn, thực tế có tình trạng một số doanh nghiệp bảo hiểm cho phép nhân viên thực hiện giới thiệu, quảng bá về bảo hiểm diễn ra dưới nhiều hình thức, kể cả sử dụng công nghệ thông tin như tin nhắn, điện thoại.

“Việc nhắn tin, điện thoại diễn ra thường xuyên, liên tục thực sự gây bức xúc cho người được nhắm đến”, ông Sơn nói.

Từ đó, đại biểu đoàn Thanh Hóa đề nghị bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm là làm phiền, quấy nhiễu khách hàng dưới mọi hình thức. Tuân thủ các quy định về pháp luật và thông tin truyền thông.

Phân tích cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) nhận định trong thời đại hiện nay ai nắm thông tin là người đó nắm một nguồn lực, một nguồn tài sản rất lớn.

“Không có cơ sở nào để đảm bảo các công ty bảo hiểm không cung cấp thông tin khách hàng cho một tổ chức, cá nhân khác khi chưa có sự đồng ý của khách hàng và thực tế có rất nhiều công ty công nghệ hiện nay cung cấp thông tin khách hàng bất hợp pháp mà các phương tiện thông tin đại chúng thông tin vừa qua”, ông Thông.

Đại biểu Thông đề nghị trong dự thảo luật cần phải có điều khoản quy định về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn TP Hà Nội). Ảnh: Đ.X

Đồng tình về việc thêm quy định bảo mật thông tin cá nhân, theo đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn TP Hà Nội) cần bảo đảm quyền bất khả xâm phạm bí mật cá nhân cũng như gia đình theo quy định của pháp luật.

Theo đại biểu, trong hợp đồng bảo hiểm, cần quy định rõ nội dung về cung cấp, cũng như trách nhiệm bảo mật thông tin cá nhân. Bởi ngoài doanh nghiệp bảo hiểm thì các cơ quan Nhà nước khi có yêu cầu cũng được tiếp cận cơ sở dữ liệu này.

“Nếu chỉ quy định một điều khoản trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm thì chưa đầy đủ. Tôi đề nghị phải bổ sung điều, khoản quy định trách nhiệm của tất cả các cơ quan, cá nhân có quyền tiếp cận được cơ sở dữ liệu này theo quy định của luật phải có trách nhiệm bảo mật thông tin và phải chịu xử lý khi để lọt, lộ thông tin”, bà Mai nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Đ.X

Giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo sẽ hoàn thiện các nội dung, quy định cũng như các hành vi trong hợp đồng bảo hiểm để phù hợp với pháp luật và bảo đảm quyền lợi cho khách hàng.

“Chúng tôi sẽ hoàn thiện các khái niệm, các hành vi nghiêm cấm và quy định cụ thể về bảo hiểm bắt buộc, quy định trong hợp đồng bảo hiểm rõ hơn, cụ thể hơn để phù hợp với Bộ luật Dân sự và các bộ luật khác, đảm bảo quyền lợi cho người mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm như chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, vô hiệu hợp đồng, nguyên tắc bồi thường…”, ông Phớc nói.

Trước lo ngại về lộ lọt bí mật cá nhân, theo ông Phớc, dự thảo đã quy định rất rõ việc cung cấp thông tin tuân thủ Hiến pháp, Luật Dân sự, Luật An ninh mạng và các luật khác.

“Thông tin được mã hóa và được phân cấp quản lý đảm bảo đúng quy định, chịu trách nhiệm bảo mật về thông tin”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Theo chương trình, dự án luật này sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022.

Điều 10, dự thảo luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm gồm:

1. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, kinh doanh tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm khi không có giấy phép thành lập và hoạt động.

2. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, kinh doanh tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm không đúng phạm vi được cấp phép.

3. Hoạt động đại lý bảo hiểm, hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm khi không đáp ứng điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.

4. Thực hiện các hành vi gian lận trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm:

a) Thông đồng với người thụ hưởng để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;

b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm.

5. Xúi giục, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm