GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ, chúng ta thực hiện cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy để đất nước bứt phá.
“Chúng ta phải tăng tốc, bởi hạn quyết định các chiến lược cho chu kỳ 5 năm tiếp theo là Đại hội XIV của Đảng. Lúc này, phải hành động cương quyết như tinh thần lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói chỉ bàn làm, không bàn lùi”, GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
+ 2025 được xác định là năm “tăng tốc, bứt phá, về đích”, ông hình dung thế nào về năm có ý nghĩa đặc biệt này?
Việt Nam đang là nước trên đà phát triển rất mạnh, thế giới đánh giá rất cao, các nhà đầu tư nước ngoài rất kỳ vọng. Nếu nền kinh tế chững lại, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội.
2025 là năm bản lề để bước vào kỷ nguyên mới, năm có khối lượng công việc vô cùng lớn. Chúng ta phải tăng tốc để hoàn thành kế hoạch 5 năm (2021-2025), tạo đà cho kế hoạch tương lai.
Để làm được việc đó, 2025 là một năm thách thức với mỗi người cán bộ trong bộ máy. Họ có thể vừa phải thay đổi vị trí công việc, vừa phải đáp ứng yêu cầu quản lý. Nếu không đạt được cả 2 yêu cầu, họ sẽ “bay” khỏi bộ máy.
+ Có ý kiến lo lắng sẽ có những xáo trộn, trở ngại cho đầu tư khi thực hiện tinh gọn bộ máy trong năm quan trọng này?
Chúng ta cải cách thể chế để tháo gỡ các “nút thắt” pháp lý, tạo khuôn khổ, cơ chế tốt hơn. Sắp sắp, xếp tinh gọn bộ máy để cắt bỏ những khâu chồng chéo, tầng nấc trung gian. Cho nên, không thể nói tinh gọn bộ máy cản trở hoạt động đầu tư.
Có chăng, quá trình cải cách có thể gây một số xáo trộn ở một số khâu quản lý trong lĩnh vực công của Nhà nước. Ví dụ, dự án đầu tư công “mới tinh” giai đoạn đầu có thể chưa phân định rõ ai là người chịu trách nhiệm mà thôi. Còn các dự án lớn như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam có sẵn rồi, dù thay đổi bộ máy thế nào chăng nữa thì vẫn chạy.
Chúng ta sắp xếp xong, bộ máy mới tốt hơn, môi trường đầu tư kinh doanh sẽ tốt hơn. Vì trước dự án đó có thể 3 - 4 đầu mối quản lý thì giờ chỉ 1 đầu mối, thủ tục giải quyết cũng nhanh hơn.
+ Cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng vào những cải cách thể chế, nhưng cũng có nghi ngờ các quy định gỡ vướng mãi nằm trên giấy, thưa ông?
Những vướng mắc của thể chế đã và sẽ tiếp tục được tháo gỡ. Tại Kỳ họp 8 vừa qua, Quốc hội đã xem xét thông qua loạt dự án luật, nghị quyết với tinh thần rất khẩn trương, không chờ, không dừng, cái gì cuộc sống cần là quyết ngay. Các dự án đầu tư đang bị “ách” do vướng mắc pháp lý cũng đã được gỡ rồi.
Tới đây, nếu tất cả dự án đầu tư đang “đóng băng” được tháo gỡ để triển khai, thì đó là thước đo, bằng chứng rõ nhất để doanh nghiệp thấy cải cách mang lại môi trường đầu tư thuận lợi.
Khi những vướng mắc về pháp lý được tháo gỡ, chắc chắn các địa phương sẽ phải hành động, không thể đổ lỗi cho thể chế để trì hoãn giải quyết nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là các dự án.
+ Trở lại câu chuyện tăng trưởng, Quốc hội “chốt” năm 2025 tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%. Thủ tướng yêu cầu phấn đấu cao hơn, khoảng 8%. Liệu chúng ta có đạt?
Khi thực hiện những cải cách quyết liệt, chúng ta kỳ vọng sẽ tạo ra những thành quả đột phá. Bản thân những cơ quan, cán bộ được giao nhiệm vụ phải thể hiện hết mình, nên thành quả năm nay sẽ cao hơn năm trước.
Tăng trưởng vẫn tiếp nối đà tăng trưởng tốt của năm 2024. Trong năm 2025, một loạt dự án đầu tư công sẽ về đích, đóng góp vào tăng trưởng tốt. Thêm nữa, trong không khí đổi mới về thể chế, cơ quan Nhà nước từ cơ chế “quản” chuyển sang cơ chế phục vụ, môi trường kinh doanh, đầu tư sẽ tốt hơn.
Tôi cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 8% đạt được hay không không quan trọng lắm. Quan trọng là phải tiếp tục cải cách thể chế, hoàn thành tinh gọn bộ máy và các nhiệm vụ đặt ra của giai đoạn 2021-2025. Bởi đây là tiền đề, nền tảng vững chắc để xây dựng chiến lược, định hướng, kế hoạch hành động cho giai đoạn 2026 - 2030 bứt phá.
2025 cũng là năm tạo ra những tiền đề khơi dậy sự vững mạnh của các tập đoàn trong nước. Bởi, tăng trưởng nếu dựa vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), làm ra 10 đồng thì 7 đồng mang tăng trưởng cho nước khác, Việt Nam chỉ được hưởng 3 đồng.
Cho nên, đây thời kỳ đặt nền tảng để tạo ra sự thay đổi căn bản, tạo nên sức mạnh của nền kinh tế, để Việt Nam tăng trưởng vượt bậc.
+ Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phải chăng phải đạt tăng trưởng 2 con số?
Trên thế giới, hầu hết các cái nước được gọi là con rồng Châu Á khi vươn mình đều phải chuyển hướng phát triển nền kinh tế dựa vào khoa học công nghệ (KHCN), tạo giá trị sáng tạo cao và bao giờ cũng có giai đoạn tăng trưởng 2 con số.
Với Việt Nam, nếu nền kinh tế vẫn dựa vào gia công, lắp giáp là chính sẽ không bao giờ tạo ra tăng trưởng vượt bậc. Cho nên, chúng ta cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy để đón cơ hội mới, tiềm năng mới, để Việt Nam chuyển sang nền kinh tế dựa vào tri thức, KHCN.
Khi Việt Nam đi vào những ngành, lĩnh vực trụ cột là đổi mới, sáng tạo, khoa học, công nghệ sẽ tạo ra giá trị gia tăng mới và hưởng toàn bộ giá trị ấy thì mới phát triển đột phá. Sự phát triển đột phá này bao giờ cũng đạt tăng trưởng 2 con số.
+ Ông vừa đề cập đến việc khơi dậy sự vững mạnh của các tập đoàn trong nước. Theo ông, các tập đoàn tư nhân cần điều gì để lớn hơn?
Các tập đoàn tư nhân cần nhiều yếu tố, trong đó có hai yếu tố cốt lõi. Đầu tiên, là phải có thị trường đủ lớn, ổn định, nhất quán được tạo lập bởi Nhà nước.
Ví dụ, ngành công nghiệp đường sắt, Chính phủ cam kết dành thị phần sản xuất đường ray, bê tông… cho một số tập đoàn lớn trong nước với cơ chế, tiêu chuẩn rõ ràng. Khi thị phần đủ lớn, họ mới đầu tư máy móc, công nghệ.
Chúng ta ưu ái cho 2-3 tập đoàn lớn để họ bỏ tiền ra đầu tư, bán sản phẩm thu tiền. Vậy Nhà nước được gì? Chúng ta có công cụ thuế. Họ đầu tư, bán có lãi thì phải nộp thuế, đóng góp cho Nhà nước.
Thứ hai, các tập đoàn đầu tư như thế có được bảo vệ không? Hay đầu tư xong chỉ sơ xuất một chút là bị xử lý, thậm chí xử cả hình sự. Cho nên, họ muốn được bảo vệ sản phẩm, thương hiệu, nhãn hiệu, tài sản…
Sứ mệnh của doanh nhân là kiếm tiền và kiếm thật nhiều tiền. Họ kiếm tiền không phải bỏ túi, mà còn tạo công ăn việc làm và đầu tư vào xã hội. Cho nên, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế phải thấm vào trong các quan hệ đối xử với doanh nhân.
Giải quyết tốt hai yếu tố trên sẽ giúp cho doanh nhân toàn tâm, toàn ý làm ăn, tạo ra giá trị cao. Tất nhiên, nếu họ kinh doanh gian dối, cố tình vi phạm pháp luật thì phải “thổi còi” ngăn chặn bằng các công cụ quản lý.
+ Ở thời điểm quan trọng này, nhìn lại bức tranh kinh tế năm 2024, theo ông, đâu là yếu tố quyết định thành công?
Năm 2024 để lại cho tôi nhiều cảm xúc. Những tháng đầu năm 2024, đất nước có rất nhiều khó khăn, thách thức. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy, các trung tâm mua bán, các cửa hàng phải đóng cửa rất nhiều. Doanh nghiệp thì sản xuất luân phiên…
Thời điểm đó, Chính phủ đã ra quyết định sáng suốt, thể hiện sự táo bạo khi đặt mục tiêu số 1 là ưu tiên tăng trưởng, bên cạnh giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, đã có rất nhiều biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, như tiếp tục kéo dài giảm thuế VAT để thúc đẩy tiêu dùng, giảm lãi suất ngân hàng để thúc đẩy đầu tư.
Chúng ta cũng tiếp tục thực hiện các chính sách giãn, hoãn thuế… để tạo những điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phục hồi. Nhờ chuẩn bị tốt, nên khi kinh tế thế giới phục hồi, đơn hàng ồ ạt, doanh nghiệp Việt đã chớp được thời cơ, không bị động.
Với hướng đi đúng đắn ngay từ đầu, nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng đi lên khá đều. Kinh tế phục hồi tốt lại tạo ra môi trường thu hút đầu tư. Việt Nam đã đón được nhiều nhà đầu tư mới.
Có thể nói, sự quyết tâm, chủ động, ý chí chính trị từ các nhà lãnh đạo cho đến sự đồng hành của cả xã hội, người dân, doanh nghiệp đã tạo nên sức mạnh cho năm 2024 thành công.
+ Xin trân trọng cảm ơn ông!
Gỡ điểm nghẽn cơ chế tài chính để KHCN phát triển
Năm 2024, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đánh giá chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam xếp thứ 44/133 quốc gia và xếp thứ 2 trong số các quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
“Điều đó cho thấy tiềm năng trí tuệ của đội ngũ cán bộ khoa học Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên công nghệ số - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - nếu chúng ta khơi dậy được khát vọng của họ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ trong hoạt động nghiên cứu, tin tưởng họ và trao cho họ quyền tự chủ cao nhất để đổi mới sáng tạo thành công”, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Nguyễn Quân nhìn nhận.
Theo ông Quân, không có quốc gia nào trên thế giới phát triển đột phá mà không dựa vào KHCN. Ở nước ta, KHCN được xác định là quốc sách hàng đầu. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều trở ngại khiến KHCN phát triển rất chậm so với mong muốn, trong đó, điểm nghẽn lớn nhất của KHCN là cơ chế tài chính.
Do đó, ông cho rằng, rất cần tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế tài chính, phương thức đầu tư, cũng như chế độ chính sách cho cán bộ, nhà khoa học để KHCN phát triển, thực sự là quốc sách, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
“Giải phóng sức sản xuất và khơi thông nguồn lực”
“Để đất nước vươn mình, vượt qua các khó khăn, thách thức, đạt được các mục tiêu đã đặt ra và vững tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên tiên tiến, văn minh, hiện đại, cần có những giải pháp mang tính đột phá, giải phóng sức sản xuất và khơi thông nguồn lực, nhất là tạo sự đột phá trong quản lý và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế”, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Theo ông, cần hoàn thiện thể chế quản lý và sử dụng các nguồn lực phù hợp với thể chế phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là các thể chế tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, nhất là nguồn lực đất đai; các thể chế mở đường cho các mô hình sản xuất và kinh doanh mới.
“Cần có các cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội đối với quản lý và sử dụng các nguồn lực như nguồn lực số, nguồn lực khoa học - công nghệ, nguồn lực văn hóa, lịch sử, truyền thống, nguồn lực thương hiệu quốc gia, doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam”, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương góp ý.
“Khơi dậy mọi tiềm năng, sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam”
Ủy viên Trung ương Đảng Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh việc phát huy sức mạnh của Nhân dân, khối đại đoàn kết dân trong trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách về phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới; phát huy vai trò của các giai tầng xã hội; khơi dậy mọi tiềm năng, sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
“Cần xây dựng cơ chế, chính sách để phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực và sức sáng tạo của Nhân dân; phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; về đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước”, ông Thắng nêu.