Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không hình sự pháp nhân tội rửa tiền, Việt Nam có thể vào “danh sách đen”

Thứ ba, 21/02/2017 - 06:30

(Thanh tra)- Có nên mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội tài trợ khủng bố, tội rửa tiền; làm thế nào để xử nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (ATTP)… Đó là những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 được đặt ra tại phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/2.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các vấn đề còn ý kiến khác nhau cần tiếp tục thảo luận kỹ… với tinh thần không chủ quan, không vội vàng. Ảnh: TN

Đề xuất thêm 2 tội xử pháp nhân

Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga cho biết, việc chỉ quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đã được Quốc hội khóa XII thảo luận kỹ và xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền trước khi quyết định.

“Có ý kiến đề nghị mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và Tội rửa tiền (Điều 324)”, bà Nga nói.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nếu không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 2 tội danh trên có thể dẫn đến gây bất lợi cho Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế. Vì vậy, Thường trực UBTP đã đề nghị Chính phủ có quan điểm chính thức về vấn đề này.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, chúng ta đã tham gia nhiều công ước quốc tế quy định về pháp nhân. Trên thế giới, nếu ngân hàng Việt Nam tham gia vào việc chuyển tiền của các tổ chức khủng bố hoặc tham gia việc rửa tiền sẽ phải đối mặt với việc bị phạt, có nơi quy định bị phạt đến hàng trăm triệu USD.

“Nếu chúng ta không quy định sẽ tạo ra sự không công bằng. Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền là cần thiết. Điều này cũng thể hiện cam kết của chúng ta”, ông Bình nói.

Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về Dự án Luật. Ảnh: TN

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thanh Long cho biết thêm, “nếu không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 2 tội này, có khả năng Việt Nam sẽ bị liệt vào “danh sách đen”. Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến và sẽ có báo cáo tổng hợp gửi Chính phủ, trong đó thể hiện rõ quan điểm theo hướng ủng hộ".

Cũng nhắc lại, nếu không quy định Việt Nam có khả năng vào “danh sách đen”, nhưng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đây là vấn đề quan trọng. Chính phủ cần có ý kiến chính thức bằng văn bản để xin ý kiến Bộ Chính trị.

Quy định vi phạm về ATTP, lo không xử được ai

Liên quan đến tội vi phạm quy định về ATTP (Điều 317), có ý kiến cho rằng, cần bổ sung định lượng nhằm tránh việc xử lý hình sự quá rộng. Ý kiến khác đề nghị, không sửa điều này để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về ATTP đang xảy ra phổ biến hiện nay.

“BLHS năm 2015 quy định cấu thành hình thức, chỉ cần có hành vi, chưa cần có hậu quả trên thực tế đã xử lý hình sự là quá nặng”, bà Nga cho biết quan điểm của cơ quan thẩm tra: “Dư luận xã hội bức xúc với thực trạng mất vệ sinh ATTP. Tuy nhiên, để xảy ra thực trạng này có nguyên nhân không nhỏ từ quản lý Nhà nước và xử phạt hành chính chưa nghiêm, nếu làm tốt hơn nữa công tác quản lý Nhà nước và tăng cường hiệu quả xử lý hành chính thì sẽ góp phần hạn chế đáng kể tình trạng này”.

Theo UBTP, việc xử lý hình sự phải tránh tràn lan, cần tập trung vào các đối tượng cố ý vi phạm quy định về ATTP nhằm thu lợi bất chính lớn hoặc gây hậu quả trên diện rộng, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Đối với các hộ nông dân, hộ buôn bán nhỏ lẻ, do thiếu hiểu biết mà vi phạm thì chỉ nên xử lý hình sự sau khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm...

Dẫn ví dụ vụ ngộ độc ở Lai Châu làm 8 người chết, 28 người nhập viện hay ở Hà Giang hơn 60 người bị ngộ độc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu sửa Điều 317 theo hướng giảm nhẹ như đề xuất của UBTP sẽ không xử được ai.

“Có đại biểu nói rằng, con đường ăn qua thực phẩm là con đường đi đến nghĩa trang nhanh nhất, chết dần chết mòn. Nếu quy định phải tổn hại sức khoẻ từ 31 - 60%, gây hại từ 2 người trở lên… thì khó. Vì rõ ràng có việc anh sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật không được phép vẫn sử dụng. Theo tôi, một là giữ nguyên khoản 1 Điều 317, hoặc nếu có thêm thì khi xử phạt hành chính rồi nếu tiếp tục vi phạm phải xử lý hình sự. Chứ nếu viết như thế này thì không xử được ai đâu”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền là cần thiết. Ảnh: TN

Chánh án TAND Tối cao cũng cho rằng, nếu phải chứng minh gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% là rất khó khăn, không chứng minh được. Đề nghị UBTP cân nhắc.

“Các vấn đề còn ý kiến khác nhau cần tiếp tục thảo luận… Chúng ta không chủ quan, không vội vàng”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, các Ủy ban của Quốc hội sử dụng quyền mời chuyên gia giỏi từ Viện KSND, Tòa án, Công an… để đọc kỹ từng điều, từng khoản xem đã đúng chưa, có mâu thuẫn hay không, hoàn thiện dự thảo để trình ra Quốc hội cho ý kiến.

Liên quan đến tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235 BLHS 2015), nhiều ý kiến đề nghị, cần phải hạ các mức lưu lượng xả thải cũng như số lần vượt quy chuẩn quốc gia về môi trường để bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa.

Bà Lê Thị Nga cho biết, theo Báo cáo số 95/BCA-V19 ngày 18/01/2017 của Bộ Công an, tình trạng “gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, trên diện rộng, trong hầu hết các loại hình sản xuất". Nếu quy định như Điều 235 của BLHS năm 2015 về mức độ xả thải ra môi trường thì nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận thời gian qua cũng không thể xử lý hình sự được.

Để bảo đảm nghiêm trị các hành vi gây ô nhiễm môi trường, dự thảo luật mới dự kiến chỉnh lý một bước theo hướng hạ thấp một số mức định lượng về môi trường được quy định tại Điều 235. Tuy nhiên, đây là nội dung chuyên ngành sâu, hiện chưa có sự thống nhất của một số bộ, ngành chuyên môn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị cơ bản giữ nhiều mức định lượng xả thải như BLHS năm 2015. Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị nâng mức định lượng về phát tán phóng xạ từ 2 đến 4 lần trong BLHS năm 2015 lên 1.000 đến 10.000 lần. “UBTP sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan; đồng thời đề nghị Chính phủ có ý kiến chính thức về nội dung này”, bà Nga cho biết.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm