Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khoảng một năm nữa Việt Nam mới có thể tiếp cận nguồn vắc xin COVID -19

Hương Giang

Thứ sáu, 21/08/2020 - 20:53

(Thanh tra) - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự báo trong 6 tháng cuối năm 2021, Việt Nam mới có thể tiếp cận với nguồn vắc xin phòng COVID -19.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Chiều nay, 21/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và một số địa phương tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến.

Cơ bản kiểm soát được dịch bệnh

Mở đầu, người đứng đầu Chính phủ đánh giá, công tác phòng chống dịch được triển khai đồng bộ, kịp thời, quyết liệt hơn, đặc biệt người dân bình tĩnh hơn. Đến nay, cơ bản chúng ta kiểm soát được tình hình.

Song diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, cần tiếp tục nêu cao cảnh giác. Theo Thủ tướng, cần thảo luận các chủ trương, quyết sách mới trong bối cảnh hiện nay.

Báo cáo tại cuộc họp, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam đang trong tầm kiểm soát, số trường hợp mắc bệnh ghi nhận giảm trong tuần gần đây.

Trong vài ngày tới, tại Đà Nẵng, Quảng Nam có thể vẫn sẽ ghi nhận những trường hợp mắc bệnh rải rác do nguồn lây bệnh đã có tại cộng đồng trước khi được khoanhvùng, khống chế.

Ông Long cho biết hôm nay, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng đoàn công tác đã rút khỏi Đà Nẵng về Hà Nội và sẽ cách ly 14 ngày.

Còn tại Hải Dương, tình hình dịch bệnh cũng cơ bản được kiểm soát, trong 3 ngày gần đây không phát hiện thêm các trường hợp mắc bệnh mới.

Ổ dịch tại nhà 36 phố Ngô Quyền, TP Hải Dương với tất cả 12 trường hợp mắc bệnh đã được kiểm soát kịp thời, công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm vẫn đang được khẩn trương thực hiện để nhanh chóng dập dịch dứt điểm.

Tính từ 23/7 đến nay, cả nước đã thực hiện 421.444 xét nghiệm, số lượng xét nghiệm trong gần một tháng qua bằng tổng số xét nghiệm trong 6 tháng của giai đoạn đầu. Toàn quốc có 71 đơn vị thực hiện xét nghiệm khẳng định COVID-19 (công suất khoảng 34.000 mẫu/ngày).

3 vắc xin của Mỹ, Anh và Trung Quốc có tiềm năng

Về tiến độ sản xuất vắc xin trên thế giới, theo ông Long, đến nay đã có 138 vắc xin COVID -19 đang được đánh giá tiền lâm sàng. Trong đó, 29 vắc xin đang trong quá trình thử nghiệm và 6 vắc xin đã được thử nghiệm ở giai đoạn 3.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, gần đây Nga đăng ký loại vắc xin ngừa COVID -19 đầu tiên trên thế giới có tên là Sputnik-5 và đã bắt đầu khởi động quá trình sản xuất.

“Vắc xin của Nga mới bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, chưa phải đã xong", ông Long thông tin. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã cấp bằng sáng chế cho vắc xin có tên AD5-nCovi.

Ông Long cho biết, các chuyên gia đánh giá hiện 3 vắc xin của Mỹ, Anh và Trung Quốc là có tiềm năng và xuất hiện sớm. Việt Nam cũng có 4 đơn vị đang nghiên cứu vắc xin, cố gắng trong năm 2021 sẽ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

"Dù các nước đang nỗ lực, chạy đua với thời gian để sản xuất vắc xin, nhưng việc tiếp cận với vắc xin hết sức khó khăn. Việt Nam dự báo trong 6 tháng cuối năm 2021 mới có thể tiếp cận với nguồn vắc xin", ông Long cho biết.

Cũng theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, kinh nghiêm đáp ứng phòng, chống dịch với ổ dịch tại Đà Nẵng, Hải Dương và một số tỉnh, thành cho thấy khi phát hiện trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng, chính quyền địa phương thống nhất, phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế để triển khai nhanh, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thì sẽ nhanh chóng được khống chế, kiểm soát không để lây lan rộng ra cộng đồng.

Bộ Y tế cho rằng, việc thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương được triển khai từ sớm, kịp thời ngay từ khi có những trường hợp mắc bệnh đầu tiên và được thực hiện phù hợp, có chọn lọc theo các khu vực nguy cơ, không giãn cách trên diện rộng, liên tỉnh như trước đây, đồng thời thực hiện giám sát, khoanh vùng dập dịch quyết liệt… đã hạn chế lây lan trong cộng đồng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm