Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Luật An toàn thông tin: Băn khoăn tính khả thi

Thứ ba, 07/04/2015 - 06:47

(Thanh tra)- Lần đầu cho ý kiến Dự thảo Luật An toàn thông tin (ATTT) tại phiên họp thứ 37 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) hôm qua (6/4), nhiều ý kiến tán thành phải xây dựng luật để “chặn” thông tin mất an toàn, nhưng vẫn băn khoăn về tính khả thi, tính đồng bộ của dự thảo…

Khẳng định khối lượng công việc rất lớn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đề nghị UBTVQH tập trung trí tuệ, tâm lực để cho ý kiến tốt những nội dung tại phiên họp. Ảnh: Thảo Nguyên

Chống “mối đe dọa Internet” 

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, mạng Internet đang trở thành môi trường cho những mối đe dọa mới mà chúng ta phải tìm cách để vượt qua. Hơn nữa, tính hai mặt của công nghệ Internet đang là thách thức đối với việc thực thi luật pháp để điều chỉnh những hành vi lợi dụng mạng Internet nhằm truyền đưa, lưu trữ, phát tán thông tin sai trái, độc hại, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức…

“Hành lang pháp lý về ATTT còn thiếu, không đồng bộ và chưa theo kịp với hiện trạng phát triển của xã hội cũng như hội nhập quốc tế”, Bộ trưởng Son nói và cho rằng, cần xây dựng luật để chống nguy cơ mất ATTT, đảm bảo hiệu quả công tác thực thi quản lý Nhà nước cũng như tạo môi trường bình đẳng cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Đồng ý cần xây dựng luật, nhưng hầu hết ý kiến của các Ủy viên UBTVQH đều băn khoăn về tính khả thi, tính đồng bộ của dự thảo. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, phạm vi thông tin cần được pháp luật bảo đảm an toàn là rất rộng, không chỉ là thông tin được số hóa, được trao đổi thông qua các phương tiện điện tử hay mạng Intetnet. Trong khi đó, Dự thảo Luật chỉ tập trung quy định về bảo đảm ATTT trên mạng. 

“Đề nghị UBTVQH cho ý kiến đổi tên gọi của Dự thảo Luật thành Luật ATTT mạng hoặc Luật ATTT điện tử để bảo đảm thống nhất với phạm vi điều chỉnh. Bên canh đó, cần làm rõ mối quan hệ giữa ATTT với an ninh thông tin; giữa bảo đảm ATTT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với an ninh thông tin trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng”, ông Phan Xuân Dũng phát biểu ý kiến. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng thống nhất đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ, xem xét lại tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật.

Có bảo đảm ATTT cá nhân?

Bảo vệ thông tin dữ liệu cá nhân là một vấn đề phức tạp nhưng dự thảo chỉ quy định trong 5 điều luật. Nhiều ý kiến cho rằng, dung lượng và nội hàm còn nhiều hạn chế. Dự thảo cũng chưa chỉ ra được những hành vi bị nghiêm cấm trong việc thu thập, sử dụng thông tin cá nhân cũng như chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. “Cần nghiên cứu, bổ sung các quy định có tính khả thi hơn về bảo vệ thông tin cá nhân trên cơ sở Bộ luật Dân sự, kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc xây dựng luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân”, ông Phan Xuân Dũng nói. 

Trái quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, chỉ nên quy định ATTT trên mạng, còn việc đảm bảo ATTT cá nhân trên mạng cần phải cân nhắc. 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước thì đặt một loạt vấn đề liên quan đến mạng thông tin vẫn còn để trống: Nội hàm của an toàn, an ninh thông tin là gì? Dự thảo Luật đề cấp đến việc cấm các cơ quan cản trở trái pháp luật, vậy cản trở đúng pháp luật là cản trở như thế nào? Cơ quan, tổ chức nào có quyền cản trở và khi nào thì cản trở? Dự thảo Luật chưa đề cập đến vấn đề ai có quyền tự vệ khi bị tấn công? Các hành vi bị cấm?

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, luật phải rõ ràng, nhưng dự thảo vẫn còn một số điểm chưa rõ, như khái niệm “ATTT”, “thông tin an toàn”… “Tiếp cận thông tin là quyền nên cấm gì, luật phải ghi rõ nhưng phải phù hợp với Hiến pháp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị cần làm rõ hơn và nghiên cứu tính khả thi của luật phù hợp với tinh thần Hiến pháp 2013 và các luật liên quan.

Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về Dự thảo Luật Phí, lệ phí.

Cho ý kiến vào 9 dự án luật

Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 37, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Công việc của chúng ta rất nặng nề, các cơ quan Chính phủ, cơ quan Quốc hội và các tổ chức, ban, ngành liên quan nếu chuẩn bị tốt thì khi trình ra Quốc hội sẽ tốt. Và khi ban hành luật tốt, đưa vào cuộc sống phù hợp với tình hình của nước ta”.

Tại phiên họp này, UBTVQH sẽ xem xét, cho ý kiến vào 9 dự án luật như Luật ATTT; Luật Phí, lệ phí; Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)…

Ngoài ra, UBTVQH sẽ cho ý kiến tờ trình của Chính phủ về Đề án Thành lập thành phố Tam Điệp thuộc tỉnh Ninh Bình và thị xã Kỳ Anh thuộc tỉnh Hà Tĩnh; nghe Đoàn Giám sát báo cáo, TAND Tối cao báo cáo bổ sung (nếu có) về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật…

Phiên họp diễn ra từ ngày 6 đến 10/4.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm