Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dự án Luật Thủ đô sửa đổi, Quy hoạch Thủ đô sẽ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 5

Hương Giang

Thứ ba, 05/03/2024 - 22:11

(Thanh tra) - Việc trình Quốc hội xem xét, thông qua Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô tại cùng một kỳ họp sẽ tạo khung khổ pháp lý, thể chế hết sức quan trọng cho Thủ đô phát triển, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Toàn cảnh buổi làm việc của Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Ảnh: P.Thắng

Chiều 5/3, Đảng đoàn Quốc hội làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội để nghe báo cáo về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và Báo cáo nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đồng chủ trì buổi làm việc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 6 và dự kiến xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 (dự kiến vào tháng 5 tới).

Đây là dự án luật quan trọng, không chỉ có ý nghĩa với xây dựng, phát triển Thủ đô mà còn với cả nước, theo ông Vương Đình Huệ.

Ông cũng nhận định, Dự án Luật Thủ đô sửa đổi là dự án luật khó, mang tính đặc thù, đa ngành, có nhiều nội dung quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, khác với quy định pháp luật hiện hành.

Với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, theo Chủ tịch Quốc hội, các nội dung này thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng, sau khi có ý kiến của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: P.Thắng

Vì vậy, Đảng Đoàn Quốc hội làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, có sự tham dự của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ nhằm lắng nghe, cho ý kiến các vấn đề lớn, trọng tâm nhằm chuẩn bị tốt nhất cho việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua và trình Quốc hội cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô, Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô.

“Việc trình Quốc hội xem xét cả 3 nội dung trên tại cùng một kỳ họp sẽ tạo khung khổ pháp lý, thể chế hết sức quan trọng cho Thủ đô phát triển, thực hiện được các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn đã được xác định tại Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng, phát triển Thủ đô”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tại cuộc làm việc, Đảng Đoàn Quốc hội đã nghe các cơ quan báo cáo về: một số nội dung lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và các nội dung xin ý kiến Đảng Đoàn Quốc hội; báo cáo một số nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Qua ý kiến thảo luận, phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và TP Hà Nội nỗ lực thúc đẩy hoàn thiện 3 nội dung trên để trình Quốc hội.

Quan điểm là phải bảo đảm thể chế hóa cá nghị quyết của Đảng; tạo được bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

(Thanh tra) - Từ 1/12/2024, tỉnh Bắc Ninh giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã, Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu, phải có phương án sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí và không để tham ô, tham nhũng, trục lợi cá nhân đối với trụ sở công, tài sản công dôi dư.

14:59 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm