Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không để thiếu hàng, sẵn sàng phương án điều hành giá khi tăng lương từ 1/7

Hương Giang

Thứ ba, 23/01/2024 - 21:55

(Thanh tra) - Quán triệt không được để thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý từ 1/7 sẽ tăng lương, cần dự báo sát tình hình, không được chủ quan, để sẵn sàng các phương án quản lý, điều hành giá kịp thời, hiệu quả.

Chiều 23/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì cuộc họp về kết quả công tác quản lý điều hành giá năm 2023 và định hướng năm 2024.

Tại cuộc họp, các ý kiến nhận định, năm nay, khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là những yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những khó khăn nội tại.

Để đạt tăng trưởng GDP 6-6,5% và tốc độ tăng CPI bình quân 4-4,5%, công tác quản lý, điều hành giá cần bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát, đồng thời tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Trên cơ sở tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu, nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo đưa ra 3 kịch bản lạm phát với các mức dự báo CPI bình quân tăng 3,52%, 4,03% và 4,5%.

Không để gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý từ 1/7/2024 sẽ tăng lương. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng tăng lên, bên cạnh nhiều yếu tố khó lường như biến động giá cả của một số mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, thực phẩm, thiên tai, biến đổi khí hậu)...

Do đó, cần dự báo sát tình hình thực tế, hết sức cẩn thận, không được chủ quan, để sẵn sàng các phương án quản lý, điều hành giá phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Trước mắt, ông đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý, điều hành giá trong dịp Tết Nguyên đán; chú trọng bình ổn thị trường giá cả.

Toàn cảnh cuộc họp về kết quả công tác quản lý điều hành giá năm 2023 và định hướng năm 2024. Ảnh: Trần Mạnh

Các bộ, ngành, địa phương phải chủ động tính toán, sớm chuẩn bị các phương án, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, quan trọng theo thị trường, đặc biệt là giá dịch vụ y tế, giáo dục, mặt hàng xăng dầu, tránh bị động trong triển khai chính sách, theo yêu cầu của Phó Thủ tướng.

Ông đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu chủ động và linh hoạt trong quản lý, điều hành giá cả. Các bộ, ngành, địa phương phải chủ động dự báo và có phương án bảo đảm cân đối cung - cầu, nhất là thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao với mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, lương thực, thịt lợn, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải…

“Không được để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến”, Phó Thủ tướng nói rõ.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương phải giám sát việc kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Bộ Tài chính được giao phối hợp với các bộ, ngành kịp thời xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn luật giá, không để xảy ra khoảng trống pháp lý trong quản lý, điều hành giá.

Thận trọng đầu năm để tạo dư địa kiểm soát lạm phát cả năm

Nhìn lại năm 2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, mặt bằng giá cả biến động tăng vào đầu năm, sau đó theo xu hướng giảm dần và tăng nhẹ trở lại trong quý IV.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận. Ảnh: T.Mạnh

CPI bình quân tăng 3,25% so với cùng kỳ năm 2022 trong phạm vi lạm phát mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Lạm phát cơ bản bình quân tăng 4,16% so với năm 2022, cao hơn 0,91% so với mức tăng CPI bình quân chung.

Nguyên nhân do một số mặt hàng như xăng dầu, giá gas giảm nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản. Trong khi một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong rổ tính lạm phát cơ bản có xu hướng tăng kéo dài như “nhà ở thuê”, “Ăn uống ngoài gia đình”.

Công tác quản lý điều hành giá thận trọng trong những tháng đầu năm để tạo dư địa an toàn cho công tác kiểm soát lạm phát cả năm 2023, các quý tiếp theo thực hiện linh hoạt theo diễn biến CPI với mức độ và liều lượng phù hợp.

Ghi nhận những kết quả, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế và đề nghị các bộ, ngành liên quan rút kinh nghiệm; quyết liệt, chủ động hơn để kịp thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền các giải pháp trong công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2024.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

(Thanh tra) - Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị làm rõ khả năng thu thuế doanh nghiệp trên thực tế với các doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam cung cấp hàng hoá vào Việt Nam thông qua các giao dịch trên sàn thương mại điện tử, nền tảng số.

Hương Giang

10:49 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm