Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 19/09/2017 - 06:21
(Thanh tra)- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, nếu không thông qua được Luật Quy hoạch tại kỳ họp 4 thì sẽ lỡ mất kỳ quy hoạch tiếp theo, dẫn tới mất quá nhiều thời gian, mất cơ hội cho đất nước, mất nhiều chi phí của xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Ảnh: Văn Bình
Sáng 18/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Quy hoạch. Dù Quốc hội đã cho ý kiến 2 lần, UBTVQH thảo luận qua rất nhiều vòng, song dự án luật vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.
Xung đột
Theo tờ trình bổ sung, Chính phủ đề nghị chỉnh lý Khoản 3 Điều 27, Khoản 3 Điều 28 của dự thảo Luật theo hướng, việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được thực hiện theo pháp luật về xây dựng, đất đai, môi trường và pháp luật khác có liên quan.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dự luật mới không thể có quy định như vậy. “Khoản 3 Điều 27, Khoản 3 Điều 28 sẽ tạo ra sự không thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tiếp thu mà lại lùi một bước. Tính nhất quán trong hệ thống pháp luật phải chú ý”.
“Đọc kỹ thì thấy ngay, hai khoản này vẫn xung đột với Khoản 1, 2 Điều 29. Trong quy định của Luật Xây dựng, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh do Bộ Xây dựng chủ trì nhưng Khoản 1, 2 Điều 29 thì do Thủ tướng và Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì trên cơ sở có Hội đồng thẩm định”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu.
Ở góc độ cơ quan thẩm tra, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, vấn đề này cũng có hai luồng ý kiến khác nhau. Thứ nhất, đề nghị cơ bản giữ nguyên như trong dự thảo luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 mà không sửa đổi như đề nghị của Chính phủ. Thứ hai, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ cơ sở của các quy định này để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu đặt ra khi xây dựng dự án Luật Quy hoạch và nghị quyết của Trung ương là “Xây dựng Luật Quy hoạch có phạm vi điều chỉnh chung cho các loại quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước”.
“Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng có ý kiến đề nghị cần làm rõ cách thức tích hợp các quy hoạch này vào hệ thống quy hoạch quốc gia và cần rà soát những quy hoạch nào cần giữ, quy hoạch nào phải bỏ để sửa đổi quy định của các luật liên quan”, ông Thanh cho biết.
Dùng một luật sửa nhiều luật
Vấn đề lớn khác cũng khiến UBTVQH rất băn khoăn là tính đồng bộ, ổn định của hệ thống pháp luật. Vì ngoài 8 luật được đề nghị sửa ngay tại một điều của Luật Quy hoạch, Chính phủ đề xuất danh mục 24 luật quy định về quy hoạch cần sửa đổi.
“Việc sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động quy hoạch trong các luật có liên quan là cần thiết và các quy định này phải có hiệu lực thi hành đồng thời vào ngày 1/1/2019, bảo đảm sự đồng bộ với các quy định trong Luật Quy hoạch, tránh việc tạo ra các khoảng trống, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, phê duyệt và thực hiện hệ thống quy hoạch của cả nước”, Thường trực Ủy ban Kinh tế nêu quan điểm.
Để bảo đảm tiến độ sửa đổi các luật theo yêu cầu, các luật cần sửa đổi, bổ sung phải được Quốc hội xem xét, thông qua chậm nhất là tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018) và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, sửa cả 24 luật thì khó khả thi.
“Đưa thêm 24 luật sửa thì năm 2018 sẽ có đến 50 dự án luật nên không thể nào làm được. Chỉ có phương án dùng một luật sửa nhiều luật và chỉ sửa những thứ liên quan đến quy hoạch thôi”, ông Định nói.
Đồng tình dùng một luật sửa nhiều luật nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, chỉ với các luật trong một nhóm lĩnh vực nào đó có liên quan. Còn luật nào có tính độc lập tương đối cao thì có thể trình Quốc hội sửa.
Không để mất cơ hội, chi phí
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, ban hành Luật Quy hoạch là cần thiết. Và Luật này phải mang tính đột phá, có tính chiến lược dài hạn, khắc phục tồn tại xây dựng quy hoạch rải rác, quy hoạch lung tung, ngành nào cũng quy hoạch.
“Nếu Luật không thông qua được tại Kỳ họp 4 thì sẽ lỡ mất kỳ quy hoạch do không kịp sửa đổi các luật có liên quan để thực hiện đồng bộ, kịp thời trong kỳ quy hoạch tiếp theo... dẫn tới, chúng ta mất quá nhiều thời gian, mất cơ hội cho đất nước, mất nhiều chi phí của xã hội”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Cho nên, Chính phủ cần rà soát, hoàn thiện luật theo đúng tinh thần của UBTVQH đã chỉ đạo và mục tiêu của Trung ương đề ra. “Tôi đề nghị các Ủy ban của Quốc hội phải góp ý bằng văn bản, rõ ràng vì luật này có nhiều ý kiến khác nhau. Việc dùng một luật sửa nhiều luật và có những luật thì sửa riêng như ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu là cần thiết”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, cần rà lại các điều khoản còn ý kiến khác nhau theo hướng “không thể có bước lùi”. UBTVQH quyết tâm giữ nguyên hiệu lực Luật Quy hoạch sẽ là từ 1/1/2019, vì thời điểm là cơ sở để bộ, ngành, địa phương chuẩn bị cho kế hoạch, quy hoạch 5 năm của giai đoạn mới.
UBTVQH cũng đồng ý đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2018 dự án luật sửa nhiều luật liên quan quy hoạch; kèm theo đó là dự thảo Nghị quyết chuyển tiếp với tinh thần các luật, quy hoạch đã có hiệu lực thì có hiệu lực đến hết 31/12/2020, còn từ 2021 theo một quy hoạch mới.
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Bùi Bình
19:37 13/12/2024(Thanh tra) - Ngày 13/12/2024, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị tổng kết công tác quốc phòng địa phương, giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Trung Hà
16:40 13/12/2024T.Thanh
16:36 13/12/2024PV
16:33 13/12/2024Thu Huyền
16:03 13/12/2024Chính Bình
15:56 13/12/2024Liên Hương
Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền
Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên