Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giám sát dùng nguồn lực chống dịch COVID -19: Không hợp thức hóa sai phạm

Hương Giang

Thứ ba, 11/04/2023 - 22:10

(Thanh tra) - Ngày 11/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả giám sát dùng nguồn lực chống dịch COVID-19. Ảnh: P.Thắng

Cơ sở nào để kiến nghị Quốc hội cho phép 3 việc?     

Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội cho phép thanh toán, quyết toán chi phí với thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị thực tế sử dụng phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 đã thực hiện dưới các hình thức tạm ứng, vay, mượn trước ngày 31/12/2022 theo giá và thủ tục thanh toán do Chính phủ quy định.

Cho phép thanh toán, quyết toán chi phí đã cung cấp thực tế dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV2 theo cơ chế đặt hàng nhưng chưa có hợp đồng đặt hàng theo khối lượng thực tế phát sinh theo giá do UBND cấp tỉnh quyết định.

Đoàn giám sát cũng kiến nghị Quốc hội cho phép xác lập quyền sở hữu toàn dân với các tài sản được tài trợ, cho, biếu, tặng từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 31/12/2022 tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thực tế đã tiếp nhận, quản lý, sử dụng nhưng vì lý do khách quan không có đủ hồ sơ, tài liệu, không xác định giá trị hoặc giá trị tài trợ trong biên bản tài trợ có sự chênh lệch cao hơn so với giá mặt hàng tương đương được công bố, công khai trên thị trường hoặc trên cổng thông tin của cơ quan chức năng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: P.Thắng

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ băn khoăn, cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý nào để đề xuất vấn đề này, đã đánh giá đầy đủ tác động chưa.

“Tôi không dám bấm nút chuyện này. Đây là hợp thức hóa sai phạm”, ông Huệ gợi ý, nên chăng giao lại cho Chính phủ chỉ đạo các bộ, các ngành xử lý theo thẩm quyền. Vấn đề thuộc thẩm quyền của Thường vụ Quốc hội thì Thường vụ Quốc hội quyết, của Quốc hội thì Quốc hội quyết định.

Giải trình, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, các tài sản tài trợ phòng chống dịch chưa được xác lập sở hữu toàn dân là do thiếu các thủ tục, giấy tờ chứng minh, thiếu hóa đơn, chưa xác định giá trị tài sản…

Về phía Chính phủ mặc dù đã có quy định cụ thể, tuy nhiên thời điểm đó một số doanh nghiệp, người dân có đóng góp tài sản nhưng thủ tục, giấy tờ sau này chưa được hoàn thiện nên vướng mắc.

Còn các trường hợp cho mượn, cho thuê hoặc cho sử dụng trước hóa chất, vật tư y tế, đến thời điểm hiện tại thì không có hợp đồng cho thuê, cho mượn, hoặc là doanh nghiệp, tổ chức cho thuê, cho mượn cũng không có nhu cầu nhận lại tài sản đó bằng hiện vật mà muốn nhận lại bằng tiền.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng. Ảnh: P.Thắng

“Bây giờ nhận lại bằng tiền thì tính bằng giá nào cũng đang vướng mắc”, ông Hưng thông tin và nhấn mạnh sẽ phối hợp cùng với Bộ Y tế cùng với đoàn giám sát để tiếp tục tham mưu với các cơ quan có liên quan để xử lý vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói, khi dịch Covid-19 xảy ra đã bộc lộ những vấn đề mà hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng cần phải có những chấn chỉnh.

Bà Đào Hồng Lan cho rằng, cần nhìn nhận khách quan dẫn đến những vấn đề mà hệ thống y tế gặp phải vì đây là dịch bệnh chưa có tiền lệ, xảy ra quá nhanh, quá rộng. 

“Một đất nước mạnh như nước Mỹ cũng rất lúng túng. Hệ thống y tế cũng gặp phải rất nhiều rủi ro”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, cần làm rõ nguyên nhân, rút bài học kinh nghiệm cho đợt dịch tiếp theo. 

Làm rõ còn vaccine thừa, để quá hạn không?

Theo báo cáo giám sát, Quỹ Vaccine phòng chống dịch COVID-19 nhận gần 160 triệu liều vaccine từ các nguồn viện trợ, tài trợ. Kinh phí dành để mua vaccine phòng COVID-19 là trên 15,1 nghìn tỷ đồng.

Nêu ý kiến Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định, một trong những điều kiện tiên quyết để kiểm soát được dịch COVID -19 là có vaccine. “Sau khi có vaccine, chúng ta triển khai tiêm phòng rất thành công mới kiểm soát được dịch và giúp cho phục hồi, phát triển kinh tế”, ông Thanh nói.

Dẫn lại ý kiến cho rằng thời gian đầu Việt Nam không tiếp cận được vaccine, ông Thanh đề nghị, phải làm rõ được nguyên nhân.

“Có phải là do cơ chế, chính sách hay trong công tác tổ chức thực hiện nên chúng ta không tiếp cận được?”, ông Thanh nêu vấn đề và cho hay, trước đây trên phương tiện thông tin đại nói rằng cơ chế để tiếp cận vaccine rất rủi ro, vì là nghiên cứu khoa học, công nghệ nên đặt ứng trước tiền rất cao, thậm chí không có thời hạn, không nhận được vaccine.

Cũng liên quan đến vaccine, trong báo cáo giám sát nêu, ngân sách bỏ ra 4,6 tỷ đồng để chủ động nghiên cứu. “Bây giờ kết quả như thế nào cũng phải báo cáo lại với Quốc hội, những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm như thế nào?”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thì đề nghị làm rõ hiện nay còn vaccine thừa không và vaccine có để quá hạn không?

“Tình hình dịch COVID - 19, truyền hình đưa tin lại đang tăng lên. Tới đây không biết có sử dụng tiếp vaccine không, tiêm tiếp không hay là thế nào thì hoàn toàn không rõ chỗ này”, ông Huệ nói.

Theo ông Huệ, nguồn lực nhà nước mua vaccine thì tương đối rõ. Nhưng còn nguồn lực viện trợ, nguồn xã hội hóa khác, bởi có những nhà tài trợ tặng địa phương đến mấy trăm tỷ, 1.000 tỷ để mua vaccine thì quản lý sử dụng thế nào?

Trong báo cáo giám sát toàn là một số, một nơi, chứ không có địa chỉ cụ thể, tỉnh nào, địa phương nào, bộ, ngành nào… thị rất khó mà Quốc hội thông qua được - ông Vương Đình Huệ nêu rõ.

Chung quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hỏi nguồn vaccine đã tổng hợp đầy đủ chưa khi ông được biết hiện cả nước đã tiêm trên 200 triệu liều vaccine.

“Món vaccine này thì tôi thấy cũng còn nhọc nhằn giữa nguồn vận động, nguồn trích ngân sách, nguồn tiền đưa qua mua vaccine. Đề nghị phải làm rất rõ”, ông Mẫn phát biểu.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. P.Thắng

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, thời điểm dịch bùng phát, các nguồn lực về vaccin, sinh phẩm, xét nghiệm, thuốc điều trị đều là những loại hàng hóa mới.

Trong đó, nhiều loại đang trong quá trình nghiên cứu, cấp phép sử dụng khẩn cấp với điều kiện rất hạn chế và khan hiếm trên toàn thế giới.

“Chúng ta muốn cũng không thể mua được, Việt Nam thì chưa chủ động sản xuất được vaccine. Trong điều kiện cấp bách, giai đoạn đầu rất ít nước chia sẻ nguồn vaccine với các nước khác vì bản thân họ cũng phải dành nguồn lực cho đất nước của mình. Do vậy, tiếp cận vaccine hết sức khó khăn và dịch COVID-19 lại ở quy mô rất rộng, lây qua đường hô hấp, diễn biến phức tạp”, bà Lan nói.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quốc hội “chốt” được bán thuốc online từ 1/7/2025

Quốc hội “chốt” được bán thuốc online từ 1/7/2025

(Thanh tra) - Từ 1/7/2025, cơ sở kinh doanh dược được bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử với thuốc không kê đơn, trừ thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc hạn chế bán lẻ, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được Quốc hội thông qua.

Hương Giang

15:59 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm