Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Kinh tế - Xã hội của tỉnh Hòa Bình đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực trong năm 2022

PV

Thứ tư, 30/11/2022 - 13:02

(Thanh tra)- Tại Kỳ họp thứ 12 (Kỳ họp thường lệ cuối năm 2022), HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 (Ảnh: Internet)

Năm 2022, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực, đồng thời ứng phó, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh; vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế của các ngành, các cấp cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Theo báo cáo: Có 18/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, còn 01 chỉ tiêu không đạt kế hoạch (đó là: Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế chỉ đạt 90% trong khi đó kế hoạch đề ra là 92%); Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022: ước đạt 9,03%; GRDP bình quân đầu người đạt 66,7 triệu đồng; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 6.410 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.437 triệu USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt 33,42%; hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh, môi trường kinh doanh từng bước được cải thiện; trong năm có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã về đích nông thôn mới trên toàn tỉnh đến cuối năm 2022 đạt 71 xã, chiếm 55% tổng số xã, số tiêu chí nông thôn mới trung bình trên một xã đạt 16 tiêu chí.

Hoạt động văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế, truyền thông, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên đạt kết quả quan trọng. Chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân từng bước được cải thiện, công tác phòng, chống dịch bệnh được chú trọng. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm thực hiện, đời sống của Nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,5%, từ 15,49% năm 2021 xuống còn 12,99% vào năm 2022; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90%. Lao động, việc làm đạt nhiều kết quả tích cực. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được bảo đảm.

Mục tiêu chủ yếu năm 2023:

Về các chỉ tiêu kinh tế: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 9%; trong đó: nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,5%; công nghiệp – xây dựng tăng 12,16% (riêng công nghiệp tăng 13,03%); dịch vụ tăng 8,5%; thuế sản phẩm tăng 5%. GRDP bình quân đầu người 70,9 triệu đồng.Tổng đầu tư toàn xã hội 20.700 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 7.285 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu đạt 1.695 triệu USD; giá trị nhập khẩu đạt 1.229 triệu USD. Tỷ lệ đô thị hoá đạt trên 33,45%. Năng suất lao động đạt 116,9 triệu đồng/lao động.

Về các chỉ tiêu xã hội: Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều 2,5-3%. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội còn 53%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60,6% (trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24,5%). Tỷ lệ số trường đạt chuẩn quốc gia 60%. Số giường bệnh/1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã): 29 giường. Số bác sĩ/1 vạn dân: 9,47 bác sĩ. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 95,2%. Có thêm 6 xã về đích nông thôn mới, nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 59,6%; trung bình số tiêu chí nông thôn mới trên 1 xã đạt 16,2 tiêu chí.

Về các chỉ tiêu môi trường: Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 95,7%; dân số thành thị được sử dụng nước sạch 93%. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 88%. Tỷ lệ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để trong năm 2023 là 100%. Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 83,3% (5/6 khu công nghiệp). Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 51,5%.

Thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Internet

Tỉnh tập trung vào 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp:

(1) Tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ 4 đột phá chiến lược của tỉnh.

(2) Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

(3) Tổ chức, điều hành dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 linh hoạt, chủ động, chặt chẽ, đảm bảo đúng dự toán được giao theo quy định

(4) Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư.

(5) Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; tăng cường phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

(6) Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực: văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

(7) Phát triển khoa học và công nghệ.

(8) Thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo.

(9) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

(10) Bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm