Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thái Hải - N.Nhuần
Thứ ba, 12/01/2021 - 17:03
(Thanh tra) - Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Thanh tra ngày 12/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao những kết quả toàn diện đạt được của Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra trên các lĩnh vực công tác. Đồng thời đề nghị toàn ngành Thanh tra tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành và tố chức thực hiện nhiệm vụ để tạo được sự chuyển động mạnh mẽ và toàn diện hơn.
Thủ tướng yêu cầu ngành Thanh tra thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021. Ảnh: PV
Thanh tra đã góp phần quan trọng phòng ngừa tham nhũng, phát hiện và xử lý tham nhũng
Thủ tướng nhấn mạnh: Năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, trong khi hầu hết các nước trên thế giới rơi vào suy thoái, Việt Nam là một trong sổ ít các quốc gia duy trì được tăng trưởng dương.
“Chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, hạn chế tối đa thiệt hại về người và kinh tế. Dù trong muôn vàn khó khăn do dịch Covid-19 và sự suy thoái nghiêm trọng của kinh tế thế giới, kinh tế nước ta vẫn duy trì tăng trưởng dương xấp xỉ gần 3%, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong năm 2020.Trong thành công chung đó, có sự đóng góp quan trọng của ngành Thanh tra chúng ta”, Thủ tướng nói.
Chia sẻ với những khó khăn của ngành Thanh tra, Thủ tướng khẳng định, nhiệm vụ của ngành Thanh tra là rất khó khăn, nặng nề, nhưng ngành đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý tốt khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN); phát hiện, xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời các bất cập, thiếu sót trong hoạt động quản lý Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước để xây dựng, triển khai công tác thanh tra và đạt nhiều kết quả tích cực; hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp giao.
Thông qua hoạt động thanh tra, đã góp phần quan trọng cả trong phòng ngừa tham nhũng và trong phát hiện, xử lý tham nhũng. Kết quả đạt được tích cực với số tiền phát hiện vi phạm tăng 134%, số tiền kiến nghị thu hồi tăng 83,4%, tỷ lệ thu hồi về tiền tăng trên 5,7 lần số vụ việc và số đối tượng chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý tăng lần lượt là 56,9% và 92,1% so với cùng kỳ.
Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra, phát hiện sai phạm, kiến nghị xử lý nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có vụ rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, mang tính đột phá trong đấu tranh PCTN.
Ngành Thanh tra đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc tham mưu triển khai thực hiện chỉ thị của Đảng, Chính phủ, pháp luật về tiếp công dân KNTC; tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan hành chính các cấp nhiều chủ trương, giải pháp và tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo sát sao công tác giải quyết KNTC.
Công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC có những chuyển biến rõ nét, nhất là việc đôn đốc, thúc đẩy giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài. Tình hình KNTC có xu hướng giảm so với trước, nhiều vụ việc phức tạp được xử lý dứt điểm.
Thủ trưởng các cấp, các ngành đã tăng cường tiếp công dân, đối thoại để giải quyết các vụ việc. Việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết KN, quyết định xử lý TC đã có hiệu lực pháp luật được quan tâm chỉ đạo và đạt kểt quả cao hơn.
Năm 2020, công tác tiếp công dân, giải quyết KN được tập trung cao góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng của đất nước, nhất là phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
“Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã thực hiện tốt vai trò quản lý Nhà nước về PCTN, nhất là trong việc tham mưu và tô chức triển khai thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác này” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thể chế, chính sách về PCTN được hoàn thiện hơn với việc mở rộng phạm vi công khai, minh bạch, tăng cường thực hiện trách nhiệm giải trình, và kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN.
Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được đẩy mạnh thực hiện, rà soát, đánh giá, sửa đổi phù hợp hơn đã ngày càng phát huy hiệu quả phòng ngừa tham nhũng. Chú trọng công tác tự phát hiện tham nhũng thông qua công tác kiểm tra và nhất là qua hoạt động thanh tra, giải quyết KNTC (đã phát hiện và kiến nghị xử lý 454 vụ, 650 người có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng). Hiệu quả thu hồi tài sản có chuyển biến rõ rệt, trung bình đạt trên 73%, riêng năm 2019 đạt trên 98%.
“Năm 2020, ngành Thanh tra đã tập trung triển khai khá đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ công tác PCTN theo chỉ đạo của Trung ưong, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược Quốc gia PCTN đến năm 2020. Công tác thanh tra, kiểm tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được thực hiện nghiêm túc, kiến nghị xử lý nghiêm minh, đủng pháp luật. Việc công khai các kết luận kiểm tra, thanh tra đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tích cực tham gia sơ kết, tổng kết về công tác PCTN, qua đó, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới” Thủ tướng khẳng định.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp
Năm 2021 Chính phủ chủ trương tập trung chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, gắn với tăng cường công tác thanh tra, đẩy mạnh PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết KNTC.
Thủ tướng đề nghị ngành Thanh tra và các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành và tố chức thực hiện nhiệm vụ để tạo được sự chuyển động mạnh mẽ, tích cực và toàn diện hơn, tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra cần bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp để xây dựng kế hoạch thanh tra và triển khai các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và 5 năm (2021-2026).
Hai là, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả định hướng, kế hoạch thanh tra năm 2021 theo hướng bảo đảm trọng tâm, hiệu quả, tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều đơn thư KNTC. Lựa chọn thanh tra công vụ, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật ở những khâu, những hoạt động quản lý thường xuyên có sự tiếp xúc giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp; nhất là những khâu, những lĩnh vực đã xảy ra vi phạm hoặc có nhiều dư luận về những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; chú trọng thanh tra đột xuất. Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, nhất là nâng cao chất lượng kết luận thanh tra và hiệu quả thực hiện kết luận thanh tra.
Ba là, triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của Thanh tra Chính phủ về phối hợp tiếp công dân phục vụ Đại hội XIII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, không để phát sinh “điểm nóng”. Tăng cường đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về tiếp công dân, KNTC; giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng quy định vụ việc KNTC mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở, khiếu kiện đông người tại các cơ quan Trung ương; rà soát, giải quyết các vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài.
Bốn là, tiếp tục triển khai thi hành Luật PCTN, nhất là những quy định mới về kiểm soát tài sản, thu nhập, kiểm soát xung đột lợi ích, PCTN khu vực ngoài Nhà nước, thanh tra phát hiện, xử lý.
“Phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh; trong đó lấy phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài, phải hiện, xử lý là khâu đột phá, quan trọng” - Thủ tướng đề nghị.
Đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; kiên quyết xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá công tác PCTN đối với bộ, ngành Trung ương, làm cơ sở để thống nhất đánh giá đầy đủ, toàn diện công tác PCTN trên phạm vi cả nước; đề xuất ban hành chiến lược, chương trình, kế hoạch về PCTN cho giai đoạn tiếp theo.
Năm là, tập trung sửa đổi Luật Thanh tra 2010 theo hướng tiếp tục quán triệt và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, Luật PCTN năm 2018 và các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thanh tra; bảo đảm phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính Nhà nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Sáu là, xây dựng tổ chức, đơn vị thanh tra tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Củng cố, xây dựng lực lượng cán bộ thanh tra chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, có bản lĩnh, đi đầu trong công tác đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực, trước hết là sự gương mẫu, quyết tâm, quyết liệt của người đúng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan thanh tra các cấp. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thanh tra, nhất là cấp cơ sở; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ngành Thanh tra. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ xứng tầm, thu hút được nhiều cán bộ giỏi, có năng lực, trình độ chuyên môn. Quan tâm chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, người lao động ngành Thanh tra.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng rằng, với bề dày truyền thống tốt đẹp, phát huy những thành tích, kết quả đạt được trong những năm qua và sự nỗ lực, cố gắng, tận tụy của các đồng chí, trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, các cấp, các ngành vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng, giao phó” - Thủ tướng nói.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tỉnh Hậu Giang thực hiện sắp xếp đầu mối bên trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức để bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy, hoàn thành chậm nhất ngày 25/12/2024.
Thu Huyền
16:03 13/12/2024(Thanh tra) - Ngày 13/12, Ban Chỉ đạo của tỉnh Lạng Sơn về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết 18. Ông Hoàng Văn Nghiệm, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Chính Bình
15:56 13/12/2024Trung Hà
15:51 13/12/2024Hải Hà
15:12 13/12/2024Hương Giang
14:51 13/12/2024Chính Bình
21:26 12/12/2024Thanh Giang
P. B
Thu Huyền
Nguyễn Điểm
Nam Dũng
Trần Quý
Chính Bình
Trung Hà
Trần Quý
PV
Chu Tuấn