Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kiểm soát tài sản: Không phân biệt cán bộ diện Bộ Chính trị quản lý

Thứ tư, 11/04/2018 - 15:35

(Thanh tra) - Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi có những quy định mới về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập...

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh: TN

Tiếp tục Phiên họp thứ 23, sáng 11/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến Dự án PCTN (sửa đổi). Một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau là thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập.

Đề xuất chuyên nghiệp cơ quan kiểm soát tài sản

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho hay, có những quy định mới về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập.

Thảo luận tại QH ở Kỳ họp thứ 4, nhiều ý kiến đại biểu (ĐB) QH đề nghị không quy định trách nhiệm của các cơ quan Đảng trong kiểm soát tài sản, thu nhập của đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, mọi trường hợp phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Cũng có ý kiến tán thành với quy định Đảng kiểm soát tài sản, thu nhập của một số đối tượng nhất định như Dự thảo Luật.

“Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng không tách riêng quy định về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng mà áp dụng các quy định của Luật PCTN như đối với cán bộ, công chức nói chung trong hệ thống chính trị”, Tổng Thanh tra cho hay.

Liên quan đến thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, Chính phủ chọn phương án 1: Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên ở tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Cơ quan thanh tra hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ nơi không có cơ quan thanh tra tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương, thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập đối với những người có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,9 công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình.

Lo ngại cơ quan thanh tra quá tải, tăng biên chế

Thẩm tra Dự án Luật, một số ý kiến tại Ủy ban Tư pháp (UBTP) đồng ý với đề xuất của Chính phủ.

“Phương án này sẽ tạo điều kiện để chuyên nghiệp hóa hệ thống cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập; giúp tập trung đầu tư cơ sở vật chất và công nghệ, tập trung nhân lực, vật lực cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách, có trình độ chuyên môn cao đáp ứng nhiệm vụ được giao”, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm UBTP cho hay.

Tuy nhiên, đa số ý kiến cơ quan thẩm tra lại chọn phương án 2. Theo đó, Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên công tác tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương; người có nghĩa vụ kê khai khác công tác tại các cơ quan này thì giao cho thanh tra hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ nơi không có cơ quan thanh tra của cơ quan, đơn vị đó, thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập.

TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng QH, Văn phòng Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai công tác tại ngành hoặc cơ quan, tổ chức này.

Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ QH kiểm soát tài sản, thu nhập của ĐBQH chuyên trách.

Quan điểm của ý kiến này là chọn phương án 2 vừa tăng cường hơn tính tập trung, vừa không gây xáo trộn lớn về tổ chức, hoạt động của các cơ quan, đơn vị hiện đang làm công tác này và bảo đảm tính khả thi.

“Nếu tập trung đầu mối kiểm soát tài sản, thu nhập cho hệ thống cơ quan thanh tra như phương án 1 sẽ dẫn đến quá tải với cơ quan này trong trường hợp không bổ sung thêm biên chế, bộ máy, ngược lại nếu bổ sung thêm biên chế, bộ máy thì lại không thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Đảng về tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức”, bà Nga nói.

“Cán bộ của ta không phải nghèo nhưng kê khai thì rất nghèo”

Nêu ý kiến về vấn đề này, theo Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc, không nên vì tiết kiệm biên chế mà không thành lập cơ quan chuyên kiểm tra tài sản, thu nhập.

Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: TN

“Cán bộ của ta không phải nghèo nhưng kê khai thì rất nghèo. Cho nên cần phải có cơ quan thẩm tra. Và cơ quan này nên độc lập tương đối thì mới khách quan được”, ông Phúc nói và cho rằng, còn việc giao cho cơ quan nào, thanh tra, tài chính hay Chính phủ thì tiếp tục bàn, nhưng vấn đề quan trọng là đã kê khai thì khi bầu, bổ nhiệm phải có thẩm tra.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định lại không đồng tình với cả 2 phương án.

“Cơ quan thanh tra thuộc hệ thống hành chính nhưng lại kiểm soát cả những anh không cùng hệ thống như QH, tòa án, viện kiểm sát, kiểm toán khiến hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập của cơ quan thanh tra gặp khó khăn. Thủ tục, trình tự xử lý vụ việc sẽ phức tạp, mất nhiều thời gian”, ông Định nêu.

Còn phương án 2, theo ông Định, không đồng bộ trong quy định của pháp luật. Vì cùng một chức danh, phụ cấp ngang nhau, có cán bộ do Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập, còn tòa, viện lại khác… nên rất nhiều đầu mối.

“Phương án 1 không ổn mà phương án 2 cũng không ổn”, ông Định kiến nghị, kết hợp quy định hiện hành với việc giao cơ quan thanh tra là đầu mối giúp Chính phủ thực hiện công tác quản lý Nhà nước về PCTN, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý tài sản, thu nhập.

“Có lẽ điều này là khả thi hơn, vừa kế thừa được các quy định lâu nay, đồng thời ràng buộc được trách nhiệm của người đứng đầu”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu.

Giải trình làm rõ thêm, theo Tổng Thanh tra, từ đánh giá tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN có rất nhiều tồn tại, hạn chế khi thực hiện quy định về kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập như năm 2017 chỉ xác minh được 78 trường hợp, phát hiện 5 trường hợp vi phạm.

“Tiếp thu ý kiến ĐBQH tại Kỳ họp thứ 4, chúng tôi đã có những điều chỉnh, tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Chúng tôi tiếp thu và sẽ có những giải trình, làm rõ thêm báo cáo đánh giá tác động để ĐBQH thảo luận cho ý kiến”, ông Lê Minh Khái nói

Kết luận vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Uỷ ban Thường vụ QH chưa “chốt” chọn phương án nào trình ra QH để thảo luận, cho ý kiến rộng rãi.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm