Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Livestream bán hàng rất nhiều, cần quản lý để thu thuế

Hương Giang

Thứ hai, 10/06/2024 - 15:21

(Thanh tra) - Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thuế và thực hiện đồng bộ các giải pháp về hóa đơn điện tử, nhất là trong quản lý hoạt động thương mại điện tử…

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: N.Bắc

Sáng 10/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.

Chọn thanh tra, xử lý một số trường hợp trốn thuế

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc nhận định phát triển thương mại điện tử là một xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng 4.0.

Hiện thương mại điện tử của Việt Nam, theo đánh giá của Bộ Công Thương, là 20,5 tỷ USD và sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm 2025.

“Việt Nam được xác định là quốc gia có tăng trưởng về thương mại điện tử nhanh nhất khu vực Đông Nam Á”, ông Phớc nói, thực hiện Chỉ thị 18 của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh và chia sẻ dữ liệu thương mại điện tử, chống thất thu thuế.

Trong đó, Bộ Tài chính đã chia sẻ dữ liệu thuế, mã số thuế định danh theo căn cước công dân, đến 3/6/2024 đạt 97,57%. Bộ này cũng triển khai hóa đơn điện tử, máy khởi tạo tính tiền.

Ông Phớc cho hay, ngành thuế đang quản lý 123.759 người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử năm 2022 nộp thuế 83 nghìn tỷ đồng; năm 2023 97 nghìn tỷ đồng, 5 tháng đầu năm 2024 nộp thuế trên 50 nghìn tỷ đồng.

Còn 96 nhà cung cấp nước ngoài, lũy kế đến nay đã kê khai, nộp thuế trên 15,6 nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: N.Bắc

Nhiều giải pháp được Bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra để phát triển thương mại điện tử.

Bên cạnh rà roát hoàn thiện pháp luật, ông Phớc nhấn manh cần kết nối dữ liệu, liên thông đồng bộ giữa các bộ, ngành, đặc biệt dữ liệu dân cư, dữ liệu thương mại điện tử, dữ liệu thanh toán qua ngân hàng… để đối chiếu nhanh chóng yêu cầu kê khai nộp thuế, yêu cầu thanh tra kiểm tra.

Ông cũng đề nghị xây dựng Cổng Thông tin đăng ký kê khai thuế của sàn thương mại điện tử trong nước, đôn đốc kê khai, chọn thanh tra, xử lý một số trường hợp trốn thuế.

Ngoài ra, cần quản lý hoạt động thương mại điện tử qua mạng xã hội để thu thuế. Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, giờ người ta livestream bán hàng qua mạng xã hội rất nhiều. Chúng ta phát triển mạng xã hội cùng với việc đối chiếu với ngân hàng thì sẽ thu được nguồn thuế rất lớn.

Sẽ áp dụng hóa đơn điện tử với dịch vụ livestream

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, tới đây, Bộ Công Thương sẽ kết nối với Tổng cục Thuế chuyển dữ liệu của 48.348 thông tin website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng và 1.218 website/ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, ngay sau khi hoàn thành việc kết nối hệ thống của hai đơn vị trong tháng 6/2024.

“Công tác này vượt trước tiến độ 1,5 năm”, ông Tân nói.

Với tài khoản khác (tổ chức, doanh nghiệp, người nước ngoài), Bộ Công Thương sẽ thực hiện chuyển đổi sau khi có văn bản hướng dẫn của Bộ Công an.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân. Ảnh: N.Bắc

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong chia sẻ cơ sở dữ liệu, quản lý hoạt động thương mại điện tử; đặc biệt xem xét việc liên thông dữ liệu mã số thuế của doanh nghiệp, hỗ trợ định danh doanh nghiệp thương mại điện tử.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, bộ này sẽ nghiên cứu và triển khai các quy định mới về quản lý đăng ký kinh doanh đặc thù với thương mại điện tử, cũng như các mô hình kinh doanh trên nền tảng số.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ nghiên cứu, sửa đổi các quy định về phân ngành kinh doanh để quy định cụ thể các ngành, lĩnh vực thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ để đảm bảo tăng cường công tác quản lý Nhà nước.

Kết luận, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu xây dựng Chiến lược Phát triển thương mại điện tử nhằm quản lý, phát triển bền vững các nền tảng thương mại điện tử trong nước, xuyên biên giới.

Việc này để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm tính cạnh tranh và ngăn chặn có hiệu quả các hành vi bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng.

Bộ Tài chính được giao khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 123 quy định về áp dụng hóa đơn điện tử đối với các giao dịch thương mại điện tử, dịch vụ livestream, dịch vụ ăn uống...

“Chỉ bàn làm, không bàn lùi”

Nói chung về nhiệm vụ chuyển đổi số, theo Thủ tướng, đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng. Vì vậy, phải quan tâm, đầu tư về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, hoàn thiện thể chế, xây dựng hạ tầng, đào tạo nhân lực, tạo phong trào, xu thế để làm.

Thủ tướng quán triệt tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi" để đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử. Ảnh: N.Bắc

Ông yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng các cơ quan, chủ tịch UBND các địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, tự tin, đổi mới.

“Không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm”, phát huy quyết tâm “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là có kết quả cân đong đo đếm được”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau để xử lý dứt điểm các điểm nghẽn, tồn tại”, Thủ tướng quán triệt.

Về các nhiệm vụ cụ thể thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện thể chế phục vụ phát triển dữ liệu về dân cư, kết nối, chia sẻ dữ liệu nói riêng và chuyển đổi số quốc gia nói chung .

Các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, tích cực, sáng tạo theo thẩm quyền, không trông chờ, không ỷ lại, người đứng đầu Chính phủ quán triệt.

Tại hội nghị, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ: Công an, Tài chính, Công Thương, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông; Văn phòng Chính phủ.

Ông cũng yêu cầu đẩy mạnh đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân.

“Bảo đảm các điều kiện cần thiết để từ ngày 1/7/2024 chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử", Thủ tướng yêu cầu.

Về các kiến nghị, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, phân công các bộ, ngành xử lý theo thẩm quyền và có lộ trình hoàn thành phù hợp; nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

(Thanh tra) - Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị làm rõ khả năng thu thuế doanh nghiệp trên thực tế với các doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam cung cấp hàng hoá vào Việt Nam thông qua các giao dịch trên sàn thương mại điện tử, nền tảng số.

Hương Giang

10:49 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm