Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Chậm, muộn giải quyết thủ tục hành chính phải xin lỗi dân

Thứ ba, 11/09/2018 - 21:27

(Thanh tra)- “Thực hiện nghiêm việc xin lỗi cá nhân, tổ chức khi xảy ra tình trạng chậm, muộn trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình

Ngày 11/9, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về nâng cao chất lượng giải quyết TTHC.

Còn độ trễ khá lớn từ chính sách đến hành động

Những năm qua, công tác giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp từng bước có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần hạn chế phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực, nâng cao trách nhiệm và tính minh bạch của các cấp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu thông tin, việc đưa các thủ tục vào giải quyết tại Trung tâm Hành chính công đã đảm bảo công khai, minh bạch, không có tiêu cực phát sinh.

Theo ông Hậu, sau gần 5 năm thực hiện, từ bỡ ngỡ, ngại việc, ngại gò bó, thậm chí có tư tưởng chưa muốn đưa TTHC, nhường quyền của mình vào Trung tâm Hành chính công thì nay cán bộ, công chức đã tự giác.

Quảng Ninh đã đưa 982/1.029 thủ tục vào giải quyết tại Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh theo nguyên tắc “Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả” (chiếm 95,4%).

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên nhận định, văn phòng một cửa cơ bản đạt được các mục tiêu giảm thời gian luân chuyển hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC.

Từ đó, từng bước hướng tới mục tiêu tăng dần sự hài lòng của tổ chức và cá nhân khi thực hiện các TTHC.

Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, chi phí thực hiện TTHC còn nhiều, cán bộ tiếp nhận, xử lý còn sách nhiễu, gây phiền hà...

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình lưu ý, người dân còn phản ánh, phàn nàn về trình độ và ứng xử của một bộ phận công chức tại bộ phận một cửa, còn tình trạng để quá hạn trong giải quyết hồ sơ. Điều này cho thấy, độ trễ khá lớn từ chính sách đến hành động.

Không có ý thức phục vụ người dân sẽ sinh ra nhũng nhiễu, cửa quyền

“Trong quá trình toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và trình độ dân trí càng được nâng cao, việc hoàn thiện bộ máy phục vụ nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong các giao dịch giữa người dân và cơ quan nhà nước là nhiệm vụ cấp thiết”, Phó Thủ tướng nói.

Chính phủ ban hành Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC với nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, thể hiện sự thay đổi về chất quan điểm “quản lý là để phục vụ”. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương ban hành kế hoạch triển khai.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương cần chấn chỉnh việc giải quyết TTHC tại cơ quan, đơn vị mình, hạn chế tối đa việc người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần.

Đồng thời, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết TTHC, khắc phục tình trạng thiếu công khai, minh bạch thông tin về TTHC, tình trạng quá hạn trong giải quyết TTHC; nghiêm túc xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định TTHC.

“Thực hiện nghiêm việc xin lỗi cá nhân, tổ chức khi xảy ra tình trạng chậm, muộn trong giải quyết TTHC và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định”, Phó Thủ tướng yêu cầu và nêu rõ, cán bộ, công chức không có ý thức lấy người dân làm đối tượng phục vụ, là công bộc của dân sẽ sinh ra nhũng nhiễu, cửa quyền.

Trên tinh thần đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu, đẩy mạnh việc đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công, đặc biệt thông qua chức năng của Cổng Dịch vụ công chức tuyến cấp bộ, cấp tỉnh.

Việc triển khai xây dựng Cổng Dịch vụ trực tuyến và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, thuận tiện, dễ sử dụng cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; bảo đảm khả năng kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Các bộ, ngành, địa phương phải tổ chức giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa theo hướng nâng tỷ lệ giải quyết “4 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả), phát huy cao nhất hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức được cử ra làm việc.

Mục tiêu đến hết quý II/2019, tối thiểu 20% đối với Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, 50% đối với Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện hoàn thành việc thiết lập quy trình điện tử và áp dụng việc theo dõi, giám sát theo quy trình điện tử.

Đến năm 2020, các xã vùng sâu, vùng xa phải bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định. Cùng với đó, ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm