Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Phát biểu như Bộ trưởng, mọi thứ đều đúng, chỉ trời sai vì mưa nhiều”

Hương Giang

Thứ năm, 05/11/2020 - 15:03

(Thanh tra) - Trước phát biểu của Tư lệnh ngành Công thương về vấn đề thuỷ điện, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) tranh luận lại: "Bộ trưởng có nói là do chính quyền địa phương, do quy hoạch, do khâu tổ chức thực hiện, tôi cho rằng chưa ổn”.

ĐB Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương). Ảnh: CTV

Các cơ quan đều trách nhiệm, thực hiện đúng quy định

Sáng nay (5/11), tại phiên thảo luận Quốc hội (QH) về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã tranh luận lại với các ĐB về thông tin dự án thuỷ điện có hai mặt tích cực và hạn chế.

Theo ông Tuấn Anh, hiện có quy trình pháp lý quan trọng và bài bản quản lý đầu tư, hiệu quả dự án, đặc biệt là báo cáo kinh tế kỹ thuật, đánh gía tác động môi trường.

“Đây là những nhân tố cơ bản giúp các cấp có thẩm quyền quyết định xem đầu tư, đánh giá dự án đó có hiệu quả hay không, mức độ tác động tiêu cực thế nào.

Các dự án còn phải thoả mãn các giải pháp, biện pháp để giảm bớt các tiêu cực, khai thác tốt các ưu thế cũng như lợi ích từ dự án", Bộ trưởng nêu các điều kiện khi cấp phép đầu tư dự án thủy điện.

Về quản lý đất, đất rừng tự nhiên khi cấp phép thủy điện, Bộ trưởng cho biết, phải bổ sung quy hoạch, nêu rõ tiêu chí nếu chiếm dụng 10ha/1KW thì không được, và phải xin ý kiến các bộ, ngành liên quan.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh: CTV

"Các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đều có trách nhiệm, đặc biệt là địa phương, kiểm tra thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo khả thi cũng như báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án", Bộ trưởng Công thương nêu.

Ông Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án là rất quan trọng, giúp các cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư thông qua. Các báo cáo này đều phải đăng công khai trên các trang điện tử của cơ quan thẩm định.

Trả lời về ý kiến ĐB Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai), Bộ trưởng Công thương cho hay, khi các dự án thuỷ điện hết vòng đời dự án phải thực hiện các yêu cầu của luật định, trong đó đánh giá chất lượng của các hồ đập, hướng sử dụng hoặc tháo dỡ. Yêu cầu chủ đầu tư chịu trách nhiệm tháo dỡ, có phương án báo cáo các cấp có thẩm quyền.

“Đề nghị Bộ trưởng lưu ý những tiêu cực”

Giơ biển tranh luận lại, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nhận định, “phát biểu như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh từ hôm qua đến giờ, tôi thấy rằng mọi thứ chúng ta đều đúng cả, chỉ có trời là sai vì mưa nhiều quá. Bộ trưởng có nói là do chính quyền địa phương, do quy hoạch, do khâu tổ chức thực hiện, tôi cho rằng chưa ổn”.

Nhắc đến câu của người xưa thường nói là “tức nước thì vỡ bờ”, ĐB Hồng cho hay, làm nhiều đập thuỷ điện, không vỡ chỗ đập thuỷ điện nhưng sẽ vỡ ở chỗ khác, nước dâng cao phải tìm đường thoát, thoát thì tạo ra trái quy luật tự nhiên gây ra những hậu quả.

“Tôi không phải nhà khoa học, câu trả lời về nguyên nhân lũ lụt và sạt lở thì Chính phủ và các nhà khoa học sẽ có ý kiến chính thức cuối cùng”, ông Hồng bày tỏ.

ĐBQH  Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà). CTV

Cũng tham gia tranh luận, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà) bày tỏ quan điểm đồng tình với ý kiến của ĐB Lưu Bình Nhưỡng phát biểu trước đó là thuỷ điện có 2 mặt.

“Mặt tiêu cực thì Bộ Công thương hiện đang kiểm soát tương đối chặt chẽ và đặc biệt nhiệm kỳ này kiểm soát chặt chẽ thì chúng ta phải ủng hộ. Nhưng, đề nghị Bộ trưởng lưu ý những tiêu cực ấy phải kiểm soát một cách hiệu quả hơn”, ông Thịnh nói.

ĐB đoàn Khánh Hoà cũng đồng tình với phát biểu của ĐB Dương Trung Quốc là các dự án thuỷ điện như quả bom nổ chậm, đây là nhận thức chủ quan về điều kiện khách quan.

“Vấn đề đặt ra là có đúng như vậy không? Nếu đúng là quả bom nổ chậm thì chúng ta phải tháo ngòi nổ đó”, ông Thịnh nói và đề nghị, Bộ Công thương kiểm soát chặt chẽ điều đó.

Bày tỏ đồng tình những giải pháp hiện nay Bộ Công thương đang kiểm soát, ông Thịnh cũng lưu ý, không có cái gì không có 2 mặt, nhưng nhận thức được những tiêu cực, hạn chế thì sẽ có giải pháp hiệu quả.

Tranh luận tiếp, ĐB Dương Trung Quốc cảnh báo, nếu chúng ta không nhìn nhận đúng về câu chuyện thủy điện thì sẽ để lại hậu quả nặng nề trong vài chục năm nữa. Theo ĐB, doanh nghiệp tham gia xây dựng dự án thủy điện phải đóng trước một khoản tiền coi như phí môi trường để sau này dừng khai thác còn khắc phục. Còn nếu dừng rồi mới phải xử lý, doanh nghiệp sẽ tìm cách thoái thác.

“Việc xây dự án thủy điện phải có chế tài, Nhà nước phải nắm đằng chuôi", ông Quốc nói.

Trong phiên họp chiều qua (5/11), giải trình trước QH, Bộ trưởng Công thương nêu thủy điện có cả mặt tích cực và tiêu cực tùy thuộc quản lý và chính sách để xử lý các vấn đề liên quan.

Về tích cực, ngoài đóng góp quan trọng trong cơ cấu điện, thủy điện còn đóng góp cho phát triển địa phương, đồng thời có tác dụng cắt giảm và điều tiết lũ...

Tuy vậy, Bộ trưởng Công thương cũng thừa nhận có những tác động tiêu cực của thủy điện đến môi trường, đất, nước và khí hậu cũng như đời sống của nhân dân.

Tranh luận lại, ĐB Lưu Bình Nhưỡng đồng tình với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh rằng “thủy điện có tính 2 mặt”, song đặt câu hỏi: "Chúng ta lấy thước đo nào để khẳng định rằng, mặt tốt của thủy điện là ưu việt và mặt xấu chỉ là tạm thời"?

Còn theo đánh giá của ĐB Dương Trung Quốc, chúng ta mới chỉ bàn tới câu chuyện của ngày hôm nay mà chưa bàn tới 40 - 50 năm nữa, khi các dự án thủy điện nhỏ đã hết khấu hao, không còn hiệu quả kinh tế thì “các công trình xây ở nơi rừng sâu, núi thẳm này sẽ là một quả bom nổ chậm”. Nguồn lực nào quản lý nó?

“Ngay bây giờ Bộ Công Thương, ngành tài nguyên và môi trường cũng phải quan tâm đến, có chế tài để bảo đảm có nguồn lực để giải quyết những vấn đề hậu họa như thế”, ông Quốc tranh luận.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Đầu tháng 1/2025, Hà Nội hoàn thành sắp xếp bộ máy

Đầu tháng 1/2025, Hà Nội hoàn thành sắp xếp bộ máy

(Thanh tra) - Với quyết tâm chính trị cao nhất, Hà Nội phải hoàn thành việc tổng kết sắp xếp bộ máy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Tổng Bí thư Tô Lâm vào đầu tháng 1/2025.

Hải Hà

17:54 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm