Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phó Thủ tướng: “Khiếu kiện đông người cơ bản được kiểm soát”

Hương Giang

Thứ hai, 06/11/2023 - 09:13

(Thanh tra) - “Kế hoạch thanh tra hằng năm đã được xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao; cơ bản khắc phục việc chậm ban hành kết luận thanh tra. Tình trạng khiếu kiện đông người cơ bản được kiểm soát”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang báo cáo trước Quốc hội.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: P.Thắng

Tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp 6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sáng ngày 6/11.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 2,5 ngày, kéo dài đến sáng ngày 8/11. Do đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, nên Quốc hội không chất vấn theo nhóm vấn đề, mà theo nhóm lĩnh vực.

Quốc hội, nhân dân có quyền được biết việc thực hiện “lời hứa”

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, các vị đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn việc thực hiện của các cơ quan liên quan đến 10 nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và khóa XV.

Phạm vi nội dung rất rộng, liên quan đến 21 lĩnh vực, gồm những vấn đề lớn, quan trọng, phản ánh mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, được nhân dân và cử tri hết sức quan tâm, nhất là trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình khắc phục hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19.

Theo ông Vương Đình Huệ, qua hoạt động giám sát này, Quốc hội sẽ nắm được tình hình, tiến độ và kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, việc thực hiện các “lời hứa”, cam kết của Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành.

Việc tái giám sát, chú trọng giám sát những vấn đề sau giám sát, theo dõi đến cùng các vấn đề đã giám sát, đã chất vấn nhằm giúp Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành có cơ hội báo cáo với Quốc hội, cử tri và nhân dân về những việc mình đã làm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giải quyết thấu đáo, tận gốc những vấn đề Quốc hội đã đặt ra.

“Dù không phải lời hứa, cam kết, nhiệm vụ nào cũng có thể giải quyết nhanh chóng, có thể làm được ngay nhưng Quốc hội, cử tri và nhân dân có quyền được biết về tình hình, tiến độ thực hiện và quan trọng nhất, những gì đã hứa trước Quốc hội, cử tri và nhân dân; những nhiệm vụ Quốc hội đã giao cần phải được hoàn thành”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thông qua hoạt động tái giám sát, sẽ khẳng định rõ nét hơn một Quốc hội luôn đồng hành cùng cả hệ thống chính trị. Điều này, nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp, sát tình hình thực tiễn, hiệu quả, khả thi thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Nhiều nhiệm vụ đã hoàn thành, tạo chuyển biến tích cực

Sau đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.

Ông khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, đạt được nhiều kết quả tích cực.

“Nhiều nhiệm vụ đã hoàn thành, tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực và một số nhiệm vụ mang tính thường xuyên, lâu dài đang được triển khai quyết liệt”, Phó Thủ tướng nói.

Đề cập đến các lĩnh vực tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ông Quang cho hay, công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính ngày càng hiệu quả.

Tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp 6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sáng ngày 6/11. Ảnh: Đ.X

Các vụ việc phức tạp, kéo dài, xử lý thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt, theo lời Phó Thủ tướng.

Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy; kiên quyết tổ chức lại, sáp nhập, hợp nhất các tổ chức không đáp ứng tiêu chí, điều kiện thành lập, nhất là các tổ chức bên trong các bộ, ngành, địa phương.

Sau rà soát, sắp xếp kiện toàn đã giảm được 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục; 10 cục; 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ. Ở địa phương, đã giảm được 7 sở, 2.159 phòng thuộc sở và thuộc UBND cấp huyện. Với đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 98 đơn vị ở các bộ, ngành, 7.631 đơn vị ở địa phương

Chính phủ cũng tiếp tục chấn chỉnh tình trạng cán bộ, công chức đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ; đã ban hành nghị định của Chính phủ về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Thanh tra tập trung lĩnh vực nguy cơ tham nhũng cao

Vẫn theo Phó Thủ tướng, công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự và giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện ngay từ cơ sở.

Phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm được tăng cường; tập trung triệt xóa các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm…

Với công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, theo ông Trần Lưu Quang, đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội.

“Kế hoạch thanh tra hằng năm đã được xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao; cơ bản khắc phục việc chậm ban hành kết luận thanh tra. Tình trạng khiếu kiện đông người cơ bản được kiểm soát“, Phó Thủ tướng khái quát.

Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2023 đã được triển khai và đang khẩn trương hoàn thiện kế hoạch triển khai Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng nhận định, trong thực hiện các nghị quyết của Quốc hội còn một số nhiệm vụ triển khai chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan.

“Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa trong triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn”, Phó Thủ tướng báo cáo trước Quốc hội.

Ông Trần Lưu Quang cũng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng mong tiếp tục nhận được quan tâm, đồng hành, ủng hộ và giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân, các đại biểu Quốc hội để nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ.

4 nhóm lĩnh vực chất vấn, cụ thể là:

- Nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp (chất vấn trong khoảng 150 phút): Các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng.

- Nhóm lĩnh vực kinh tế ngành (chất vấn trong khoảng 190 phút): Các vấn đề liên quan đến lĩnh vực công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường.

- Nhóm lĩnh vực nội chính, tư pháp (chất vấn trong khoảng 180 phút): Các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát; kiểm toán.

- Nhóm lĩnh vực văn hóa, xã hội (chất vấn trong khoảng 190 phút): Các vấn đề liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.

Tùy thuộc diễn biến phiên chất vấn, có thể điều chỉnh linh hoạt thời lượng dành cho từng nhóm lĩnh vực được chất vấn.

Sau khi thực hiện chất vấn theo nhóm các lĩnh vực, Thủ tướng Chính phủ sẽ báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quốc hội “chốt” được bán thuốc online từ 1/7/2025

Quốc hội “chốt” được bán thuốc online từ 1/7/2025

(Thanh tra) - Từ 1/7/2025, cơ sở kinh doanh dược được bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử với thuốc không kê đơn, trừ thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc hạn chế bán lẻ, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được Quốc hội thông qua.

Hương Giang

15:59 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm