Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dứt khoát không được “đẩy” trách nhiệm lên cấp trên và cơ quan khác

Hương Giang

Thứ tư, 19/04/2023 - 18:00

(Thanh tra) - Dứt khoát không xử lý những nhiệm vụ không thuộc thẩm quyền và không đùn đẩy trách nhiệm của mình lên cấp trên và cho các cơ quan khác, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: N.Bắc

Ngày 19/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo.

Chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm của cán bộ

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả đã đạt được; đồng thời chỉ rõ những hạn chế trong cải cách hành chính. Ông đặc biệt yêu cầu chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất của một bộ phận cán bộ, công chức.

Dứt khoát không xử lý những nhiệm vụ không thuộc thẩm quyền và không đùn đẩy trách nhiệm của mình lên cấp trên và cho các cơ quan khác, theo Thủ tướng.

“Nếu cần thiết thì có các biện pháp xử lý cán bộ phù hợp; đồng thời động viên, bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì công việc chung; vừa khắc phục, xử lý các mặt yếu kém, vừa thúc đẩy mặt tích cực”, Thủ tướng nói rõ.

Bộ Nội vụ được giao khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, phản ứng chính sách, xử lý các thủ tục, nhất là với người dân và doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả hơn nữa. Ông yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác cải cách hành chính, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, phường.

Thủ tướng nói, giải quyết tốt thủ tục cho người dân, doanh nghiệp tức là góp phần huy động mọi nguồn lực xã hội cho sự phát triển. Ảnh: N.Bắc

Cạnh đó, có giải pháp tích cực, hiệu quả để ngăn chặn, vô hiệu hóa các nguy cơ ảnh hưởng tới hiệu quả cải cách hành chính; chú trọng công tác tuyên truyền để thay đổi tư duy, chuyển từ “làm thay, làm hộ” sang hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức, người dân, doanh nghiệp nâng cao kỹ năng số, hình thành thói quen giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Đề cập nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai một cách mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ công tác cải cách hành chính theo kế hoạch năm 2023, coi đây là một tiêu chí để đánh giá cán bộ.

Các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp, tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, tháo gỡ các “điểm nghẽn” về hoàn thiện thể chế.

Phấn đấu nâng mức độ hài lòng của người dân đạt trên 90%

Nhiệm vụ nữa, theo người đứng đầu Chính phủ, là tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, khẩn trương sửa đổi quy định chưa phù hợp về phòng cháy, chữa cháy, các quy định về đầu tư công, tài chính, ngân sách, đất đai, giải phóng mặt bằng… để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Các quy định cần bảo đảm sát thực tế, khả thi, phù hợp tình hình, điều kiện đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, Thủ tướng lưu ý.

UBND các tỉnh, thành trình HĐND ban hành các chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện, hoàn thành trong tháng 6/2023.

Tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm từ ngày 1/6/2023 người dân không phải cung cấp lại thông tin khi thực hiện thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền.

Toàn cảnh phiên họp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Ảnh: N.Bắc

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải phấn đấu nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp trong thực hiện thủ tục hành chính, đến năm 2025 đạt trên 90%; tỷ lệ giải quyết đúng hạn tại các trung tâm phục vụ hành chính công phải đạt trên 90%; cuối năm 2023, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến phải đạt 50%.

“TP lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng cần phải đi đầu về chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính”, Thủ tướng nói, giải quyết tốt thủ tục cho người dân, doanh nghiệp tức là góp phần huy động mọi nguồn lực xã hội cho sự phát triển.

Văn phòng Chính phủ được giao đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện cắt giảm quy định kinh doanh, phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ; triển khai Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính…

“Con người là trung tâm, cải cách dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ thúc đẩy”

Tại phiên họp, các ý kiến đánh giá, nhận thức và hành động về cải cách hành chính tiếp tục chuyển biến tích cực, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu.

Các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tốt phương châm cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số; “lấy con người là trung tâm, cải cách dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ thúc đẩy”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho hay, các bộ đã công khai, cập nhật hơn 17.800 quy định kinh doanh, gần 150 quy định chuẩn bị ban hành; cắt giảm, đơn giản hóa 2.189 quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Ảnh: N.Bắc

Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 6 triệu tài khoản đăng ký. Cổng Thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN đã thực hiện 250/261 dịch vụ công trực tuyến của 13 bộ, ngành với hơn 55 nghìn doanh nghiệp tham gia.

Đề án 6 được triển khai đã giúp tạo đột phá trong phát triển công dân số, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Bộ Công an đã cấp hơn 79,5 triệu thẻ căn cước gắn chip điện tử, tăng gần 2,9 triệu thẻ so với năm 2022; kích hoạt trên 6 triệu tài khoản định danh điện tử (VNeID)…

Đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ gắn với chuyển đổi số, đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính được quan tâm, chỉ đạo tích cực hơn.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đến nay đã có hơn 21 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục Liên thông văn bản quốc gia. “Việc khai thác sử dụng Trục Liên thông văn bản quốc gia giúp tiết kiệm 1.200 tỷ đồng/năm”, ông Sơn nói, hầu hết các bộ, cơ quan, địa phương đã chú trọng việc chuẩn hóa báo cáo theo yêu cầu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính còn những hạn chế, bất cập như thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn chồng chéo, nhiều rào cản, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh còn chậm, thậm chí một số bộ chưa trình phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp (chiếm 57,8%), tỷ lệ hồ sơ xử lý quá hạn còn cao (gần 34%). Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu còn nhiều hạn chế, còn tình trạng “cát cứ thông tin”, “co cụm dữ liệu”…

Ngân hàng Nhà nước và tỉnh Quảng Ninh đứng đầu về cải cách hành chính Tại phiên họp, Bộ Nội vụ đã công bố kết quả chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022), chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2022). Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa báo cáo tại phiên họp. Ảnh: N.Bắc Kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2022 các bộ, cơ quan ngang bộ có 3 nhóm. Trong đó, 2 bộ, ngành đạt chỉ số cải cách hành chính trên 90%; 11 bộ khác có chỉ số cải cách hành chính từ trên 80% đến dưới 90% và 4 bộ có chỉ số cải cách hành chính dưới 80% Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt chỉ số cải cách hành chính cao nhất với kết quả là 91,77%, cao hơn 19,12% so với Bộ Ngoại giao, đơn vị có kết quả thấp nhất, với giá trị là 72,65%. Với các tỉnh, thành, kết quả chỉ số cải cách hành chính 2022 được phân theo 3 nhóm. Nhóm A là những địa phương có chỉ số từ 90% trở lên, gồm Quảng Ninh và Hải Phòng. Nhóm B là địa phương đạt chỉ số từ 80% đến dưới 90%, gồm 56 tỉnh, TP. Nhóm C đạt kết quả chỉ số từ 70% đến dưới 80%, gồm 5 tỉnh, thành phố. Năm 2022, Quảng Ninh trở lại vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2022 với kết quả đạt 90,10%. Đây là lần thứ 5 Quảng Ninh đạt ngôi vị “quán quân” bảng xếp hạng này. Đứng cuối bảng xếp hạng là tỉnh Phú Yên với chỉ số đạt 75,99%. Về kết quả chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022), báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy 5 tỉnh có mức độ hài lòng của người dân cao nhất là Quảng Ninh, Thái Nguyên, Cà Mau, Bình Dương và Thanh Hóa. Ở chiều ngược lại, Bình Thuận, Cao Bằng, Quảng Nam, Bắc Kạn và Lạng Sơn là 5 tỉnh có mức độ hài lòng thấp nhất.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm