Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ sáu, 17/11/2023 - 11:45
(Thanh tra) - Không “giám sát chay”, mà vừa kết hợp giám sát qua báo cáo, vừa giám sát thực tế tại địa phương, cơ sở; xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị, cá nhân cố tình cản trở, làm chậm trễ hoặc thiếu nghiêm túc trong cung cấp thông tin phục vụ hoạt động giám sát.
Toàn cảnh Hội nghị Toàn quốc triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Ảnh: P.Thắng
Những vấn đề này được đề xuất tại Hội nghị Toàn quốc triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, sáng ngày 17/11.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc hội) kết nối trực tuyến với 62 đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tại các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương.
4 đoàn giám sát đã triển khai hoạt động
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 với nhiều nội dung.
Quốc hội chọn giám sát tối cao 2 chuyên đề.
Thứ nhất là chuyên đề “Việc thực hiện nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” (báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7).
Thứ hai là chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 (báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8).
Cùng với giám sát tối cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 2 chuyên đề về: đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023.
Đến nay 4, đoàn giám sát đã ban hành kế hoạch và đề cương báo cáo gửi các cơ quan chịu sự giám sát, các địa phương để triển khai các hoạt động theo kế hoạch.
Rà soát văn bản để khắc phục cán bộ “né” trách nhiệm
Bên cạnh giám sát chuyên đề, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay, trong năm tới, còn tiến hành giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Báo cáo giám sát này, sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4 và gửi đại biểu tại kỳ họp 7.
Với hoạt động giám sát này, Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, cần tập trung vào các văn bản dưới luật liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; đấu thầu, cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế; xử lý các vướng mắc trong các quy định phòng cháy, chữa cháy, đăng kiểm, quy hoạch.
Các văn bản quy định về thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, điều kiện đầu tư kinh doanh có nội dung bất hợp lý, gây khó khăn, phiền hà đến hoạt động của người dân và doanh nghiệp; các văn bản có nội dung phân cấp, ủy quyền nhưng thiếu rành mạch và không rõ trách nhiệm… cũng là nội dung được tập trung giám sát.
Tiếp tục rà soát các văn bản để phát hiện những nội dung còn sơ hở, chưa chặt chẽ, bất cập, có thể làm phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
“Việc này để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”, ông Cường nói.
Giám sát văn bản quy phạm pháp luật, ông Cường cho rằng, cần phân tích, chỉ rõ nguyên nhân do quy định của luật hay văn bản dưới luật có sơ hở, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu tính khả thi hay do công tác tổ chức thi hành pháp luật.
“Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra hạn chế, vướng mắc; đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản để khắc phục tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật”, theo lời Tổng Thư ký Quốc hội Cường.
Tránh chồng chéo, trùng lặp nội dung giám sát
Từ điểm cầu Quảng Ninh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà cho hay, đã và đang chủ động, tích cực triển khai kế hoạch giám sát do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao tại địa phương.
“Quan điểm của các đại biểu Quốc hội trong đoàn đều thống nhất là không “giám sát chay”, mà vừa kết hợp giám sát qua báo cáo, vừa giám sát thực tế tại địa phương, cơ sở”, bà Hà nói.
Bởi theo bà, qua giám sát trực tiếp đã phát hiện nhiều vướng mắc bất cập về cơ chế, chính sách, làm rõ nội dung cần giám sát.
Bà Hà còn đề nghị, xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị, cá nhân cố tình cản trở, làm chậm trễ hoặc thiếu nghiêm túc trong cung cấp thông tin phục vụ hoạt động giám sát và trong thực hiện các kết luận giám sát.
Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy góp ý phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan trong điều hòa, phối hợp trong hoạt động giám sát để tránh chồng chéo, trùng lặp nội dung, địa bàn giám sát.
Ngoài ra, theo bà Thúy, cần tiếp tục chú trọng theo dõi việc thực hiện các kết luận giám sát, tái giám sát, chất vấn, tái chất vấn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả sau giám sát.
Nhiệm vụ trọng tâm nữa trong năm 2024 là lập hồ sơ đề nghị bổ sung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Để phục vụ xây dựng dự án luật này, ông Bùi Văn Cường đề nghị các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách và nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Từ 1/12/2024, tỉnh Bắc Ninh giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã, Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu, phải có phương án sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí và không để tham ô, tham nhũng, trục lợi cá nhân đối với trụ sở công, tài sản công dôi dư.
(Thanh tra) - Sáng 22/11, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã chủ trì Lễ công bố quyết định về công tác cán bộ.
Vũ Linh
14:58 22/11/2024Hương Giang
11:45 22/11/2024Hương Giang
10:49 22/11/2024Hương Giang
09:25 22/11/2024Hương Giang
17:00 21/11/2024Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân
Nhật Minh
N. Phê - L. Bình
Trần Quý
Thái Hải