Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không để người không đủ tiêu chuẩn lọt vào danh sách ứng cử

Thứ bảy, 16/01/2016 - 17:31

(Thanh tra) - Ngày 16/1, Phiên họp thứ 44 Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc. Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, "không để người không đủ tiêu chuẩn làm đại biểu lọt vào danh sách ứng cử. Phải làm như vậy để cử tri yên tâm rằng những người đã đưa vào danh sách đều làm việc được, họ chỉ lựa chọn người mình thấy tốt hơn mà thôi". Ảnh: HG

Hội nghị lấy ý kiến phải có trên 50% tổng số cử tri của cơ quan hoặc đại diện gia đình

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha, vướng mắc lớn nhất trong các cuộc bầu cử trước đây trong việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND đó là số lượng cử tri tham dự các hội nghị, nhất là ở những cơ quan, tổ chức, đơn vị có số lượng cử tri lớn. 

Phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 44, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, sau phiên họp, các cơ quan của Quốc hội, Ủy viên Thường vụ Quốc hội cần đặc biệt quan tâm, chuẩn bị tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV sắp tới.

Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội tới đây, có rất nhiều việc phải làm, nhất là việc tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Theo Chủ tịch Quốc hội, nội dung tổng kết phải khái quát được chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội; đánh giá đầy đủ sự nỗ lực, cố gắng của đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội và cả Quốc hội. Cùng với đó, phải rút ra được những điểm làm tốt và chưa tốt, để Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV tiếp tục triển khai thực hiện. Như vậy, mới bảo đảm Kỳ họp thứ 11 và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV sắp tới thành công tốt đẹp.

Kế thừa các quy định hiện hành, rút kinh nghiệm của các cuộc bầu cử trước, để vừa bảo đảm phát huy dân chủ, vừa thuận tiện trong cách tổ chức thực hiện, Dự thảo Nghị quyết quy định các trường hợp cụ thể nhằm đáp ứng vấn đề thực tiễn đặt ra trong tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc liên quan đến số lượng cử tri.

Cụ thể, nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải bảo đảm trên 50% tổng số cử tri tham dự. Nơi có từ 100 đến 200 cử tri thì mời đại diện cử tri tham dự, nhưng phải bảo đảm trên 50% tổng số cử tri tham dự. Nơi có trên 200 cử tri trở lên thì tùy vào tình hình thực tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể tổ chức thành nhiều hội nghị lấy ý kiến đại diện cử tri, sau đó tổng hợp kết quả chung, nhưng vẫn phải bảo đảm có trên 50% tổng số cử tri của cơ quan tổ chức, đơn vị đó tham dự.  

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định rõ, hội nghị lấy ý kiến tại nơi cư trú. Theo đó, nếu có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải bảo đảm trên 50% tổng số cử tri tham dự; nơi có từ 100 đến 200 cử tri thì mời cử tri đại diện hộ gia đình tham dự, nhưng phải đảm bảo trên 50% tổng số cử tri đại diện hộ gia đình tham dự.

Riêng nơi có trên 200 cử tri trở lên, thì tùy vào tình hình thực tế tại địa bàn khu dân cư, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã phối hợp với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố có thể chia thành nhiều hội nghị lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình, sau đó tổng hợp kết quả chung, nhưng vẫn phải bảo đảm có trên 50% tổng số cử tri đại diện hộ gia đình tham dự.

Linh hoạt, mềm dẻo, tránh hình thức, lãng phí

Cơ bản tán thành nhưng theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, cần rà soát, xác định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm chủ trì và triệu tập hội nghị cử tri ở nơi công tác để lấy ý kiến đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và ứng cử HĐND để phù hợp hơn với cơ cấu tổ chức và tính chất hoạt động của từng loại cơ quan, tổ chức, đơn vị, đồng thời thuận lợi hơn cho việc áp dụng. 

Ông Phan Trung Lý lưu ý, việc thu thập được nhiều ý kiến đóng góp của cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là cần thiết, nhưng công tác tổ chức lấy ý kiến cần thiết thực, tránh hình thức, lãng phí và quan trọng là phải bảo đảm phù hợp với tiến độ và thời gian chuẩn bị bầu cử đã được Luật quy định. 

Mặt khác, việc phải bảo đảm có trên 50% tổng số cử tri của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc 50% tổng số cử tri đại diện hộ gia đình tham dự hội nghị cũng là yêu cầu khá cao, nhất là đối với những nơi có số lượng cử tri lớn. Do đó, Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị cần tiếp tục kế thừa các quy định hiện hành để có hướng dẫn linh hoạt, mềm dẻo hơn, phù hợp với tình hình thực tế ở nông thôn, miền núi, hải đảo - nơi đi lại khó khăn cũng như ở đô thị - nơi tập trung đông dân cư. 

Bầu cử là công việc to lớn của đất nước, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Nghị quyết phải thể hiện rõ nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong hoạt động chuẩn bị, tổ chức bầu cử. Đồng thời, cần làm rõ vai trò của người chủ trì hội nghị, hướng hội nghị tập trung vào nội dung chính; không “biến tướng” thành phản ánh, khiếu nại tố cáo…

“Với người được giới thiệu thêm, người tự ứng cử cần xem xét, kiểm tra nhân thân; không để người không đủ tiêu chuẩn làm đại biểu lọt vào danh sách ứng cử. Phải làm như vậy để cử tri yên tâm rằng những người đã đưa vào danh sách đều làm việc được, họ chỉ lựa chọn người mình thấy tốt hơn mà thôi”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cũng sáng 16/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm; Dự thảo Nghị quyết quy định chế độ đối với cán bộ, công chức của Kiểm toán Nhà nước. 

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa nhất trí với một số nội dung của hai Dự thảo này và đề nghị cơ quan soạn thảo chuẩn bị lại trên tinh thần tiếp thu các ý kiến đóng góp, để cho ý kiến tại phiên họp lần tới./.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm