Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Doanh nghiệp chỉ được “đòi nợ thuê” đến hết năm 2020

Hương Giang

Thứ sáu, 10/07/2020 - 21:38

(Thanh tra) - Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, các doanh nghiệp đang được cấp phép dịch vụ kinh doanh đòi nợ được tiếp tục hoạt động từ nay đến ngày 1/1/2021.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Vũ Đại Thắng. Ảnh: TN

Ngày 10/7, Văn phòng Chủ tịch Nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước công bố các luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 9, khóa 14.

Doanh nghiệp “đòi nợ thuê” có trách nhiệm thanh, quyết toán trước 1/1/2021

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua nhằm khắc phục những bất cập, chồng chéo giữa các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, đảm báo tính thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Một trong những điểm đáng chú ý là luật lần này đã bổ sung “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh.

“Vậy số phận của những doanh nghiệp đã được cấp phép kinh doanh dịch vụ này sẽ ra sao?”, báo chí đặt câu hỏi.

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, với các doanh nghiệp đang được cấp phép dịch vụ kinh doanh đòi nợ sẽ được tiếp tục hoạt động từ nay tới ngày 1/1/2021.

Từ 1/1/2021, khi Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực, doanh nghiệp sẽ chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê.

“Đối với các doanh nghiệp có nhiều ngành nghề, dịch vụ kinh doanh thì chấm dứt hoạt động kinh doanh đòi nợ thuê, còn các lĩnh vực khác vẫn hoạt động theo quy định của pháp luật.

Các doanh nghiệp đang thực hiện dịch vụ kinh doanh đòi nợ từ nay tới 1/1/2021 có trách nhiệm thanh, quyết toán liên quan tới dịch vụ này”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng tiếp tục cắt giảm một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết, bất hợp lý, gây cản trở quá trình gia nhập thị trường của người dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, Luật Đầu tư (sửa đổi) quy định rõ việc xem xét các điều kiện an ninh, quốc phòng trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp tại các doanh nghiệp ở đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển hoặc các khu vực nhạy cảm về an ninh, quốc phòng.

Dừng thực hiện dự án BT từ 15/8

Liên quan đến Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), ông Vũ Đại Thắng cho biết, Luật PPP ra đời đã khu biệt 5 lĩnh vực thiết yếu nhằm tập trung nguồn lực, gồm: giao thông; lưới điện, nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện và trường hợp nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực); thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, chất thải; y tế, giáo dục đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin.

Toàn cảnh buổi họp báo công bố luật. Ảnh: TN

Về dự án BT, Luật PPP đã thể chế chủ trương dừng thực hiện các dự án BT trong giai đoạn tới. Theo đó, quy định chuyển tiếp cho các dự án đang triển khai được quy định cụ thể tại Luật.

“Kể từ ngày 15/8/2020, các dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư phải dừng thực hiện”, ông Thắng nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi về tại sao dừng triển khai dự án theo hình thức BT, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết, trước đây chúng ta đưa ra hình thức BT để nhà đầu tư tư nhân bỏ tiền ra xây dựng các công trình hạ tầng, sau đó nhà nước sẽ trả quỹ đất để họ phát triển nhằm cân bằng hai chi phí.

Trong quá trình thảo luận Luật PPP, có nhiều ý kiến cho rằng hình thức này không có việc hợp tác giữa nhà nước và tư nhân trong đầu tư nên không thể coi đó là hình thức đầu tư PPP.

Về nguyên tắc, theo Luật PPP là có hợp đồng giữa nhà nước và tư nhân. Còn việc xây dựng công trình xong đổi lấy đất thì hoàn toàn không phải PPP, do đó không nằm trong nội dung của Luật PPP.

Cũng theo Thứ trưởng Thắng, về đất đai, pháp luật đã cho phép đấu thầu, đấu giá. Do vậy chúng ta có thể đấu giá mặt bằng để lấy kinh phí thực hiện dự án đầu tư theo nhu cầu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

“Tạm dừng thực hiện hợp đồng theo hình thức BT cũng là một trong những điểm để quản lý hiệu quả hơn nữa quỹ đất trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn hẹp”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nêu rõ.

Luật PPP cũng quy định cơ chế chia sẻ được áp dụng cho tất cả các dự án PPP với tỷ lệ cố định 50-50 cho hai bên và trên cơ sở kiểm soát định kỳ doanh thu hàng năm.

“Việc chia sẻ phần giảm doanh thu khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính chỉ được áp dụng khi đã thực hiện đầy đủ các biên pháp điểu chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công hoặc thời hạn hợp đồng và phải được Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán phần giảm doanh thu”, ông Thắng cho hay.

Tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng Chủ tịch Nước Đào Việt Trung đã đọc Lệnh công bố 10 Luật.

Đó là: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Đầu tư; Luật Thanh niên; Luật Doanh nghiệp; Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định Tư pháp.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

(Thanh tra) - Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị làm rõ khả năng thu thuế doanh nghiệp trên thực tế với các doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam cung cấp hàng hoá vào Việt Nam thông qua các giao dịch trên sàn thương mại điện tử, nền tảng số.

Hương Giang

10:49 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm