Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Pháp lệnh của Tòa án, 50% dự thảo “bê nguyên” Luật XLVPHC

Thứ sáu, 14/03/2014 - 13:00

(Thanh tra) - Nhiều quy định của dự thảo Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng chưa bảo đảm tính hợp hiến và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Chưa kể, dự thảo có 58 điều thì có đến 26 điều, khoản trùng lặp với quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị lại dự án Pháp lệnh (ảnh Thảo Nguyên)

Sáng ngày 14/3, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận cho ý kiến dự thảo Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án.

Vi hiến

Báo cáo thẩm tra trước UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhận định, với tên gọi “Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân” tại Nghị quyết số 23, Quốc hội đã xác định rõ mục đích, yêu cầu của việc ban hành Pháp lệnh này là xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân. Nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo sửa lại tên Pháp lệnh là “Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án” đã làm thay đổi bản chất hành vi bị xử lý, hình thức trách nhiệm, phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh và trình tự, thủ tục cũng như các chế tài xử lý không đúng với yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội.

“Dự thảo Pháp lệnh mà Tòa án Nhân dân tối cao trình không xác định được chế tài xử lý là loại chế tài nào? (xử lý hành chính, dân sự, hình sự hay kỷ luật?). Đây là một trong những nội dung rất cơ bản mà dự thảo Pháp lệnh chưa xác định đúng, ảnh hưởng đến việc xác lập quan hệ của Pháp lệnh này với Luật Xử lý vi phạm hành chính”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết.

Quan trong hơn, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật” (khoản 2 Điều 14). Nhưng một số quy định cụ thể của dự thảo Pháp lệnh đã hạn chế quyền cơ bản của công dân (như quy định về hành vi bị xử lý, người bị xử lý… mở rộng hơn so với quy định của các đạo luật tố tụng, hạn chế quyền khởi kiện vụ án hành chính của người bị xử phạt…). 

Trái luật

Hơn nữa, nhiều quy định của dự thảo Pháp lệnh không phù hợp, trái các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Tố tụng Hành chính, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Phá sản, Luật Thi hành án dân sự, Luật Báo chí, Luật Khiếu nại.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp dẫn chứng, Điều 26 của dự thảo Pháp lệnh quy định thẩm quyền của Tòa án bao gồm: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc phá sản, Chánh án Tòa án cấp huyện, Chánh tòa chuyên trách Tòa án cấp tỉnh, Chánh án Tòa án cấp tỉnh, Chánh Tòa phúc thẩm TAND Tối cao, Chánh Tòa chuyên trách TAND Tối cao, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, Chánh án TAND Tối cao. Đối chiếu với quy định tại Điều 48 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao không được giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. 

Mặt khác, Chánh án Tòa án quân sự khu vực, Chánh án Tòa án quân khu và tương đương được giao thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Điều 48 của Luật Xử lý vi phạm hành chính lại không được cụ thể hóa trong dự thảo Pháp lệnh.

Khoản 3 Điều 41 của dự thảo cũng có “vấn đề” khi quy định người có thẩm quyền xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ người, dù điểm b, khoản 1 Điều 123 của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định chỉ có Thẩm phán chủ tọa phiên tòa mới có quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính. 

Thường trực Ủy ban Tư pháp nêu rõ, quy định của dự thảo Pháp lệnh không thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và cũng không thống nhất với quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự là “Người có hành vi vi phạm nội quy phiên tòa thì tùy theo mức vi phạm mà có thể bị chủ tọa phiên tòa quyết định phạt cảnh cáo, phạt tiền, buộc rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính” (khoản 1 Điều 387), và của Bộ luật Tố tụng Hình sự là “Những người vi phạm trật tự phiên tòa thì tùy theo trường hợp có thể bị chủ tọa phiên tòa cảnh cáo, phạt tiền, buộc rời khỏi phòng xử án hoặc bị bắt giữ” (Điều 198)”.

"Bác" dự thảo pháp lệnh

Không chỉ có trái, dự thảo Pháp lệnh có 8 chương, 58 điều nhưng có đến 26 điều, khoản trùng lặp với quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, trái với quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

“Đề nghị UBTVQH xem xét, giao cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị lại dự án Pháp lệnh để bảo đảm chất lượng, đúng mục đích, yêu cầu nội dung phạm vi điều chỉnh theo Nghị quyết số 23 của Quốc hội, đồng thời bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, ngày 8/3/2014, Ủy ban Tư pháp đã nêu nhiều vấn đề trái luật và đề nghị Ban soạn thảo chỉnh lý lại. Tòa án Nhân dân tối cao đã xin rút để chỉnh lý lại. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hôm nay (14/3), dự thảo trình ra vẫn không có gì thay đổi, chất lượng rất thấp, không thể cho ý kiến được. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị lại dự án Pháp lệnh.

Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật tố tụng Hành chính và Bộ luật Tố tụng Dân sự có các quy định về hành vi vi phạm cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án; Quốc hội cũng đã ban hành Luật Xử lý vi phạm hành chính

Điều 48 của Luật Xử lý vi phạm hành chính có quy định thẩm quyền của Tòa án nhân dân được xử phạt hành chính. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm hành chính cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án mà Tòa án nhân dân được xử phạt lại chưa được quy định cụ thể. Ngày 12/6/2012, Quốc hội giao UBTVQH ban hành Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân là cần thiết.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm