Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Những dấu ấn năm 2020

Thứ bảy, 30/01/2021 - 20:50

(Thanh tra)- Năm 2020 là một năm đặc biệt, gắn liền với nhiều thử thách. Trong bối cảnh cả thế giới phải căng mình đối phó với dịch Covid-19, Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh khi tạo ra nhiều kỳ tích, với nhiều sự kiện là “lần đầu tiên” có trong lịch sử.

Đại hội Đảng các cấp thành công tiến tới Đại hội XIII của Đảng

1. Đại hội Đảng các cấp thành công tiến tới Đại hội XIII của Đảng

Năm 2020, 67 Đảng bộ trực thuộc Trung ương đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Chuỗi sự kiện chính trị quan trọng nhất năm 2020 mở đầu bằng Đại hội Đảng bộ cơ sở hồi tháng 4, đi tiếp đến Đại hội Đảng bộ cấp huyện, hoàn thành trong tháng 8. Cuối cùng là Đại hội 67 Đảng bộ trực thuộc Trung ương, diễn ra vào trung tuần tháng 9 và tháng 10. Các Đảng bộ trực thuộc Trung ương đã bầu 3.330 người vào Ban Chấp hành khóa mới, trong đó 1.084 nhân sự tham gia lần đầu.

Kết quả bầu cử cũng ghi nhận nhiệm kỳ đầu tiên có số nữ Bí thư Tỉnh ủy nhiều nhất từ trước đến nay, 9 người, tăng 6 người so với nhiệm kỳ trước. Bí thư cấp ủy không phải người địa phương tăng mạnh với 27 người, đạt khoảng 42%, cao hơn nhiệm kỳ trước 23%. Bí thư cấp ủy có trình độ từ thạc sĩ trở lên là 51 người, đạt 78%, cao hơn nhiệm kỳ trước gần 14%.

Tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá: Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã thành công tốt đẹp, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra, để lại những dấu ấn nổi bật và những tình cảm tốt đẹp trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

2. Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN, Đại hội AIPA 41 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan

Năm 2020, Việt Nam đảm nhận thành công trọng trách là Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020 - 2021, Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA 41). Qua đó đã đóng góp tích cực, chủ động trong việc xây dựng, định hình các thể chế đa phương.

Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết thành lập Ngày Quốc tế Phòng, chống dịch bệnh vào ngày 27/12 hằng năm do Việt Nam chủ trì đề xuất. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thông điệp kêu gọi các quốc gia, tổ chức và cá nhân nhiệt liệt hưởng ứng và triển khai thực hiện hiệu quả nghị quyết này.

Trong năm 2020, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan; tổ chức thành công Đại hội AIPA 41.

Việc tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA 41 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã thể hiện ý chí, quyết tâm, sự linh hoạt và chủ động của Quốc hội Việt Nam nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị đối ngoại trong năm 2020. Với sự tham gia của gần 400 đại biểu từ các Nghị viện thành viên, Nghị viện quan sát viên, khách mời và đại biểu quốc tế, trong đó có 11 Chủ tịch Quốc hội, 14 Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại hội đồng AIPA 41 đã đạt kỷ lục về cấp tham dự.

3. Việt Nam kiểm soát thành công dịch Covid-19

Việt Nam được coi là điểm sáng trên thế giới trong công tác phòng, chống Covid-19

Ngày 23/1/2020, Việt Nam phát hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên.

Ngày 25/1/2020, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên toàn cầu áp dụng khai báo y tế bắt buộc với tất cả người nhập cảnh từ vùng dịch.

Sau gần 2 tháng áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, quyết liệt, đến cuối tháng 4, Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên công bố kiểm soát thành công dịch bệnh.

Đến nay, đã hơn 300 ngày qua, chúng ta vẫn duy trì được số mắc ở mức gần như thấp nhất thế giới với hơn 1.500 ca bệnh, phần lớn nhập cảnh từ nước ngoài và được cách ly ngay. Trong cuộc chiến ấy, Việt Nam đã làm nên kỳ tích, khi là quốc gia hiếm hoi trên thế giới duy trì được trạng thái “bình thường” trong bối cảnh cả thế giới đang phải căng mình đối phó với dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong số ít quốc gia thành công trong việc nghiên cứu chế tạo bộ kit chẩn đoán virus SARS-CoV-2.

Ngày 17/12/2020, Học viện Quân y đã tiêm thử nghiệm mũi vaccine Covid-19 Nano Covax đầu tiên cho những người tình nguyện. Đây là giai đoạn 1 của chương trình thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam, hứa hẹn một "vũ khí" chống dịch an toàn và hiệu quả.

4. Lần đầu tiên Quốc hội tổ chức kỳ họp qua hình thức trực tuyến

Kiểm tra tín hiệu từ Hội trường Diên Hồng đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố

Năm 2020 đánh dấu mốc đặc biệt trong lịch sử hoạt động của Quốc hội khi cả hai kỳ họp trong năm đều được tiến hành làm hai đợt, một đợt họp trực tuyến và một đợt họp tập trung.

Quốc hội Việt Nam trở thành một trong những nghị viện đầu tiên trên thế giới triển khai họp trực tuyến.

Việc Quốc hội tiên phong thực hiện họp trực tuyến không chỉ góp phần tích cực trong phòng, chống dịch Covid-19 mà còn là tiền đề để đổi mới phương thức làm việc trong thời đại 4.0 của Quốc hội nói riêng và các cơ quan, tổ chức khác nói chung. Chẳng hạn, các cuộc họp, học tập, hội thảo trực tuyến nở rộ ở các quy mô và cấp độ khác nhau; Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức họp trực tuyến lần đầu tiên trong lịch sử vào tháng 6/2020; Đại hội đồng liên Nghị viện ASEAN họp trực tuyến trong tháng 9/2020…

5. Việt Nam trở thành điểm sáng trong số các nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới

Tạp chí The Economist tháng 8/2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới

Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu kép: Vừa chống dịch, vừa phát triển, phục hồi kinh tế. Vì thế khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, nền kinh tế từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới đã giúp GDP năm 2020 của Việt Nam đạt mức tăng trưởng 2,91%, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong số các nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới.

Năm 2020 là năm thắng đậm của gạo Việt Nam cả về được mùa, được giá và xuất khẩu gạo liên tiếp vượt Thái Lan và Ấn Độ, soán ngôi số 1 thế giới về giá bán. Gạo ST25 được xếp hạng gạo ngon thứ nhì thế giới.

Việt Nam được coi là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và phục hồi kinh tế nhanh hình chữ V, với mức tăng trưởng dự báo từ hơn 6% tới 11,2% trong năm 2021.

6. Cả nước chung tay khắc phục hậu quả của thiên tai

Đồn Biên phòng Thanh, xã Thanh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị giúp dân khắc phục khó khăn do bão lũ số 5 gây ra

Năm 2020, xâm nhập mặn diễn ra nghiêm trọng nhất trong lịch sử ở đồng bằng Sông Cửu Long; và lũ lụt miền Trung được xem là đợt lũ lịch sử mới, với mức báo động IV, cấp bậc thiên tai nguy hiểm, rủi ro rất lớn.

Cùng với đó, sạt lở đất xảy ra trên diện rộng gây ra những hậu quả vô cùng thương tâm và chưa từng có trong lịch sử, như vụ sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3, trạm kiểm lâm 67 (Thừa Thiên Huế), sạt lở ở Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 (Quảng Trị), sạt lở ở Trà Leng (Quảng Nam).

Thiên tai năm qua đã làm 291 người chết, 64 người mất tích. Trong đó, số người chết vì sạt lở đất nhiều nhất 132 người, lũ 108 người. Thiệt hại về kinh tế ước tính hơn 35.000 tỷ đồng.

Cả Việt Nam lại cùng chung tay giúp nhau bước qua nghịch cảnh. Chính phủ vào cuộc quyết tâm, khắc phục hậu quả kịp thời, giúp ổn định tình hình, an dân, tái ổn định cuộc sống mới.

7. Việt Nam gặt hái nhiều thành công về kinh tế đối ngoại

Ngày 15/11/2020, RCEP chính thức được ký kết

Đặc biệt với dấu ấn đàm phán thành công Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU (EVFTA) sau 9 năm, khởi động quá trình loại bỏ gần 99% dòng thuế và rào cản thương mại trong vòng 10 năm tới, giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường 500 triệu dân, có quy mô GDP 18.000 tỷ USD. Đây được xem là hiệp định thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong năm 2020 và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví như "đường cao tốc" nối liền Việt Nam và châu Âu.

Việt Nam cũng ký kết thành công FTA Anh - Việt Nam. Khi FTA này được áp dụng, Việt Nam và Anh sẽ tiết kiệm lần lượt 3.420 tỷ đồng và 1.080 tỷ đồng mỗi năm tiền thuế xuất khẩu. Doanh nghiệp Việt cũng có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan... những nước không có triển vọng ký kết FTA với Anh trong nhiều năm tới.

Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP bao gồm 10 quốc gia ASEAN và 5 đối tác gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. RCEP có nhiều ý nghĩa, giúp Việt Nam tiếp cận thị trường quy mô lớn nhất thế giới khi chiếm 30% dân số thế giới, GDP xấp xỉ 26.200 tỷ USD, chiếm 30% GDP toàn cầu.

8. Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện một khung chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa

Bộ sách lớp 1 của NXB Giáo dục Việt Nam - 1 trong những bộ SGK được áp dụng trong năm học 2020 - 2021

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 năm học 2020 - 2021, Việt Nam, lần đầu tiên, có nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) khác nhau theo cùng một khung chương trình giáo dục phổ thông thống nhất, hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK và xóa bỏ sự độc quyền trong công tác xuất bản, phát hành SGK.

Tuy nhiên, vấn đề giá SGK cao, việc sử dụng, lựa chọn ngữ liệu trong một số cuốn sách mới chưa phù hợp đã gây nhiều băn khoăn trong dư luận. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp thu và điều chỉnh một số nội dung.

9. Lần đầu tiên học sinh cả nước phải nghỉ học trong vòng 3 tháng để ứng phó với dịch bệnh Covid-19

Dạy học trực tuyến đã tạo ra những tác động tích cực đến phương pháp dạy và học trong nhà trường

Cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam tổ chức dạy học trực tuyến trên quy mô toàn quốc. Với nhiều cố gắng của cả thầy cô và học sinh, hơn 79% học sinh Việt Nam được học trực tuyến, cao hơn tỷ lệ trung bình của các nước OECD (là 1 diễn đàn dành cho các thành viên, hiện là Chính phủ của 34 nước kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới).

Quá trình ứng phó với dịch bệnh đem đến cho ngành Giáo dục và các địa phương những kinh nghiệm quý giá, đồng thời mở ra những cơ hội mới cho giáo dục trong chuyển đổi số.

10. Giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 90% kế hoạch, tăng mạnh nhất trong 1 thập kỷ qua

Năm qua, ngành Giao thông đã đồng loạt triển khai nhiều dự án quan trọng quốc gia, trong đó nhiều đoạn của dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam phía Đông tuy mới được khởi công, nhưng tỷ lệ giải ngân tổng thể đã đạt gần 73%

Ngay từ đầu năm, vốn đầu tư công đã được Chính phủ xác định là nguồn lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quyết tâm từ cấp cao nhất đã được lan tỏa xuống cấp thực thi, tạo nên những kỉ lục trong thực hiện dự án đầu tư công.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến 30/11/2020 là 336.012,19 tỷ đồng, đạt 71,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (470.600 tỷ đồng). Đối với kế hoạch các năm trước kéo dài chuyển sang năm 2020 (91.827,06 tỷ đồng), lũy kế thanh toán đến 31/10/2020 đạt 60,94% kế hoạch; ước thanh toán 11 tháng đạt 67,11% kế hoạch. Như vậy, trong 11 tháng, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh, đạt 79,3% kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2020.

Hải Phong

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

(Thanh tra) - Từ 1/12/2024, tỉnh Bắc Ninh giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã, Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu, phải có phương án sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí và không để tham ô, tham nhũng, trục lợi cá nhân đối với trụ sở công, tài sản công dôi dư.

14:59 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm