Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Doanh nghiệp rất hiếm khi dám kiện cơ quan Nhà nước”

Hương Giang

Thứ năm, 15/05/2025 - 17:04

(Thanh tra) - Cho rằng doanh nghiệp rất hiếm khi dám kiện cơ quan Nhà nước, khi cơ quan Nhà nước làm sai, đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp khởi kiện các hành vi hành chính, quyết định hành chính của chính quyền tỉnh tại tòa án nơi khác. 

Chiều 15/5, Quốc hội thảo luận tại tổ Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Vấn đề thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được các đại biểu quan tâm góp ý.

Giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại đang là “nút thắt”

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho biết, có một vấn đề lớn là “doanh nghiệp rất hiếm khi dám kiện cơ quan Nhà nước, khi cơ quan Nhà nước làm sai”.

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị). Ảnh: P.Thắng

Điều này, theo ông Đồng, không chỉ khiến doanh nghiệp chịu thiệt hại, mà còn khiến kỷ luật kỷ cương của Nhà nước bị xâm phạm nghiêm trọng và kéo dài.

“Tôi không có con số cụ thể, nhưng theo tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia pháp lý thì những trường hợp doanh nghiệp kiện chính quyền mà thắng là vô cùng hiếm. Nguyên nhân một phần là do tòa án tỉnh, toà án huyện lại xét xử chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện của chính tỉnh đó, huyện đó”, ông Đồng cho hay.

Vì vậy, ông Đồng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp khởi kiện các hành vi hành chính, quyết định hành chính của chính quyền tỉnh tại tòa án nơi khác. 

Trước mắt, theo đại biểu đoàn Quảng Trị, có thể cho phép khởi kiện tại tỉnh của nguyên đơn hoặc tỉnh bên cạnh. Còn lâu dài thì nhất định phải tổ chức lại hệ thống tòa án sao cho bảo đảm không có chuyện toà tỉnh lại đi xét xử cơ quan hành chính của tỉnh mình.

Giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại, cũng là vấn đề được đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo nghị quyết. Bởi, theo ông Đồng, đây đang là “nút thắt” với rất nhiều doanh nghiệp tư nhân muốn phát triển.

Ông đề nghị, cần phải bảo đảm tuân thủ đúng về thời hạn tố tụng khi thụ lý, xét xử và thi hành án các vụ việc kinh doanh thương mại. 

“Chậm trễ, kéo dài thời gian xử lý vụ án, kéo dài thời gian thi hành án kinh doanh thương mại là tiêu chí để kỷ luật cán bộ”, ông Đồng đề xuất.

Đề xuất áp dụng hồi tố có lợi về trách nhiệm hình sự

Nội dung nữa, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị bổ sung quy định, quá trình thanh tra, kiểm tra, cơ quan Nhà nước không được yêu cầu doanh nghiệp xuất trình các loại giấy tờ do chính cơ quan đó đã cấp, các loại giấy tờ đã công bố hoặc đã được cập nhật trên các cơ sở dữ liệu quốc gia mà cơ quan đó có quyền truy cập. 

Điều này, theo ông, sẽ giúp thúc đẩy Chính phủ điện tử, cơ quan Nhà nước buộc phải sử dụng các cơ sở dữ liệu điện tử. 

“Nhiều thứ đã điện tử hoá rồi mà cơ quan Nhà nước cứ đòi bản giấy”, ông Đồng nói.

Quá trình thanh tra, kiểm tra, cấp phép, ông Đồng đề xuất, doanh nghiệp được quyền viện dẫn các trường hợp tương tự đã có kết luận trước đó của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi của mình. 

Nếu cơ quan Nhà nước quyết định khác so với vụ việc trước, theo ông Đồng, cần phải giải thích rõ lý do, để tránh tuỳ tiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cấp phép. 

Về nguyên tắc xử lý vi phạm, bên cạnh không áp dụng hồi tố để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định cho phép cơ quan Nhà nước áp dụng hồi tố có lợi về trách nhiệm hành chính, hình sự. 

Giải thích đề xuất này, ông Đồng cho biết, có nhiều trường hợp pháp luật quy định bất cập, nên một số doanh nghiệp vi phạm. Cơ quan Nhà nước sau đó điều chỉnh quy định bất cập đó theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Khi đó, những doanh nghiệp vi phạm trước đó nên được áp dụng hồi tố có lợi. 

“Cho doanh nhân tại ngoại, họ có cơ hội khắc phục thiệt hại”

Đại biểu đoàn Quảng Trị cũng đề cập đến đề xuất tăng cường áp dụng biện pháp bảo lãnh, cho tại ngoại trong xử hình sự. Theo ông, chỉ trường hợp thật cần thiết mới áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam. 

“Thực tế, rất nhiều vụ án nếu cho doanh nhân tại ngoại thì họ có cơ hội để khắc phục thiệt hại hoặc tiếp tục điều hành công việc kinh doanh. 

Chứ tạm giữ, tạm giam kéo dài với doanh nhân nhiều khi chỉ giải quyết được một vụ án nhỏ nhưng lại khiến một doanh nghiệp lớn lâm vào khó khăn, mất sức cạnh tranh với quốc tế”, ông Đồng phát biểu.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc lựa chọn nội dung nào đưa vào dự thảo nghị quyết là vấn đề khó. Chẳng hạn, các quy định về trách nhiệm hình sự, thanh tra, kiểm tra... 

Liên quan tới quy định về xử lý vi phạm, Phó Thủ tướng nhắc lại quan điểm tách bạch trách nhiệm pháp nhân và cá nhân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Với những vụ “chấp chới” có thể xử hình sự hoặc không thì kiên quyết không xử hình sự.

Việc đưa các nội dung này vào dự thảo nghị quyết có thể chưa cụ thể hóa hơn những điều đã nêu tại Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, song ông Dũng nói, đây là “chủ trương lớn, cộng đồng doanh nghiệp mong chờ”, thể hiện thông điệp của Quốc hội và định hướng triển khai, sửa các luật tiếp theo.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri

(Thanh tra) - Để chuẩn bị cho Kỳ họp thường lệ giữa năm 2025 của HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, ngày 17/6, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh cùng các đại biểu HĐND tỉnh đã đồng loạt tổ chức các buổi tiếp xúc với cử tri tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Trọng Tài

22:47 17/06/2025

Tin mới nhất

Xem thêm