Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hội đồng Bầu cử quốc gia họp Phiên thứ nhất

Chủ nhật, 13/12/2015 - 09:54

(Thanh tra) - Sáng 12/12, Hội đồng Bầu cử Quốc gia họp Phiên thứ nhất dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp đầu tiên của Hội đồng Bầu cử quốc gia. Ảnh: HG

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Đảng, sự ủy thác của Quốc hội và nhân dân, nhiệm vụ đặt ra cho Hội đồng Bầu cử quốc gia là hết sức nặng nề và chỉ kết thúc sau khi công bố danh sách đại biểu trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND vào tháng 7/2016. 

Đợt bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2020 có nhiều điểm mới; vai trò, vị trí của Hội đồng Bầu cử quốc gia nặng nề hơn so với Hội đồng Bầu cử Trung ương trước đây. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND được Quốc hội thông qua đã quy định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Bầu cử quốc gia. 

"Từ nay đến trước Tết Nguyên đán có rất nhiều công việc cần Hội đồng triển khai, trong đó có việc chuẩn bị tốt Hội nghị toàn quốc triển khai bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND vào tháng 1/2016 sắp tới. Hội nghị này sẽ chính thức công bố ngày bầu cử", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn của Hội đồng Bầu cử quốc gia trong việc chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử Quốc hội, bầu cử HĐND các cấp có liên quan chặt chẽ với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, công tác của bộ máy các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương. 

Tại phiên họp lần thứ nhất, Hội đồng Bầu cử quốc gia chính thức ra mắt và xem xét, cho ý kiến vào một số văn bản liên quan đến hoạt động của Hội đồng gồm: Việc phân công các thành viên của Hội đồng Bầu cử quốc gia và thành lập các Tiểu ban của Hội đồng; dự kiến phân công các thành viên Hội đồng; dự thảo chương trình các phiên họp của Hội đồng; quy chế làm việc của Hội đồng Bầu cử quốc gia và việc thành lập Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Hội đồng cũng đã thống nhất quyết định thành lập 3 Tiểu ban giúp việc gồm: Tiểu ban Nhân sự và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Tiểu ban Văn bản pháp luật và thông tin, tuyên truyền; Tiểu ban An ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Hội đồng Bầu cử quốc gia hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Để phục vụ cho hoạt động của Hội đồng Bầu cử quốc gia trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết quy định về bộ máy giúp việc của Hội đồng Bầu cử quốc gia. 

Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia là bộ máy giúp việc của Hội đồng, do Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia quyết định thành lập, có chức năng giúp Hội đồng Bầu cử quốc gia trong việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia có Chánh văn phòng, các Phó Chánh văn phòng do Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia bổ nhiệm và các Tổ giúp việc.

Thành viên Hội đồng bầu cử Quốc gia

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là Chủ tịch của Hội đồng Bầu cử quốc gia

Các Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia gồm: ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ; bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội; bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước.

Các Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia gồm 16 thành viên: Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng; ông Ngô Văn Dụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng; ông Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh

H.Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm