Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ ba, 22/03/2022 - 17:00
(Thanh tra) - Nhiều ý kiến thống nhất quy định “hậu kiểm” với phim phổ biến trên mạng nhưng phải kèm theo cơ chế để ngăn ngừa, phát hiện, khắc phục hậu quả và xử lý vi phạm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh băn khoăn, phim có nội dung chính trị phức tạp, nhạy cảm như đưa “đường lưỡi bò” thì phát hiện xử lý khắc phục hậu quả phức tạp. Ảnh: Đ.X
Ngày 22/3, tiếp tục chương trình phiên họp (đợt 2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).
“Tiền kiểm” với phim phổ biến trên không gian mạng là bất khả thi
Báo cáo về các vấn đề giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trong dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, liên quan tới quy định phổ biến phim trên mạng, đa số ý kiến đồng tình với phương án “hậu kiểm”.
Cạnh đó, một số ý kiến đề nghị phải cấp phép phân loại phim phổ biến trên không gian mạng. Có ý kiến đề nghị phân loại đối với phim có yếu tố về chính trị, quốc phòng, an ninh.
“Thường trực Ủy ban xin được tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, quy định thống nhất tại dự thảo luật về thực hiện “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng”, ông Vinh nói.
Thường trực Ủy ban cũng đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, biện pháp tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng.
Cho rằng xu hướng chung là “hậu kiểm”, song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh băn khoăn, phim có nội dung chính trị phức tạp, nhạy cảm như đưa “đường lưỡi bò” thì phát hiện xử lý khắc phục hậu quả phức tạp.
“Chỗ này hết sức cân nhắc vì tác động lan tỏa rất nhanh”, ông Thanh nói. Theo ông, cần có tiêu chí cụ thể trường hợp nào “hậu kiểm”, và trường hợp nào phải phê duyệt, cấp phép.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, với xu thế hiện nay, “tiền kiểm” với phim phổ biến trên không gian mạng là bất khả thi; cần phải chuyển sang “hậu kiểm”.
Đồng thời, nếu như nhà sản xuất, phát hành có nội dung băn khoăn, muốn cơ quan quản lý Nhà nước có ý kiến trước khi phát hành thì cơ quan quản lý cần phải mở ra để làm việc này.
Yêu cầu gỡ phim trong 24 giờ thì sau 24 giờ phim đã lan truyền toàn xã hội
Ông Vương Đình Huệ lưu ý, dù “hậu kiểm” vẫn phải đưa ra cơ chế để phát hiện, khắc phục hậu quả và xử lý các vi phạm. Tuy nhiên, quy định trong dự thảo luật sau khi đã tiếp thu, chỉnh lý theo ông “lằng nhằng”, rất khó để làm.
“Phải thông báo đến Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thì thông báo thế nào, một cú phone gọi chuyên viên có được không? Có phải chờ Bộ Văn hóa trả lời không? Thời gian trả lời là bao lâu?...”, ông Huệ cho rằng, phải quy định hình thức, thời gian thông báo cụ thể và nên xem kinh nghiệm quốc tế.
Ông Vương Đình Huệ còn cho rằng, dù dự thảo đã đưa ra “mênh mông bể sở các rào cản, van, chốt, khóa” nhưng chưa chắc đã chặt chẽ.
“Yêu cầu gỡ phim trong 24 giờ thì sau 24 giờ phim đã lan truyền toàn xã hội còn gỡ cái gì?”, ông Huệ nói và đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra rà soát lại cũng như họp tư vấn với các Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công an quản lý lĩnh vực không gian mạng để có quy định chặt chẽ, khả thi.
Một vấn đề khác là phân loại phim. Theo dự thảo luật, phim được phân theo độ tuổi thành 6 loại: Loại P (được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi); các loại T18, T 16 và T13 là trên các lứa tuổi tương ứng; K (được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ); còn C là phim bị cấm.
Chủ tịch tịch Quốc hội cho rằng, việc phân loại này cũng “lằng nhằng” và đề nghị nên học theo cách phân loại của quốc tế. “Tôi thấy trên mạng chỉ có 16+, 18+, 13+, việc gì P, T, K. Mình quy định thế, khi hiển thị thế giới cũng không biết là loại gì”, ông Huệ nhấn mạnh và đề nghị các cơ quan soạn thảo, thẩm tra nghiên cứu, rà soát lại quy định này.
Theo chương trình, dự luật này sẽ được Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022). Trước đó, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021).
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Điều 21. Phổ biến phim trên không gian mạng
1. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân phổ biến phim Việt Nam trên không gian mạng.
2. Tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 18 của Luật này và các quy định sau đây:
a) Phim được phổ biến không vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật này và các quy định của pháp luật khác có liên quan;
b) Tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Điều 32 của Luật này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim;
c) Không thay đổi nội dung và kết quả phân loại đối với phim đã được cấp giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng;
d) Thông báo với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng;
đ) Gỡ bỏ phim vi phạm Điều 9 của Luật này và các quy định của pháp luật khác có liên quan trong vòng 24 giờ kể từ khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;
e) Dừng cung cấp dịch vụ khi có yêu cầu bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tổ chức, cá nhân cung cấp nội dung phim vi phạm theo quy định của Luật này;
g) Thực hiện các biện pháp kỹ thuật cần thiết để cha, mẹ, hoặc người giám hộ tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim được phổ biến trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi xem phim được quy định tại Điều 32 của Luật này;
h) Cung cấp công cụ để người sử dụng dịch vụ phản ánh về nội dung phim vi phạm quy định tại Điều 9 với cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng;
i) Tuân thủ các quy định của pháp luật khác có liên quan.
3. Tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông, nền tảng truyền thông số để phổ biến phim tại Việt Nam có trách nhiệm ngăn chặn, phim vi phạm theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
4. Tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ phổ biến phim trên không gian mạng vào Việt Nam phải bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật này, khoản 1, khoản 2 Điều này và cung cấp đầu mối liên hệ cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
5. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thực hiện việc kiểm tra nội dung phim phổ biến trên không gian mạng; phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về thông tin và truyền thông xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
6. Chính phủ quy định chi tiết điểm d khoản 2, khoản 4 Điều này.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Hoàng Nam
22:10 22/11/2024(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Minh Tân
17:29 22/11/2024Hải Hà
17:28 22/11/2024Hương Giang
17:27 22/11/2024Vũ Linh
14:58 22/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương