Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phó Thủ tướng: Phải tăng cường thanh tra công vụ

Chủ nhật, 13/12/2015 - 09:50

(Thanh tra) - Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2016 ngành Nội vụ sáng ngày 12/12, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phải quyết liệt cải cách chế độ công vụ, công chức; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường thanh tra công vụ của Bộ Nội vụ…

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2016, đất nước có nhiều sự kiện lớn, khối lượng công việc nặng nề rất cần công tác của ngành Nội vụ để chuẩn bị tổ chức, nhân sự, chế độ, chính sách. Ảnh: Thảo Nguyên

Chưa biện pháp hiệu quả để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, năm 2015 và 5 năm vừa qua thể chế của nền hành chính đã cơ bản được cải cách và dần hoàn thiện. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được nâng cao rõ rệt.

“Bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương đã phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý; cơ cấu bên trong có sự phân định rõ hơn giữa cơ quan quản lý và đơn vị sự nghiệp”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Đến nay trên phạm vi cả nước đã có 10.958/11.164 (đạt tỷ lệ 98,15%) số đơn vị hành chính cấp xã, 704/713 (đạt tỷ lệ 98,7%) số đơn vị hành chính cấp huyện và 1.114/1.204 (đạt tỷ lệ 92,5%) số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh triển khai thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.

Có 343/713 (đạt tỷ lệ 48,1%) số quận, huyện, thị xã, thành phố tại các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đã triển khai mô hình một cửa liên thông hiện đại cấp huyện. Chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật một cửa ASEAN đối với một số lĩnh vực.

Các Bộ, ngành, địa phương đã đơn giản hóa 4.452 thủ tục hành chính trên tổng số 4.723 thủ tục hành chính tại 25 Nghị quyết của Chính phủ, đạt tỷ lệ 94,3%. Một số địa phương (Quảng Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng...) đang thí điểm tổ chức các Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung để giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tập trung; bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều đổi mới. Hệ thống quản lý công vụ được tổ chức theo nguyên tắc lấy năng lực và tính chuyên nghiệp cao làm nền tảng để phát triển. 

Đa số các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức triển khai việc thực hiện tinh giản biên chế; xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế; cơ bản đã hoàn thành việc xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức viên chức.

Tính đến 30/11/2015, đã có 14 Bộ, ngành, 32 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thực hiện tinh giản biên chế năm 2015 và 1 Bộ, ngành, 13 tỉnh, TP đề nghị giải quyết tinh giản biên chế đợt I năm 2016 với số đối tượng tinh giản là 5.433 người.

Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tiếp tục được đẩy mạnh triển khai tại các địa phương với nhiều cách làm mới, tạo sự chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp theo hướng công khai, minh bạch, thuận tiện….

Tuy nhiên, tổ chức bộ máy một số cơ quan Nhà nước chưa đạt yêu cầu tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Hệ thống hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển.Việc xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức còn gặp nhiều khó khăn, trong thực hiện còn có những vướng mắc, lúng túng. 

Nhất là, chưa có những biện pháp thật kiên quyết và có hiệu quả để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính. Cơ sở dữ liệu đảm bảo theo dõi, cập nhật số lượng công chức, viên chức một cách chính xác trên thực tế cũng chưa có. Tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang còn thấp, chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Đưa con cháu vào bộ máy Nhà nước, cán bộ trẻ về không có chỗ?

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, trong các thành tích to lớn, nhiều mặt, đáng biểu dương, Bộ Nội vụ đã nêu tấm gương tốt về công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. 

“Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của bộ máy nhà nước nhưng nhiều cơ quan chưa thấu hiểu được nhiệm vụ yêu cầu trí tuệ cao nhất, thời gian nhiều nhất này”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, bất cập trong công tác Nội vụ như còn một số đề án chưa hoàn thành; còn phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính; chất lượng cán bộ, công chức, viên chức là yêu cầu lớn cũng chưa làm tốt…

“Công tác nội vụ như chiếc đồng hồ, có nhiều bộ phận rất nhỏ nhưng quan trọng cho sự ổn định của đất nước. Nên cần tìm ra tồn tại trong công tác nội vụ để giải quyết, góp phần phát triển đất nước” - Phó Thủ tướng nêu.

Năm 2016, đất nước có nhiều sự kiện lớn, khối lượng công việc nặng nề như Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp… rất cần công tác của ngành Nội vụ để chuẩn bị tổ chức, nhân sự, chế độ, chính sách.

Theo Phó Thủ tướng, trước mắt, ngành Nội vụ cần hoàn thiện các đề án triển khai Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, không để luật có hiệu lực mà chưa có hướng dẫn thi hành; tham mưu xây dựng Chính phủ điện tử để có “nền hành chính dân chủ, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, thông suốt từ trung ương đến địa phương”.
 
Liên quan đến công tác cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, Phó Thủ tướng đề cập đến tính hiệu quả của Đề án 600 tri thức trẻ. “Đề án thành công hay thất bại? Bao nhiêu cán bộ trẻ vào được bộ máy Nhà nước hay các ông đưa gia đình vào hết nên cháu về không có chỗ?” - Phó Thủ tướng đặt câu hỏi

Vị vậy, Phó Thủ tướng nêu rõ, phải quyết liệt cải cách chế độ công vụ, công chức; chấn chỉnh lý luật, kỷ cương hành chính; hoàn thiện Đề án tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng; tăng cường thanh tra công vụ của Bộ Nội vụ, chứ không chỉ thanh tra kinh tế xã hội, khiếu nại, tố cáo. Nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ công chức viên chức ngành Nội vụ để làm gương cho các ngành khác.

Năm 2015, ngành Nội vụ đã cơ bản hoàn thành 100% các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch. Trong đó, Thanh tra Bộ Nội vụ đã tổ chức 22 cuộc thanh tra theo kế hoạch và các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất về quản lý, sử dụng biên chế công chức, ký hợp đồng lao động làm công việc chuyên môn trong cơ quan hành chính tại một số bộ, ngành, địa phương; tuyển dụng, bổ nhiệm, số lượng cấp phó, tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, quản lý hồ sơ công chức, viên chức…

Các cuộc thanh tra, kiểm tra đã tiến hành đúng trình tự, thủ tục, thời gian...theo quy định của pháp luật; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện những thiếu sót, sai phạm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, như: Bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định; thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng quy trình, thủ tục bổ nhiệm; ban hành quyết định bổ nhiệm lại chậm; kéo dài thời gian công tác khi đến tuổi nghỉ hưu không đúng quy định; sai phạm trong công tác tuyển dụng; tiếp nhận không qua thi không đúng đối tượng.... Từ đó, đã kiến nghị cấp có thẩm quyền thực hiện các giải pháp để khắc phục.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm