Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Không làm gì cũng chết, nhưng đầu tư bừa bãi còn nguy hiểm hơn”

Thứ tư, 24/10/2018 - 15:09

(Thanh tra) - Trong vấn đề nợ công, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nếu đi vay tràn lan để đầu tư phát triển sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ nên làm gì cũng phải đúng mức, hiệu quả…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Thảo luận tại tổ sáng 24/10 về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) nhìn nhận, “bức tranh nền kinh tế đã sáng sủa”, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế đã cao hơn so với trước. Song vẫn còn những khó khăn, tồn tại, hạn chế, “chưa thực sự an tâm”.

Hoan nghênh các phát biểu về các biện pháp tài chính ngân sách, đặc biệt là việc sử dụng tiền hiệu quả hơn để chống lãng phí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, “đừng mặc áo quá đầu”, phải “liệu cơm gắp mắm” để giữ cân đối.

Trong vấn đề nợ công, theo Thủ tướng, nếu đi vay tràn lan để đầu tư phát triển sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ nên làm gì cũng phải đúng mức, hiệu quả. “Tất nhiên, nếu dừng lại, không làm gì cũng chết, nhưng đầu tư bừa bãi còn nguy hiểm hơn”, Thủ tướng nói.

“Dân tộc Việt Nam 100 triệu dân phải làm sao chung một ý chí quyết tâm thì sẽ có chuyển biến rất mạnh mẽ. Nếu phát động được quần chúng, giám sát, thúc đẩy thì nhiều việc tốt sẽ được làm mà không tốn kém tiền bạc”, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ lắng nghe tiếp thu để chất lượng công việc năm 2019 tốt hơn.

Lo ngại ngân sách vượt thu nhưng không bền vững

Theo ĐB Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ), trong 3 năm qua, Chính phủ đã có những nỗ lực rất lớn nên tốc độ tăng thu ngân sách của nước ta vượt quá tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Song, theo ĐB vẫn còn một số vấn đề cần nhìn lại. “3 năm đều vượt thu từ đất, xổ số, tài nguyên. Còn 3 khoản quan trọng nhất là thu từ doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), FDI và cổ phần hoá quốc doanh thì đều hụt thu. Chúng ta thu đáp ứng nhu cầu chi nhưng nguồn thu không cân đối một cách bền vững”, ông Hàm nêu.

Tỷ lệ thu ngân sách Trung ương cũng đang bị giảm so với giai đoạn trước. Theo ĐB Hàm, điều này sẽ khiến chúng ta không làm được các công trình quan trọng quốc gia.

Một vấn đề nữa, được vị ĐB này lưu ý là trong 3 năm gần đây, chúng ta đang giao phần nội địa quá cao cho các địa phương như 2017 có 33 địa phương hụt thu. Sau khi có yêu cầu dùng các nguồn để bù đắp thì rất nhiều tỉnh đã bán đất. Trong khi nguồn tài nguyên này có giới hạn.

Về nợ công, ông Hàm nêu, chúng ta đã thành công lớn khi đã cơ cấu lại nợ, giảm được khoản trả nợ trong ngắn hạn.

Theo ông, vay mới trả nợ cũ có ưu điểm là lãi suất thấp hơn giai đoạn trước, nhưng quy mô nợ rất lớn, và ngân sách Trung ương vẫn không có thặng dư để trả nợ nên có thể kéo dài nhiều năm nữa.

Các ĐBQH thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước

“Từ này đến 2021, mỗi năm ta có thể mất 400 nghìn tỷ để trả nợ lãi và gốc, tương đương với chi đầu tư của ta”, ông Hàm nói và nhất trí với chủ trương vay để phát triển.

Ông kiến nghị, ngoài việc siết chặt quản lý nợ thì đầu tư từ các nguồn vay phải làm sao tạo được sự tăng trưởng, có tính liên kết vùng, tốt nhất là công trình có khả năng thu hồi vốn.

Chính phủ cũng cần nhìn lại việc cho vay lại và bảo lãnh vì hiện nay nợ quốc gia sắp chạm trần rồi. Nếu vượt trần này thì mức tín nhiệm của Việt Nam sẽ khác, các doanh nghiệp không trả được nợ sẽ ảnh hưởng đến uy tín quốc gia.

Lường trước rủi ro, kiểm soát chặt nợ Chính phủ

Một số ĐBQH còn bày tỏ lo lắng khi nợ quốc gia tăng, nợ công tăng cao hơn GDP. Đồng ý nhận định này là chính xác, nhưng theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh), 3 năm qua, Chính phủ đã nỗ lực để giảm mức tăng của nợ công.

Ông dẫn chứng, từ năm 2015 trở về trước, GDP bình quân tăng 6%, nợ công tăng gấp 3 lần ở mức 18%. Hiện nay, nợ công vẫn tăng nhưng chỉ còn tăng khoảng 8% so với tăng GDP là 6,7%.

Về nợ công quốc gia, theo Phó Thủ tướng, cơ cấu nợ này gồm nợ Chính phủ và các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước.

“Vừa qua, có việc doanh nghiệp của Thái Lan ThaiBev mua lại cổ phần Nhà nước ở Sabeco có giá trị khoảng 5 tỷ USD nhưng pháp nhân là doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam nên ngoài vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp này phải đi vay để huy động số tiền lớn để được chi phối ở Sabeco. Nợ này được tính vào nợ quốc gia nhưng Chính phủ không có nghĩa vụ phải trả nợ”, ông Huệ nêu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Tương tự là trường hợp của Vingroup khi vay nợ trên thị trường tài chính quốc tế để xây dựng Hãng Ô tô Vinfast.

“Các doanh nghiệp tư nhân phải trả khoản này. Khi bán được ô tô, họ sẽ có dòng tiền để trả nợ và nợ này sẽ giảm. Việc này có rủi ro là tỷ giá và lãi suất USD có tăng lên nhưng Chính phủ đã lường trước để kiểm soát việc này. Hiện nay, nợ Chính phủ giảm mạnh còn nợ của khối tư nhân thì tăng lên”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cho biết, năm 2017, Chính phủ không bảo lãnh cho doanh nghiệp nào. Năm 2018, Chính phủ chỉ bảo lãnh cho 2 dự án quan trọng của ngành điện. Còn năm 2019, thì hạn mức bảo lãnh cũng rất thấp nhằm bảo đảm an toàn nợ công.

Sẽ trình bù hụt thu ngân sách Trung ương 5.600 tỷ đồng

Về thu ngân sách Nhà nước, theo Phó Thủ tướng, dự kiến cả năm nay sẽ vượt 5% dự toán, thay vì là vượt 3% như chỉ tiêu ban đầu. Việc thu ngân sách ở 3 khu vực không đạt như bảo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính -  Ngân sách là do đặt ra dự toán quá cao.

Lãnh đạo Chính phủ cho hay, có 16 tỉnh, TP có ngân sách điều tiết về Trung ương đều được giao tăng thu 18% so với năm trước. Riêng TP Hồ Chí Minh và Hà Nội được giao thu cao hơn 24%.

“Năm nay, Chính phủ sẽ không giao cao như vậy nữa, bình quân 16 tỉnh chỉ giao tăng thu ngân sách tăng trung bình 12% thôi. Ngoài ra trong năm nay, Chính phủ sẽ trình tiếp với Quốc hội bố trí 5.600 tỷ đồng để bù hụt thu ngân sách Trung ương và cấp 2.800 tỷ đồng để bù thiếu hụt cân đối ngân sách cho địa phương”, ông Huệ nhấn mạnh.

Lý giải chỉ tiêu thu ngân sách đối với DNNN giảm nhanh, theo Phó Thủ tướng là do, các DNNN đã cổ phần hoá thì được xác định là thành phần kinh tế ngoài nhà nước dù vốn Nhà nước vẫn chi phối.

Cho nên, năm 2019, Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội chỉnh sửa khái niệm DNNN theo hướng doanh nghiệp có trên 50% vốn Nhà nước là DNNN thì số thu ngân sách từ DNNN sẽ tăng lên.

“Một mặt Chính phủ sẽ tính toán lại dự toán thu, mặt khác phải triển khai quyết liệt hơn chống thất thu, nhất là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh”, ông Vương Đình Huệ chốt lại vấn đề liên quan đến ngân sách Nhà nước.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm