Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Linh hồn” của Luật Đầu tư vẫn…“rối”

Thứ ba, 09/09/2014 - 11:19

(Thanh tra) - “Ngoài Điều 4, 5, 6 quy định ở Luật Đầu tư (sửa đổi) thì không ai được quy định điều cấm nữa”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và lưu ý, dứt khoát phải làm cho được mới thông qua…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói rõ, quyền lớn nhất của con người là quyền dân chủ, trong quyền dân chủ lớn nhất là quyền tự do làm ăn. Ảnh: Thảo Nguyên

Sáng nay (9/9), Hội nghị Đại biểu (ĐB) Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).

Theo kết quả rà soát, hiện có 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại 391 văn bản pháp luật.

Nhiều ĐB Quốc hội cho rằng, cần tiến hành tập hợp, xây dựng danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trên nguyên tắc: rà soát, loại bỏ các quy định trùng lặp ngành, nghề cấm kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp; lĩnh vực cấm đầu tư theo Luật Đầu tư; hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo Luật Thương mại, từ đó hợp nhất để quy định các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh tại Luật đầu tư.

Cùng với đó, quy định rõ tiêu chí, nguyên tắc xác định danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, giao Chính phủ công bố sau khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

“Sau khi xem xét, cân nhắc đã thu hẹp lại còn 11 ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh như quy định tại Điều 4 của Dự thảo Luật và 326 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, quyền lớn nhất của con người là quyền dân chủ, trong quyền dân chủ lớn nhất là quyền tự do làm ăn. Luật Đầu tư (sửa đổi) ta phải cải cách thực sự theo đúng tinh thần của Hiến pháp “được tự do kinh doanh đối với những ngành nghề pháp luật không cấm”, “quyền kinh doanh chỉ hạn chế bởi luật”.

“Ngoài Điều 4, 5, 6 quy định ở Luật Đầu tư thì không ai được quy định điều cấm nữa”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và lưu ý, dứt khoát phải làm cho được mới thông qua, nếu không cẩn thận sẽ giống như Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói “hệ thống pháp luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới”. Hơn nữa, nếu không làm kỹ, không quản lý được thì sẽ buông lỏng, Quốc hội, Chính phủ buông lỏng còn “thanh tra, kiểm tra thì dựa vào đó làm ăn”.

ĐB Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) đặt vấn đề, Điều 4, 5, 6 vô cùng quan trọng, là “linh hồn” của luật này. Sau ra soát đã loại trừ được 40 ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh và 65 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, số lượng này rà soát đã hết chưa? Điều 4 Dự thảo quy định ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh nhưng lại thêm câu “trừ trường hợp được Nhà nước đặt hàng”. Thế nào là Nhà nước? Cơ quan nào là Nhà nước? Cấm “kinh doanh mại dâm” đã đúng chưa? Chúng ta đã công nhận đó là một nghề chưa? Đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quy định “chấp thuận khác của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền” là nhấp thuận như thế nào? Phải chăng sợ sót nên bắn một phát súng hoa cải như thế này?

“Nếu quy định như vậy theo tôi không nghiêm. Nếu có trường hợp “được Nhà nước đặt hàng” thì thiết kế riêng bằng một điều luật khác chứ không quy định trong điều cầm. Các quy định về ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cũng cần đặt vấn đề cụ thể”, ĐB Trần Ngọc Vinh đề xuất.

ĐB Hồ Trọng Ngũ (tỉnh Vĩnh Long) đề xuất, trong điều kiện hiện nay, nhân loại rất quan tâm đến vấn đề môi trường, con người nên cần phải quy định cấm cả “kinh doanh các hoạt động liên quan đến sinh sản vô tính trên động vật” và “kinh doanh các loại thực vật biến đổi gien”.

Ngoài ra, bày tỏ chưa hình dung ra được làm thế nào để “cấm kinh doanh văn hóa phẩm xâm phạm an ninh quốc gia, đạo đức xã hội” hay quy định cấm “kinh doanh hàng giả, các mặt hàng độc hại xâm hại đến tính mạng, sức khỏe con người trừ các mặt hàng thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện” có mâu thuẫn, ĐB Hồ Trọng Ngũ cho rằng, Điều 4 Dự thảo cần phải nghiên cứu, thiết kế lại.

Thống nhất ý kiến, ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nhận định, Điều 4 Dự thảo hết sức quan trọng nhưng khi nghiên cứu thấy rất băn khăn vì có những điểm trùng giữa luật này với các luật chuyên ngành khác như quy định cấm “mua, bán người và các bộ phận cơ thể người” Luật Hiến, cấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác đã quy định.

ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, Điều 4, 5, 6 quy định tại Dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) hay Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cần phải cân nhắc để bảo đảm 2 Dự thảo Luật đang được lấy ý kiến thảo luận không trùng lắp, thống nhất. 

Theo ĐB Trần Du Lịch, đã ngành nghề cấm thì không ai được làm, còn vẫn có doanh nghiệp Nhà nước được làm thì đó là có điều kiện cho nên Điều 4 cần rà soát lại. “Luật này quy định được hết các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thay thế các luật khác không? Theo tôi là bất khả thi vì các luật chuyên ngành khác đã quy định hết rồi. Vấn đề đặt ra là phải rà soát lại để quy định thống nhất”, ĐB Trần Du lịch bày tỏ.

Nhằm rà soát lại “ma trận” giấy phép kinh doanh, ĐB Trần Du Lịch đề xuất, cần rà soát lại các loại lĩnh vực ngành nghề theo ba loại: Thứ nhất là ngành nghề kinh doanh phải có giấy phép trước khi kinh doanh như ngân hàng, tài chính; thứ hai là cần giấy phép kinh doanh nhưng phải tiền kiểm như hàng ăn; loại thứ ba là được kinh doanh tự do nhưng phải có hậu kiểm. 

ĐB cũng chỉ ra nguyên nhân của môi trường đầu tư kinh doanh rối rắm hiện nay là do bộ máy hành chính không công tâm. “Nếu sửa luật mà không sửa người thì không làm gì được”, ĐB Trần Du Lịch nói.

Theo kế hoạch, Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ được thông qua tại kỳ họp 8, Quốc hội khóa XIII.

Điều 4, Dự thảo quy đinh: 

1. Các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh:

a. Kinh doanh vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng, trừ trường hợp được Nhà nước đặt hàng;

b. Kinh doanh các chất ma túy theo quy định tại Phụ lục 1 của Luật này trừ việc sử dụng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, điều tra tội phạm theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

c. Kinh doanh các loại hóa chất bảng 1 theo Công ước Quốc tế quy định tại Phụ lục 2 của Luật này;

d. Kinh doanh các loại pháo, trừ pháo tín hiệu, pháo hỏa thuật theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ;

đ. Kinh doanh mại dâm;

e. Mua, bán người và các bộ phận cơ thể người;

g. Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã, thuộc Phụ lục 1 công ước CITES và mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm nhóm I theo quy định tại Phụ lục 3 của Luật này;

h. Các hoạt động liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

i. Kinh doanh các loại động vật biến đổi gien;

k. Kinh doanh văn hóa phẩm xâm phạm an ninh quốc gia, đạo đức xã hội;

l. Kinh doanh hàng giả, các mặt hàng độc hại xâm hại đến tính mạng, sức khỏe con người trừ các mặt hàng thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

2. Các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh khác chưa được quy định tại Khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định tại các luật được ban hành sau khi Luật này có hiệu lực thi hành.

Điều 5, Dự thảo quy định: ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

1. Tiêu chí xác định ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện:

a) Có nguy cơ xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của con người;

b) Có nguy cơ xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội;

c) Có nguy cơ xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng;

d) Có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia;

đ) Có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường;

2. Điều kiện kinh doanh được thể hiện dưới các hình thức:

a) Giấy phép kinh doanh;

b) Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh;

c) Chứng chỉ hành nghề;

d) Chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp;

đ) Xác nhận vốn pháp định;

e) Chấp thuận khác của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

g) Các yêu cầu khác mà doanh nghiệp phải thực hiện hoặc phải có mới được quyền kinh doanh ngành, nghề đó mà không cần xác nhận, chấp thuận dưới bất kỳ hình thức nào của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

h) Các điều kiện chấp thuận thực hiện hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài gồm: Điều kiện về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, phạm vi hoạt động, hình thức đầu tư và các điều kiện khác theo Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

3. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chỉ được quy định tại luật, pháp lệnh, nghị định của Chính phủ và Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

4. Các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải cụ thể, minh bạch, công khai và không làm cản trở quyền tự do kinh doanh. Thông tin về ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được đăng tải trên Cổng Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

Điều 6. Công bố Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện 

1. Căn cứ quy định tại Điều 5 của Luật này và Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Chính phủ định kỳ công bố Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, sau khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp Chính phủ thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này. 

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm