Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giảm cấp tướng trong quân đội

Thứ tư, 16/04/2014 - 13:34

(Thanh tra) - Theo Dự thảo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) thì số lượng cấp tướng so với nhu cầu cấp tướng của các văn bản pháp luật đang thực hiện giảm khoảng 3,1%.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo Tờ trình Dự án Luật . Ảnh: Thảo Nguyên

Sáng ngày 16/4, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam.

Thủ tướng quy định chức vụ quân hàm cấp tướng thuộc đơn vị thành lập mới?

Theo Chính phủ, Luật Sĩ quan hiện hành mới quy định cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ cơ bản của sĩ quan, chưa quy định cụ thể các chức vụ có cấp bậc quân hàm cấp tướng để thực hiện chặt chẽ việc phong, thăng quân hàm cấp tướng.

Cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ trung đội trưởng, đại đội trưởng, chính trị viên đại đội cũng chưa phù hợp với yêu cầu bố trí, sử dụng sĩ quan ở cơ sở và yêu cầu xây dựng đội ngũ sĩ quan thời bình. Việc xác định địa bàn trọng yếu về quân sự, quốc phòng, đơn vị có nhiệm vụ đặc biệt khó thực hiện, gây nhiều tâm tư, thắc mắc trong đội ngũ sĩ quan nói riêng và giữa các địa phương nói chung.

“Cần quy định cụ thể các chức vụ có cấp bậc quân hàm cấp tướng và điều chỉnh cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ trung đội trưởng, đại đội trưởng, chính trị viên đại đội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật, đặc thù quân sự và thực tiễn tổ chức quân đội”, thuyết minh của Chính phủ nêu rõ.

Theo đó, Điều 15 Dự thảo quy định cụ thể toàn bộ các chức vụ có cấp bậc quân hàm cấp tướng; bổ sung quy định các chức vụ có cấp bậc quân hàm cấp tướng thuộc đơn vị thành lập mới do Thủ tướng Chính phủ quy định để đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội; đồng thời bỏ quy định sĩ quan ở lực lượng quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện thuộc địa bàn trọng yếu về quân sự, quốc phòng hoặc ở đơn vị có nhiệm vụ đặc biệt được thăng quân hàm cao hơn một bậc.

Cấp bậc quân hàm cao nhất đối với các chức vụ được sắp xếp theo thứ tự từ cao đến thấp, từ cấp tướng đến cấp tá, cấp ủy để tương quan với sắp xếp chức vụ.

Dự thảo Luật cũng bổ sung thời hạn xét thăng quân hàm từ đại tá lên thiếu tướng là 4 năm. Song, không quy định thời hạn thăng quân hàm trong mỗi cấp tướng, vì sĩ quan cấp tướng là bộ phận chủ chốt trong đội ngũ cán bộ quân đội, được đào tạo công phu, đảm nhiệm những cương vị lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và nhiệm vụ trọng yếu của quân đội, nếu quy định cứng thời hạn thì độ tuổi cấp tướng sẽ rất cao, khó cho việc quy hoạch nguồn cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược và bố trí sử dụng cán bộ khi có nhu cầu giao nhiệm vụ cao hơn.

Tuy nhiên, ngay trong quá trình thẩm tra Dự thảo, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh (QPAN) cho rằng, cùng nhóm chức vụ cơ bản nhưng có trần quân hàm khác nhau, có chức vụ đại tá, có chức vụ thiếu tướng, cùng chức danh cục trưởng nhưng có cục trung tướng, có cục thiếu tướng, gây nên những bất cập giữa cấp cục và tổng cục, có cục trưởng trần quân hàm bằng tổng cục trưởng, tư lệnh, chính ủy quân khu, quân chủng và cao hơn tổng cục phó.

Trần quân hàm của cục trưởng và chính ủy cục cũng chưa thống nhất, chưa bảo đảm nguyên tắc người chỉ huy và chính ủy có trách nhiệm và quyền hạn cao nhất của đơn vị theo Nghị quyết 51/NQ-TW của Bộ Chính trị.

Chủ nhiệm Ủy ban QPAN Nguyễn Kim Khoa đề xuất, cần phải làm rõ vị trí có nhu cầu cấp tướng (đối với cơ quan phải có vị trí tham mưu chiến lược và chỉ đạo toàn quân, đối với đơn vị phải là lãnh đạo, chỉ huy của đơn vị cấp chiến dịch, chiến lược…).

Theo đó cần xem xét một số đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu thì không quy định có nhu cầu cấp tướng như các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công. Mặt khác cần phải bảo đảm nguyên tắc cấp trên phải cao hơn cấp dưới, cấp trưởng phải cao hơn cấp phó, chức vụ tương đương thì có quân hàm tương đương, đơn vị chiến đấu và trực tiếp phục vụ chiến đấu phải cao hơn các đơn vị khác để tránh những quy định không phù hợp, gây tâm lý so sánh, thắc mắc không đồng thuận ngay trong lực lượng.

Thường trực Ủy ban QPAN cũng cho rằng, việc không quy định thời hạn xét phong, thăng quân hàm cấp tướng bộc lộ nhiều bất cập, không đúng với Thông báo của Bộ Chính trị “thời gian thăng quân hàm từ đại tá lên thiếu tướng và thời gian thăng quân hàm trong mỗi cấp tướng tối thiểu là 04 năm, trường hợp đặc biệt báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định” vì việc quy hoạch phát triển cán bộ có nhu cầu cấp tướng phải có quá trình, được xem xét từ sĩ quan cấp tá để bồi dưỡng, đào tạo thử thách; nếu có đủ đức, tài và thành tích thì thực hiện thăng vượt cấp hoặc thăng quân hàm trước thời hạn để tạo nguồn, tránh lạm dụng.

Bày tỏ không thông việc quân hàm “cấp trưởng bằng cấp phó”, “cấp dưới cần thời hạn, cấp trên thì không cần thời hạn”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Dự thảo Luật phải quy định rõ quy trình, tiêu chuẩn bổ nhiệm; đồng thời quy định cụ thể các chức danh tương đương cấp hàm. Theo Chủ tịch Quốc hội, trong trường hợp được bổ nhiệm phải phong quân hàm tương xứng, không phụ thuộc vào niên hạn, coi đó là trường hợp bổ nhiệm trước thời hạn.

Lý giải việc có cục trung tướng, có cục thiếu tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết, do một số cục thuộc Bộ Tổng Tham mưu chỉ huy toàn quân nên cục trưởng là trung ướng. Hơn nữa, cục trưởng của những cục này từng làm chính ủy hoặc tư lệnh quân đoàn nên cần có quân hàm cao hơn cấp quân khu quân chủng để chỉ đạo. Riêng cục trưởng quân y là thiếu tướng vì chỉ đạo chuyên môn hệ thống quân y toàn quân. Còn các cục thuộc nội bộ như hậu cần, kỹ thuật mặc dù chỉ đạo toàn quân nhưng vẫn thấp hơn các cục tham mưu chiến lược, chỉ huy quân đội.

Bộ trưởng cũng tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên UBTVQH về thời hạn xét phong, thăng quân hàm cấp tướng là 4 năm, trường hợp trước thời hạn thì do cấp có thẩm quyền quyết định.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm