Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khai mạc kỳ họp 6 Quốc hội khóa XIV: Quyết loạt vấn đề quan trọng

Thứ hai, 22/10/2018 - 08:00

(Thanh tra) - Sáng 22/10, Quốc hội (QH) khóa XIV bước vào chương trình nghị sự kỳ họp thứ 6. Bầu Chủ tịch nước, lấy phiếu tín nhiệm, chất vấn trực diện, đánh giá giữa kỳ việc thực hiện các nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế… là những vấn đề quan trọng được cử tri cả nước, nhân dân trông đợi.

Là kỳ họp cuối năm, QH sẽ xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Ảnh: TN

Là kỳ họp cuối năm, xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, dự kiến QH sẽ làm việc trong thời gian 24 ngày (không kể ngày nghỉ).

Động lực tăng trưởng đến từ cung - cầu

Trong phiên họp trù bị trước khi khai mạc, QH dự kiến dành một phút mặc niệm cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang và cố đại biểu QH Lê Minh Thông, những người qua đời thời gian qua.

Ngay phiên khai mạc, QH nghe Chính phủ trình bày báo cáo về về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, kế hoạch năm 2019. Trong đó, bao gồm cả việc đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 có nhiều “điểm sáng”, hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu chủ yếu QH giao.

Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và cải thiện tích cực so với năm 2017. Tăng trưởng GDP duy trì đà tăng khá, 9 tháng đầu năm ước đạt 6,98% - là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở lại đây. Chính phủ tính toán, ước cả năm GDP tăng khoảng 6,7%, đạt mức cao mục tiêu QH giao.

“Động lực tăng trưởng của năm 2018 đến cả từ phía cung và phía cầu, năng lực tăng thêm của các ngành, lĩnh vực ngày càng được mở rộng”, báo cáo của Chính phủ nêu rõ.

Chất lượng tăng trưởng ngày càng cải thiện, mô hình tăng trưởng dần dịch chuyển sang chiều sâu; năng suất lao động xã hội có sự cải thiện đáng kể. Quy mô GDP theo giá hiện hành cả năm ước đạt khoảng 5.555 nghìn tỷ đồng, tăng gần 550 nghìn tỷ đồng so với năm 2017; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.540 USD/người, tăng khoảng 6,4%.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, CPI bình quân được kiểm soát ở mức tăng 3,57%; lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,41% so với bình quân cùng kỳ. Ước cả năm, CPI bình quân tăng dưới 4% so với bình quân cùng kỳ.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đạt được nhiều kết quả rõ nét; an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện; kỷ luật, kỷ cương hành chính được siết chặt; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo được đẩy mạnh....

Song, “tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế từng bước được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới, khả năng chống chịu trước những biến động bên ngoài còn hạn chế”, Chính phủ thẳng thắn chỉ ra.

Bước sang năm 2019, Chính phủ xác định, tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; đẩy mạnh, tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh…

Lấy phiếu tín nhiệm trước khi chất vấn: Bảo đảm công bằng

Ngay trong ngày 22/10, thay mặt Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ trình bày Tờ trình dự kiến nhân sự để QH bầu Chủ tịch nước.

Việc bầu và công bố kết quả kiểm phiếu diễn ra trong ngày 23/10. 

Tân Chủ tịch nước dự kiến tuyên thệ nhậm chức vào chiều 23/10.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhân sự duy nhất được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất rất cao (100%) giới thiệu để QH bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước. 

Hiện, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh đang giữ quyền Chủ tịch nước, sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần.

Cũng về công tác nhân sự, QH sẽ xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn; phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông. Quy trình diễn ra trong ngày 23-24/10.

Ngày 24/10, QH cũng sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. Hoạt động này  được tiến hành trước phiên họp chất vấn.

Lý giải điều này, theo Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc là để bảo đảm sự bình đẳng giữa những người được lấy phiếu tín nhiệm.

"Nếu chất vấn trước khi lấy phiếu, có nội dung nọ, nội dung kia, có cả nội dung không hoàn thành. Cũng có người trả lời tốt, có người trả lời không tốt, dẫn đến nhìn nhận không khách quan, không công bằng", ông Phúc nói.

Cũng theo ông Phúc, lấy phiếu tín nhiệm trước thì đều như nhau, căn cứ vào quá trình công tác 3 năm, căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ thế nào... Ngoài ra, đại biểu QH còn căn cứ vào các kỳ tiếp xúc cử tri, theo dõi qua hoạt động của những người được lấy phiếu để đánh giá.

“Chúng tôi gửi sớm toàn bộ hồ sơ đánh giá lấy phiếu tín nhiệm trước 30 ngày để đại biểu QH có thời gian nghiên cứu sớm”, Tổng thư ký QH cho biết thêm.

Xử lý tài sản không giải trình được: Vấn đề lớn, nhiều ý kiến khác nhau

QH cũng dành thời gian để xem xét, thông qua 9 dự án luật; 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Đáng chú ý, tại kỳ họp này, QH sẽ thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN - sửa đổi).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật cho biết, dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) được xem xét, thông qua tại 3 kỳ họp QH (đã thảo luận tại kỳ họp thứ 4, kỳ họp thứ 5). Dự thảo Luật trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp này gồm 11 chương, 96 điều.

Trả lời báo chí liên quan đến việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, theo ông Luật, đây là 1 vấn đề lớn, có nhiều ý kiến khác nhau. Dự thảo luật đang đề xuất 2 phương án trình QH.

Phương án 1: Xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc sẽ do Tòa án xem xét, quyết định.

Phương án 2: Trường hợp kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành kết luận xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền để thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Nam tổ chức hội nghị về sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị

Hà Nam tổ chức hội nghị về sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị

(Thanh tra) - Chiều ngày 12/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã tổ chức hội nghị thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW.

Chính Bình

21:26 12/12/2024
Chủ tịch nước: Ngành Ngoại giao cần làm tốt công tác tổ chức, cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18

Chủ tịch nước: Ngành Ngoại giao cần làm tốt công tác tổ chức, cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18

(Thanh tra) - Chiều 12/12, tại buổi làm việc với Bộ Ngoại giao, Chủ tịch nước Lương Cường đã yêu cầu ngành Ngoại giao làm tốt hơn nữa công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy, đào tạo, đánh giá cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18 về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

T.T

21:06 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm