Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

“Đừng để cái bóng quá lớn của lệ luật đè mãi tương lai nền điện ảnh Việt Nam”

Hương Giang

Thứ năm, 28/10/2021 - 21:57

(Thanh tra) - Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) nhấn mạnh, điện ảnh Việt Nam cần những cuộc thảo luận cởi mở, lắng nghe và thấu cảm nhằm xóa đi ranh giới giữa nhà quản lý và đối tượng quản lý cho một hoạt động đậm tính đặc thù.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân, đoàn Bình Dương. Ảnh: Đ.X

Chiều ngày 28/10, tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp 2, Quốc hội thảo luận trực tuyến Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Làm thế nào hài hòa quản lý mà không “ức chế” sáng tạo

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương), điều khó khăn nhất khi chắp bút dự thảo luật này chính là đưa một hoạt động mang tính nghệ thuật sáng tạo vào khuôn khổ “đường biên của thể chế”, trong khi bản chất sáng tạo vốn “không có giới hạn”.

“Một tác phẩm có thể chứa đựng cả giai đoạn lịch sử bi hùng nhưng đôi khi lại chất chứa đầy bản ngã của tác giả”, đại biểu nói.

Dó đó, theo đại biểu, làm thế nào để hài hòa giữa quản lý Nhà nước về hoạt động điện ảnh mà không gây “ức chế” sáng tạo để người nghệ sỹ thăng hoa cảm xúc trước ranh giới mong manh giữa giá trị đạo đức truyền thống, văn hóa với những cái mới được định hình trong thế giới phẳng là mục tiêu chính của dự luật này.

Dự thảo luật có 17 điểm quy định các nội dung và hành vi bị nghiêm cấm. Nhưng ông Nhân thấy có nhiều điều cấm  khá “mơ hồ”, tầm bao quát rộng nên chắc chắn sẽ trói buộc sự sáng tạo, khả năng thăng hoa của đạo diễn.

“Vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp, pháp luật là khoản chưa cụ thể đầu tiên trong 17 điểm cấm của dự luật”, đại biểu Nhân nêu.

Qua rà soát Hiến pháp có 4 điều đề cập đến nguyên tắc là: “Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín” ở Điều 7; “tập trung dân chủ” ở Điều 8; “tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng” ở Điều 36 và “tranh tụng trong hoạt động xét xử được bảo đảm” ở Điều 103.

“Hoạt động điện ảnh có phải đảm bảo không vi phạm tất cả các nguyên tắc của các luật trong hệ thống pháp luật hay không?”, ông Nhân băn khoăn.

Ngoài ra, theo đại biểu, như thế nào là “làm tổn tại đến các giá trị văn hóa”, “truyền bá tệ nạn xã hội”, “phá hoại truyền thống văn hóa, đạo đức xã hội…” cũng cần phải được minh định nhằm tránh cảm tính, chủ quan của cơ quan có thẩm quyền khi “cầm cân, nảy mực” trong các khâu xét duyệt.

Kiểm duyệt khắt khe phim trong nước, lại lọt phim nước ngoài “sai sự thật”

Trong nhập khẩu phim nước ngoài có nhiều khác biệt, thậm chí có bất đồng về văn hoá, góp phần làm thay đổi lối sống của các tầng lớp thanh niên, trong đó có việc sống thử trước hôn nhân.

“Vậy điều này có làm tổn hại đến các giá trị và phá hoại truyền thống văn hoá hay không?”, ông Nhân đặt vấn đề.

Đại biểu tiếp tục nói, “hai cuộc đời hay hai hộ chiếu” là cách ví von khi nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam được các giải thưởng nước ngoài nhưng lại bị cấm chiếu ngay trên sân nhà do vi phạm thuần phong mỹ tục hay phản ánh những hiện thực quá đen tối, bi quan.

“Thử hỏi có nơi nào trên thế giới này chỉ toàn điều tốt đẹp mà không có những mặt trái của xã hội?. Ngay cả New York, nơi được mệnh danh là trung tâm kinh tế - tài chính của thế giới cũng không khó để bắt gặp những người vô gia cư nằm co ro trên nền gạch sáng choang trước các cửa hàng sang trọng. Trong khi điện ảnh Mỹ chưa bao giờ chối từ những hình ảnh này”, đại biểu nêu.

Đại biểu dẫn chứng sang Văn học Việt Nam những năm 1930-1945 có 3 dòng chủ lưu là hiện thực phê phán, lãng mạn và cách mạng cùng tồn tại để miêu tả toàn bộ cái hồn của xã hội thời kỳ đó.

Chí Phèo, Lão Hạc hay Chị Dậu khắc hoạ đến tận cùng sự khắc nghiệt của hiện thực, có bi quan, có bạo lực nhưng có làm tổn hại đến các giá trị văn hoá hay không?

“Nếu khắt khe với chính người nhà thì phải trả lời cho được vì sao phim “Điệp vụ biển đỏ” công nhận Biển Đông của Trung Quốc hay “Everest - Người tuyết bé nhỏ” với hình ảnh đường lưỡi bò lại xuất hiện ở các rạp chiếu của Việt Nam", ông dẫn chứng.

Đạo diễn khi đi kiểm duyệt phim khiến công chúng mường tượng “phiên tòa”

Đại biểu đề cập đến điện ảnh Iran. Theo ông, bất chấp nhiều điều cấm và kiểm duyệt khắt khe nhưng vẫn có những thước phim đoạt giải thưởng quốc tế, luôn sản sinh ra những đạo diễn bậc thầy và các tài năng theo kiểu “tre già măng mọc”.

Trở lại điện ảnh Việt Nam thời gian qua, đại biểu đoàn Bình Dương cho rằng, dường như sự kiểm duyệt đang bị kéo căng giữa nhà quản lý và người làm điện ảnh.

Theo ông, tiếng nói giữa hai chủ thể này chưa tìm được điểm tiệm cận mà hệ quả là nền điện ảnh vẫn chưa thể rời xa điểm xuất phát, đánh mất cơ hội thụ hưởng những giá trị văn hoá, tinh thần hòa nhập sâu sắc với văn hoá thế giới.

“Tâm trạng lo âu, thấp thỏm của các đạo diễn khi đi kiểm duyệt phim khiến công chúng mường tượng quang cảnh một phiên tòa, thiếu vắng bầu không khí cởi mở, chân tình giữa nhà quản lý và những người hoạt động điện ảnh, trong khi đối tượng đang được xem xét không đơn thuần là một sản phẩm vật chất mà là những rung động, xúc cảm nghệ thuật”, ông Nhân gửi tâm tư này đến những người có trách nhiệm.

Nhắc đến phim chưa đựng cả một thời mưa bom lửa đạn như “Cánh đồng hoang”, ông Nhân nói, điện ảnh Việt Nam thật cần cuộc thảo luận cởi mở, lắng nghe và thấu cảm nhằm xóa đi ranh giới giữa nhà quản lý và đối tượng quản.

“Đừng để cái bóng quá lớn của những nguyên tắc, lệ luật đè mãi tương lai của nền điện ảnh Việt Nam”, đại biểu đoàn Bình Dương kết thúc bài phát biểu.

Dự thảo luật quy định nhiều chính sách đãi về thuế, đất đai, tín dụng cho các nhà sản xuất phim trong nước. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh), “hoàn toàn không có giá trị khuyến khích”. Mục tiêu đột phá nhưng chính sách không đột phá.

Việc thu hút tổ chức, người nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam, bà Vân thấy cũng chưa mang tính đột phá.

“Cần phải rõ ưu đãi ra sao, hấp dẫn thế nào, thủ tục ưu đãi có minh bạch, thuận lợi và nhanh chóng hay không. Luật Điện ảnh nếu thông qua với chính sách ưu đãi theo hướng này chắc chắn sẽ là lời kêu gọi hấp dẫn để mời chào nhà sản xuất phim nước ngoài”, nữ đại biểu nói.

Theo đại biểu, rất nhiều nhà làm phim đồng ý rằng vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Nam và sự khéo léo, thân thiện, thông minh của người Việt Nam. Tuy nhiên, họ lại ít chọn đến Việt Nam do chưa có chính sách ưu đãi, chưa rõ ràng, minh bạch.

Bà cho rằng nên tham khảo Thái Lan - đất nước có điều kiện tự nhiên, văn hóa tương đồng. Năm 2018, lần đầu tiên Thái Lan áp dụng chính sách ưu đãi từ 15-20% hoàn thuế cho đoàn làm phim nước ngoài thì ngay trong năm đó họ đã thu hút được 714 đoàn làm phim quốc tế, mang lại doanh thu 98 triệu USD.

Trước khi kết thúc phát biểu, bà Vân chia sẻ về một bài viết được đọc và cho biết, “hẫng hụt” khi bộ phim “Good Morning Việt Nam” (Xin chào Việt Nam - một trong những bộ phim hài hay nhất của nước Mỹ) về đề tài chiến tranh Việt Nam, câu chuyện diễn ra tại Việt Nam nhưng cảnh quay lại được thực hiện ở Thái Lan.

“Nhân vật nữ tên Trinh thướt tha trong tà áo dài trắng Việt Nam nhưng do cô gái Thái Lan đóng”, bà Vân cho hay. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm