Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phải rút khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo

Thứ sáu, 20/12/2013 - 21:18

(Thanh tra) - Chiều nay (20/12), Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Hà Nội về việc "thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012".

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh, Hà Nội cần có các giải pháp cụ thể để rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo. Ảnh: Thảo Nguyên

Hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng cho giảm nghèo

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh cho biết: Thành ủy xác định giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội là một trong những chỉ tiêu hàng đầu được quan tâm chỉ đạo. Trong nghị quyết kinh tế - xã hội hàng năm của HĐND TP đều đưa ra chỉ tiêu giảm nghèo, kèm theo đó là dành ngân sách để thực hiện các chỉ tiêu đó.

Theo bà Ngô Thị Doãn Thanh, hiện Hà Nội đặc biệt quan tâm làm sao rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị - nông thôn; giảm nghèo bền vững và thực hiện các chính sách một cách công bằng, công khai, không để xảy ra tiêu cực, tạo điều kiện thuận lợi cho người thụ hưởng.   

Báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo của UBND TP Hà Nội cho thấy, chỉ tiêu giảm nghèo bình quân trong nghị quyết HĐND TP hàng năm luôn đạt, tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm từ 1,5% đến 1,8%, tổng số lượt hộ thoát nghèo từ năm 2005 đến 2013 là 207.996 lượt hộ. 

Từ 9 chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung năm 2005 với tổng kinh phí hỗ trợ là 34,8 tỷ đồng và hỗ trợ tín dụng ưu đãi 488 tỷ đồng, đến năm 2012, TP Hà Nội đang thực hiện và triển khai 13 chính sách (trong đó hỗ trợ thêm 3 chính sách đặc thù riêng là: Tín dụng ưu đãi, hỗ trợ vay bò sinh sản, trợ cấp cho người già yếu, người mắc bệnh hiểm nghèo) với tổng kinh phí hỗ trợ 1.118 tỷ đồng, tổng nguồn tín dụng ưu đãi là 1.444 tỷ đồng.

Việc chuyển từ hình thức cấp phát, xin cho sang chính sách hỗ trợ và cho vay với lãi suất ưu đãi đã giúp hộ có vốn tổ chức sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, thay đổi nhận thức, tự mình vươn lên thoát nghèo cho chính bản thân và gia đình, tránh thói quen trông chờ, ỷ lại vào việc “cho không, cấp không” của Nhà nước.

Tuy nhiên, ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội cho biết, khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn còn lớn. Số hộ nghèo khu vực các huyện chiếm trên 90% tổng số hộ nghèo toàn TP. Một số xã miền núi, cách xa trung tâm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giảm nghèo. 

Trong khi đó, công tác giảm nghèo có lúc, có nơi còn mang tính áp đặt, chạy theo thành tích mà chưa sát với thực tế đời sống của người dân địa phương. Cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã thường xuyên thay đổi, trình độ còn thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tham mưu, thực hiện tại cơ sở.

UBND TP Hà Nội đề xuất với đoàn giám sát, thời gian tới các chính sách hỗ trợ nghèo không nên dàn trải, mà nên mang tính khuyến khích, tạo động lực cho các hộ vươn lên thoát nghèo; tăng thời gian và mức vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa 50 triệu đồng/hộ (vay sản xuất kinh doanh dịch vụ) và 20 triệu đồng (vay xây dựng nhà ở). 

Người nghèo phải tham gia chính sách giảm nghèo

Ghi nhận việc thực hiện chính sách, pháp luật giảm nghèo thông suốt đến được với người dân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh, kết quả của Hà Nội đã đáp ứng và đáp ứng cao được yêu cầu của Đảng, Nhà nước, góp phần rất tốt cho chính sách phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. 

Đặc biệt, Hà Nội đã thực hiện nhiều chính sách giảm nghèo riêng, rất hiệu quả, cần được biểu dương. Đó là, Hà Nội đã chi tiết và cụ thể các chính sách để phù hợp với tình hình thực tế chính sách nhà ở; chính sách nhóm nghèo được hỗ trợ mà không có khả năng thoát nghèo. “Hà Nội đã đi đầu, đây là cơ hội rất tốt để trong nghị quyết sau khi giám sát có yêu cầu với Chính phủ”, Bà Trương Thị Mai nói.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội lưu ý, kết quả giảm nghèo của Hà Nội không đồng đều; thoát nghèo bền vừng có vấn đề vì số hộ cận nghèo “bập bềnh”, không ổn định; số hộ nghèo phát sinh thêm hơn 50 nghìn hộ trong 8 năm; tính chất nghèo thành thị cũng cần phải được quan tâm hơn do chuyển dịch cơ cấu kinh tế. 

Theo đó, Hà Nội cần phải quan tâm và không được lơ là việc thực hiện chinh sách, pháp luật về giảm nghèo, trong đó phải làm thế nào để các chính sách giảm nghèo có sự tham gia của chính người nghèo. “Có 3 trụ cột rất quan trọng để chúng ta thiết kế chính sách giảm nghèo. Đó là phải quan tâm là tạo cơ hội cho người nghèo thoát nghèo, bình đẳng; trao quyền cho người nghèo được tham gia để chính họ quyết định hiệu quả; bảo đảm an sinh để người nghèo không bị rơi vào rủi ro”, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề khoảng cách giàu - nghèo, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho biết, con số này đang dần tăng lên rất đáng lo ngại, nên Hà Nội cần có những giải pháp hiệu quả để rút ngắn khoảng cách này.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm