Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng diễn ra ngày 24/12/2024, một hội nghị quan trọng được đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân cả nước quan tâm, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, “sau hơn 5 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Sự kiên quyết, kiên trì ấy đã khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, lan tỏa tới các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đoàn thể, cơ quan báo chí, truyền thông và trong mỗi cán bộ, đảng viên, được hưởng ứng rộng rãi trong Nhân dân.

Quyết tâm ấy thể hiện ở việc, ngay sau khi Luật Phòng, chống tham nhũng được thông qua ngày 20/11/2018 tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 21/01/2019 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật PCTN năm 2018.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Phiên họp thứ 26 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 14/8/2024. Ảnh: TTXVN  

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo), tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao quyết liệt triển khai, thực hiện nghiêm kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo và cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo; tích cực đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11/10/2023 về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030, trong đó đã cụ thể hóa các nhiệm vụ để thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng và Thông báo Kết luận số 12-TB/TW ngày 6/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Quyết tâm lớn còn thể hiện ở việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm quy chế làm việc nhằm chấn chỉnh, đấu tranh với tình trạng sợ trách nhiệm, sợ sai không dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời tăng cường trách nhiệm, phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của đất nước, của Nhân dân.

Có thể thấy, đó là quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Cùng với đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cơ bản có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, hoàn thành tốt nhiệm vụ, có ý thức phục vụ Nhân dân, được Nhân dân tin tưởng.

Báo cáo về 5 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, Phó Tổng Thanh tra Chính Phủ Lê Tiến Đạt nêu rõ: Luật đã kế thừa những ưu điểm Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 và Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, bổ sung các năm 2007 và 2012; tiếp thu, cụ thể hóa những nội dung mới của Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng thành pháp luật. Các quy định của Luật đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn, đáp ứng được những yêu cầu nhất định của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được thực hiện quyết liệt.

Công tác phòng, chống tham nhũng không những không “chững lại” hay “chùng xuống” mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh.

Việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị tiếp tục được tăng cường thực hiện trên các trang thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng của các bộ, ngành, địa phương về các thủ tục hành chính, các thông tin về dự toán ngân sách, mua sắm công, đầu tư xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...

Cùng với đó, công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, triển khai, theo dõi, kiểm tra giám sát tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính; góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, tích cực chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp...

Các cơ quan chức năng có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, trong đó đã thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ việc, vụ án đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm.

Đáng chú ý, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt, nghiêm minh, có bước tiến mạnh, đột phá; các cơ quan chức năng có nhiều nỗ lực, phối hợp ngày càng chặt chẽ, bài bản hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như: khắc phục tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian giám định, định giá tài sản; nhiều việc hoàn thành vượt kế hoạch đề ra; chủ động, tập trung xác minh, truy tìm và triển khai có hiệu quả các biện pháp để thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát, việc thu hồi đạt tỷ lệ cao. Các vụ án đưa ra xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, không có oan sai, không bỏ lọt tội phạm được dư luận và Nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Các cơ quan truyền thông, báo chí quan tâm, thường xuyên tập trung tuyên truyền, nhất là các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng và kết quả phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong giáo dục, nâng cao nhận thức đối với cán bộ, đảng viên và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết: “Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực”.

Tư lệnh ngành Thanh tra Việt Nam phân tích, đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: cần phải tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, bởi đây là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn hình thức, hiệu quả chưa cao; cải cách hành chính chuyển biến chưa mạnh mẽ, thủ tục hành chính còn rườm rà; tổ chức, bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, kém hiệu lực, hiệu quả cần phải tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18 của Trung ương.

Bức tranh 5 năm qua cho thấy, tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến hết sức phức tạp với tính chất nghiêm trọng hơn cả về số lượng tài sản tham nhũng và chức vụ, quyền hạn của người có hành vi tham nhũng; hiệu quả một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa cao; việc tự phát hiện tham nhũng của cơ quan, tổ chức, đơn vị còn thấp mà chủ yếu được phát hiện qua dư luận xã hội, đơn thư tố cáo, báo chí phản ánh hoặc khi có cơ quan chức năng thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra mới phát hiện sai phạm; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát vẫn còn thấp; giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn lớn; các quy định của pháp luật về xử lý người có hành vi tham nhũng còn chưa đủ mạnh, chưa đủ chế tài, sức răn đe nên chưa thực sự phát huy hiệu quả trong công tác phòng ngừa tham nhũng nói riêng, phòng, chống tham nhũng nói chung.

Nguyên nhân của những mặt hạn chế, tồn tại nêu trên được đúc rút qua 5 năm, chủ yếu là do một số chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa được thể chế hóa kịp thời thành pháp luật. Cơ chế, chính sách, pháp luật còn thiếu đồng bộ, chưa giải quyết triệt để một số vấn đề thực tiễn đặt ra; việc công khai, minh bạch trong một số lĩnh vực còn hạn chế, bất cập, thiếu thống nhất, chưa xóa bỏ triệt để cơ chế “xin, cho”, là điều kiện nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, xây dựng, quản lý vốn, tài sản của Nhà nước.

Một số quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa phù hợp, hạn chế, bất cập, như: quy định về kê khai tài sản, thu nhập chưa đầy đủ, quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập còn có nhiều cách hiểu, thực hiện chưa thống nhất và còn lúng túng.

Bên cạnh đó, có một số quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa phù hợp, hạn chế, bất cập, như: quy định về kê khai tài sản, thu nhập chưa đầy đủ, quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập còn có nhiều cách hiểu, thực hiện chưa thống nhất và còn lúng túng, gặp nhiều vướng mắc trong thực hiện, hiệu quả chưa cao; còn thiếu các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng và xử lý người có hành vi tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài...

Một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chưa phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội và Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng; việc giám sát của Nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể  chính trị - xã hội hiệu quả chưa cao...

8 bài học kinh nghiệm đã được rút ra từ việc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.

Bài học thứ nhất, để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có chuyển biến tích cực, đồng bộ, đạt hiệu quả cao, bên cạnh việc phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì phải gắn công tác này với phòng chống lãng phí; phải đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống lãng phí với nhiều giải pháp quyết liệt. Trong đó, phải thống nhất nhận thức, xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng vững mạnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.

Bài học thứ hai, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và lâu dài nên đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao và phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, mà trực tiếp thường xuyên là của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo với phương châm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Bài học thứ ba, gắn phòng chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tiếp tục đẩy học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, đạo đức cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; kết hợp với cải cách chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ để đội ngũ cán bộ, đảng viên không muốn, không cần tham nhũng, tiêu cực.

Nhiều tham luận tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng đã chỉ ra nhiều bài học kinh nghiệm.

Bài học thứ tư, kết hợp giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Trong đó xác định phòng ngừa là chính, cơ bản, có ý nghĩa lâu dài; phát hiện là cấp bách và xử lý nghiêm khắc là giải pháp hữu hiệu để trừng trị người có hành vi tham nhũng, tiêu cực, thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

Bài học thứ năm, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước và việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức nhằm kiểm soát quyền lực, hạn chế nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.

Bài học thứ sáu, nâng cao địa vị pháp lý của các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực; có cơ chế phù hợp để bảo đảm sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư của đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan này.

Bài học thứ bảy, tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong giám sát, phản biện xã hội; vai trò của báo chí trong việc phát hiện và tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bài học thứ tám, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trên thế giới để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam nhất là về công tác thu hồi tài sản tham nhũng và truy bắt người có hành vi tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài. 

Để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, phát biểu kết luận tại hội nghị ngày 24/12, Tổng Thanh tra đề nghị trong thời gian tới, các bộ, ban, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

Trong đó, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, phải thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, quán triệt và thực hiện đúng tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đó là vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Trong đó, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng còn bất cập, nhất là quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập; chuyển đổi vị trí công tác; xử lý tài sản tham nhũng...

Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, đảm bảo chặt chẽ, không để sơ hở, thiếu sót, để các đối tượng lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực; đồng thời giảm bớt các thủ tục gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Thời gian tới, cần tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng.

Một việc tiếp nữa cần làm ngay, đó là các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cần quan tâm kiện toàn tổ chức, bộ máy, bố trí lực lượng đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng.

Ngành Thanh tra tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tăng cường phát hiện, xử lý tham nhũng qua thanh tra, nhất là kịp thời chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra.

Tiếp đó, phát huy vai trò của xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc về công tác phòng, chống tham nhũng.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế gắn với việc thực hiện, thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng để tiếp thu kinh nghiệm và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Xuất bản 24/12/2024 - 15:06 Ngọc Bích - Đình Tuệ

Tin cùng chuyên mục

Bức tranh 5 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng

Bức tranh 5 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng

(Thanh tra) - Trong bức tranh 5 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng nổi bật lên quyết tâm lớn, bước tiến mạnh, những bài học kinh nghiệm quý và những việc cần làm ngay trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng

Ngọc Bích - Đình Tuệ

15:06 24/12/2024
Toàn cảnh Ngày Quốc tế chống tham nhũng 2024

Toàn cảnh Ngày Quốc tế chống tham nhũng 2024

(Thanh tra) - Ngày Quốc tế chống tham nhũng năm nay là lời nhắc nhở rằng, tham nhũng làm suy yếu tiềm năng của thế hệ thanh niên hùng hậu nhất trong lịch sử, với 1,9 tỷ người (chiếm gần 1/4 dân số thế giới), trong đó 90% sống ở các nước đang phát triển.

Bích Tuệ

15:10 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm