Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Kiểm soát quyền lực là mấu chốt để phòng chống tham nhũng, tiêu cực”

Hương Giang

Thứ ba, 24/12/2024 - 16:38

(Thanh tra) - Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm, nhưng vẫn diễn biến hết sức phức tạp với tính chất nghiêm trọng hơn, cả về số lượng tài sản tham nhũng và chức vụ, quyền hạn của người có hành vi tham nhũng.

Tham nhũng, tiêu cực làm suy giảm nghiêm trọng nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra rào cản rất lớn đối với quá trình đổi mới, phát triển đất nước.

Những năm qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất, quyết liệt của Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực “đã trở thành xu thế không thể đảo ngược”.

Theo Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong, với nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, đồng bộ, rõ rệt hơn, tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm. Ảnh: V.Điệp

“Công tác phòng, chống tham nhũng đã được triển khai mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc của Đảng lên trên hết; phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội”, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong phát biểu tại hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm việc thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, ngày 24/12.

Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông chia sẻ, “chủ trương gắn phòng chống tham nhũng với phòng chống tiêu cực, trọng tâm là phòng chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, và mới đây là chủ trương gắn phòng chống tham nhũng, tiêu cực với phòng chống lãng phí đã tạo bước chuyển mới về nhận thức, đưa công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ngày càng đi vào chiều sâu”.

Với nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, đồng bộ, rõ rệt hơn, tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm.

Kết quả nổi bật là cơ chế phòng ngừa tham nhũng từng bước hoàn thiện chặt chẽ. Nhất là, đã chú trọng rà soát, xây dựng, ban hành và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn; chuyển đổi vị trí công tác của công chức, viên chức. 

Báo cáo cho thấy, giai đoạn 2020-2024, đã chuyển đổi vị trí công tác với 235.271 công chức, viên chức để phòng ngừa tham nhũng. Trong thành tích chung, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho hay, toàn ngành Tài chính đã thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác với 52.406 lượt cán bộ, công chức, viên chức. 

“Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức được các đơn vị thực hiện theo quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, đúng quy trình”, ông Bình nói.

Thanh toán không dùng tiền mặt thời gian qua đã được đẩy mạnh. Ảnh minh họa

Thanh toán không dùng tiền mặt cũng là biện pháp giúp nâng cao tính minh bạch, tăng cường khả năng phát hiện tham nhũng. 

“Khác với thanh toán bằng tiền mặt, không để lại dấu vết, khi thanh toán không dùng tiền mặt được thực hiện qua hệ thống các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán sẽ được lưu vết thông qua các hồ sơ, các giao dịch điện tử. Do đó, các khoản thanh toán, chuyển tiền có dấu hiệu đáng ngờ đều có thể được theo dõi, kiểm tra, truy ngược lịch sử giao dịch trong thời gian dài”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh.

Theo ông Sơn, trong 5 năm, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp nhận khoảng 13.800 báo cáo giao dịch đáng ngờ. Căn cứ kết quả phân tích, cơ quan này đã có hơn 700 lượt văn bản chuyển giao, trao đổi thông tin liên quan đến gần 8.300 báo cáo giao dịch đáng ngờ vụ việc cho các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

Không chỉ góp phần tăng cường phát hiện tham nhũng, truy vết nguồn tiền, thanh toán không dùng tiền mặt còn có vai trò trong khắc phục hậu quả tham nhũng. 

Ông Sơn giải thích, tài sản của các tổ chức, cá nhân được lưu dưới dạng giá trị tiền tệ tại các tài khoản trong các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, nên có thể giúp tăng hiệu quả trong kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn - một trong các chủ thể của hành vi tham nhũng. 

Kết quả nổi bật nữa là công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt, có bước tiến mạnh, đột phá. Nhiều vụ việc, vụ án đặc biệt nghiêm trọng đã được thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử.

“Thời gian qua, tình hình tội phạm tham nhũng diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, thậm chí trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật; có sự đan xen giữa khu vực công và khu vực tư trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm ngày càng rõ nét”, ông Võ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) cho hay.

Từ thực tiễn công tác của lực lượng công an, theo ông Tùng, giai đoạn 2019-2024, tình hình tham nhũng có “những biến đổi” khi tội phạm tham nhũng có sự đan xen với tội phạm kinh tế, buôn lậu, có sự can thiệp của lãnh đạo địa phương trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện dự án hoặc khai thác tài nguyên trái pháp luật. Điển hình như vụ Công ty Trung Hậu 68, Tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn…

Số lượng vụ án về tham nhũng gia tăng, số người phạm tội là người có chức vụ, địa vi cao, thuộc diện Trung ương quản lý cũng gia tăng, kể cả đương chức hay đã nghỉ hưu. Các hành vi phạm tội về tham nhũng được quy định trong Bộ Luật Hình sự đều có vụ án được phát hiện, điều tra, nhất là tội phạm về hối lộ (nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ).

Ông Võ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu. Ảnh: P.Hiếu

“Nếu thời gian dài trước đây, rất ít vụ được phát hiện, xử lý thì giai đoạn này, số vụ án về các tội phạm này đã có sự gia tăng, trong đó có vụ án có số tiền hối lộ rất lớn, thủ đoạn tinh” ông Tùng dẫn chứng vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Phan Quốc Việt đã chi gần 800 tỷ đồng “lại quả” cho lãnh đạo nhiều cơ quan quản lý và cơ sở y tế trên phạm vi cả nước. 

Đáng chú ý, bên cạnh các đối tượng tham nhũng trong khu vực công, còn phát hiện tội phạm tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực tư với chủ thế là người ngoài khu vực Nhà nước. Điển hình là vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB đã khởi tố, xử lý Trương Mỹ Lan chủ doanh nghiệp tư nhân và tuyên án tử hình.

Nhìn nhận chung, Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông nói, Đảng đã có nhiều chủ trương, quan điểm, chỉ đạo mang tính tổng thể, xuyên suốt, là “kim chỉ nam” trong hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng trong xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực. 

Quá trình xử lý được tiến hành đồng bộ giữa xử lý kỷ luật của Đảng, với kỷ luật hành chính của Nhà nước, kỷ luật đoàn thể và xử lý hình sự. Kỷ luật của đảng thực hiện trước, mở đường, tạo tiền đề để xử lý hành chính, đoàn thể và xử lý hình sự. 

“Mọi cán bộ đảng viên công chức, viên chức sai phạm phải có hình thực xử lý kịp thời nghiêm minh và công khai, làm nghiêm từ trên xuống dưới không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai”, theo lời ông Đông.

Tình trạng tham nhũng hiện vẫn diễn biến hết sức phức tạp với tính chất nghiêm trọng hơn cả về số lượng tài sản tham nhũng và chức vụ, quyền hạn của người có hành vi tham nhũng.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần yêu cầu tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa sai phạm, tiêu cực; xử lý nghiêm các vi phạm với nguyên tắc “có sai phạm thì phải kết luận, xử lý", “không vùng cấm, không ngoại lệ”.

Đặc biệt, Tổng Bí thư quán triệt “phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế xã hội, không vì đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế - xã hội; phòng chống tham nhũng, tiêu cực gắn với phòng, chống lãng phí”.

Để phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đạt kết quả cao hơn, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư thì một trong những giải pháp mấu chốt là đẩy mạnh kiểm soát quyền lực.

Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông. Ảnh: V.Điệp

Phó Ban Nội chính Trung ương cho rằng, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực để bảo đảm quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, nhất là kiểm soát quyền lực đối với những cán bộ giữ các vị trí quan trọng, đối với các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính chất khép kín, dễ tham nhũng, tiêu cực.

“Không chỉ kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực từ bên ngoài, cần khuyến khích sự tham gia và phát huy vai trò to lớn của quần chúng nhân dân, các tổ chức xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng trong việc phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”.

Ông cũng nhấn mạnh phải đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ, bảo đảm “chọn đúng người, giao đúng việc”; chống tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, hình thành “nhóm lợi ích” trong việc bổ nhiệm, bố trí cán bộ. 

Song song là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhất là ở các địa phương. 

“Cần tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực và có nhiều khiếu nại, tố cáo kéo dài, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; tăng cường công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án, vụ việc về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Kịp thời chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, chức vụ cho cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật”, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương góp ý.

Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cũng lưu ý ngành Thanh tra tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

“Tăng cường phát hiện, xử lý tham nhũng qua thanh tra, nhất là kịp thời chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra”, Tổng Thanh tra quán triệt.

Ông đề nghị tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hiện nghiêm Luật Phòng chống tham nhũng, trong đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng.

“Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cần quan tâm kiện toàn tổ chức, bộ máy, bố trí lực lượng đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng”, theo lời Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong.

Kiểm soát tài sản, thu nhập đã được các bộ, ngành, địa phương, cơ quan tích cực thực hiện.

Trong 5 năm (giai đoạn 2020-2024), đã có 2.060.550 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ, tỷ lệ công khai đạt trên 98%; 37.106 người được xác minh tài sản, thu nhập. Có 147 người bị kỷ luật do vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Toàn cảnh hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm việc thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018

Song quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập trong thực tế triển khai có nhiều bất cập. Như Tổng Thanh tra nhận định, mẫu biểu kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn “rất khó hiểu”; rồi một số vấn đề chưa có quy định như tài sản hình thành trong tương lai…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn kiến nghị Thanh tra Chính phủ sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập. Đồng thời, sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát kiểm soát tài sản.

Chung mối quan tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải đề nghị quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

“Cần có quy định xác định cụ thể với từng hành vi kê khai không trung thực, giải trình không trung thực về tài sản, thu nhập tăng thêm; hành vi kê khai không đầy đủ, không rõ ràng”, ông Hải nói.

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị quy định trách nhiệm với cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm trễ phối hợp hoặc không phối hợp, gây khó khăn với cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong việc cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ xác minh tài sản, thu nhập.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm