Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Khiếu nại

Thứ ba, 25/10/2011 - 00:10

(Thanh tra) - Trong buổi làm việc chiều (24/10) tại Hội trường, đã có 23 lượt đại biểu Quốc hội (QH) của 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát biểu đóng góp ý kiến vào Dự án Luật Khiếu nại (KN).

Những nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận là về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 1 và Điều 3); KN nhiều người (khoản 4 Điều 8) và trình tự, thủ tục giải quyết KN…

Về phạm vi điều chỉnh, đa số các ý kiến đại biểu tán thành phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật là “Quy định về KN và giải quyết KN đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước”.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Văn Hiến (tỉnh Bà Rịa Vũng tàu), nên xem xét thêm, tại Điều 3 của dự án Luật mới chỉ đưa việc KN và giải quyết KN trong các đơn vị sự nghiệp công lập, còn các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế thì sao? Đại biểu Chu Sơn Hà (TP Hà Nội) đề nghị không nên đưa KN và giải quyết KN trong các đơn vị sự nghiệp công lập tại khoản 2 điều 3, vì mâu thuẫn với Điều 1. Riêng đại biểu Phạm Văn Hà (tỉnh Nghệ An) lại cho rằng: Cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật KN tức là công dân được quyền KN tất cả quyết định hành chính, hành vi hành chính không chỉ của cơ quan hành chính Nhà nước mà của mọi cơ quan tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan tổ chức đó.

TẬP TRUNG VÀO 11 NỘI DUNG CỦA DỰ ÁN LUẬT

Dự án Luật Khiếu nại (KN) trình Quốc hội gồm 8 chương và 73 Điều. Tại phiên họp chiều qua, các đại biểu QH tập trung thảo luận vào 11 nội dung, gồm: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật; Nguyên tắc giải quyết KN; thời hiệu KN; KN nhiều người; thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết KN; các KN không được thụ lý giải quyết; tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức; KN, giải quyết KN đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức; quyền và nghĩa vụ của người KN, người bị KN; các hành vi bị nghiêm cấm và xử lý vi phạm về giải quyết KN; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong giải quyết KN và quản lý công tác giải quyết KN.

Về KN nhiều người, theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật KN, Ủy ban Thường vụ QH tiếp thu ý kiến của đại biểu đã bổ sung vào dự thảo Luật một số quy định về thụ lý các trường hợp KN nhiều người. Trong đó, có các hình thức KN như nhiều người KN thông qua đơn, nhiều người đến KN trực tiếp (khoản 4 Điều 8), địa điểm để công dân thực hiện KN nhiều người (khoản 4 Điều 60) và quyết định giải quyết KN nhiều người (khoản 2 Điều 31). Còn trình tự, thủ tục giải quyết đối với KN nhiều người vẫn tuân theo trình tự, thủ tục chung như giải quyết đối với từng người.


Bổ sung thêm, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (tỉnh Tây Ninh) đề nghị Luật cần phải quy định cụ thể: thế nào là KN nhiều người; bao nhiêu người là đông người; phải có cơ chế cụ thể để giải quyết KN nhiều người kéo dài. Đại biểu Dương Hoàng Hương (tỉnh Phú Thọ) cho rằng, cần làm rõ và có quy chế trong việc cử người đại diện (thực chất là ủy quyền) của nhiều người đi KN cùng một vấn đề, được quyền phát ngôn, tham gia tổ chức đối thoại và theo sát suốt quá trình KN, như vậy mới bảo đảm quyền công dân.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Lê Minh Hiền (tỉnh Khánh Hòa) góp thêm về quyền KN tại Điều 12, cần có quy chế quyền tham gia KN của luật sư giúp người KN liên quan với tổ chức, cơ quan giải quyết KN. Đại biểu Lương Văn Thành (Hải Phòng) nêu thực tế tại địa phương thời gian qua nổi lên việc KN về đền bù giải phóng mặt bằng, dẫn đến việc nhiều người chung KN cùng một nội dung. Do đó, cần có quy định về KN nhiều người trong dự thảo luật KN để làm căn cứ giải quyết KN hiện nay. Tuy nhiên, cũng phải có khái niệm rõ thế nào là KN đông người, nếu căn cứ 2 người là đông thì chưa phù hợp. Vì vậy cần quy định cụ thể trong trình tự, thủ tục để giải quyết.

 Không phản đối ý kiến này, nhưng một số ý kiến khác cho rằng, vấn đề không phải là qui định hay không qui định, mà qui định như thế nào thì có thể áp dụng trong thực tiễn được, vừa bảo đảm lợi ích của công dân, vừa bảo đảm tôn nghiêm của hệ thống Nhà nước.

Về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, theo Ủy ban Thường vụ QH cần tiếp tục cơ chế giải quyết KN như quy định của Luật KN, tố cáo hiện hành, vì cơ chế này buộc cơ quan, tổ chức mà trước hết là người có quyết định hành chính, hành vi hành chính phải có trách nhiệm đến cùng đối với hoạt động quản lý hành chính của mình, tránh việc né tránh, đùn đẩy việc giải quyết KN lên cơ quan cấp trên, đồng thời tạo điều kiện cho họ khắc phục, sửa chữa kịp thời sai sót (nếu có).

Thảo luận, đại biểu Lê Trọng Sang (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Qua thực tiễn nên giữ nguyên thời hạn giải quyết KN như Luật KN, tố cáo hiện hành. Vì việc giải quyết KN thời qua ở nhiều địa phương còn vi phạm nhiều về thời gian, do nhiều nguyên nhân về khối lượng đơn thư KN phát sinh lớn trong khi đó, số lượng cán bộ làm công tác giải quyết đơn thư còn thiếu, năng lực còn hạn chế. Đặc biệt trong khâu thẩm tra xác minh, trưng cầu ý kiến đòi hỏi phải có thời gian nhất. Do đó, nên giữ nguyên thời hạn giải quyết. Đại biểu Trương Minh Hoàng (tỉnh Cà Mau) cũng đề nghị bổ sung về quy định này, cụ thể thời gian giải quyết KN là 5 ngày (nên ghi thêm 5 ngày làm việc); quyết định giải quyết trong thời gian 3 ngày là vấn đề rất khó khăn và không khả thi.

Mặc dù còn có ý kiến khác nhau về trình tự, thủ tục giải quyết KN, nhưng đa số đại biểu đều khẳng định cần đổi mới cơ chế giải quyết để việc giải quyết KN có hiệu quả hơn.

Theo chương trình, sáng nay (25/10), Quốc hội sẽ thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tố cáo./.


Ánh Tuyết

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm