Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc với Thanh tra Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Hương Giang

Thứ ba, 05/04/2022 - 18:46

(Thanh tra) - Ngày 5/4, Đoàn Giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn làm việc với Thanh tra Chính phủ về chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”.

Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc với Thanh tra Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ảnh: Đ.X

Nhấn mạnh đây là chuyên đề giám sát khó, có phạm vi rất rộng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thanh tra Chính phủ và Đoàn Giám sát đánh giá toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các luật có liên quan.

Triển khai 45.530 cuộc thanh kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Tại cuộc làm việc, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong trình bày tóm tắt báo cáo kết quả thanh tra thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Theo số liệu tổng hợp từ 26 bộ, ngành và 59 địa phương, giai đoạn 2016-2021, ngành Thanh tra đã triển khai 45.530 cuộc thanh tra, kiểm tra thực hành tiết kiệm chống lãng phí hoặc có nội dung liên quan thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Qua thanh tra, kiểm tra 68.014 cơ quan, đơn vị, phát hiện vi phạm về kinh tế 328.313 tỷ đồng, 63.184 ha đất, trong đó: kiến nghị thu hồi 135.597 tỷ đồng, 31.271 ha đất; kiến nghị xử lý khác 192.717 tỷ đồng, 31.913 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính trực tiếp đối với 12.097 tổ chức, 40.907 cá nhân.

Đồng thời kiến nghị trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về xử lý hành chính 1.709 người, xử lý hình sự 50 người; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 295 vụ, 382 đối tượng.

Đáng chú ý, qua thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Chính phủ đã có nhiều kiến nghị nhằm chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.

Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong. Ảnh: trungtambaochiquochoi

Bên cạnh việc nêu rõ kết quả đạt được, Tổng Thanh tra thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như số cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên đề riêng về chấp hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn ít, chủ yếu lồng ghép với thanh tra công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực: Quản lý ngân sách, mua sắm tài sản công; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; hoạt động tài chính, tín dụng…

Việc phát hiện, xử lý trách nhiệm với tập thể, cá nhân và người đứng đầu cơ quan, đơn vị có sai phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có lúc, có nơi thiếu kiên quyết, chưa kịp thời nên chưa đạt hiệu quả cao….

Thảo luận, các thành viên Đoàn Giám sát cho rằng Thanh tra Chính phủ đã chuẩn bị báo cáo khá kỹ lưỡng, thể hiện rõ nét tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong nội bộ ngành Thanh tra và tại các đơn vị được thanh tra.

Đề xuất rõ chế tài, chỉ rõ lãng phí thế nào trên từng lĩnh vực

Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị Thanh tra Chính phủ đề xuất rõ chế tài hay sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật cụ thể để công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực chất, hiệu quả hơn.

“Từ đó mới có căn cứ để xử lý vi phạm, cứ chung chung thì không giải quyết được”, ông Cường nêu; đồng thời kiến nghị tiếp tục thanh tra, kiểm tra, đánh giá giám sát ở các địa phương.

Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách hội Lê Thanh Vân thì đề nghị báo cáo của Thanh tra Chính phủ đánh giá và chỉ rõ dưới 2 góc độ “đâu là hành vi tiết kiệm, đâu là hành vi chống lãng phí”.

“Tiết kiệm là hành vi làm sao giảm thiểu hao phí trong sử dụng nguồn lực công, gồm có tài sản, tài chính công, tổ chức bộ máy, sử dụng nhân sự hoạt động, thời gian hoạt động. Thực hành tiết kiệm liên quan đến ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Lãng phí nghĩa là sử dụng không hiệu quả, ví dụ như mua ô tô về nhưng không dùng, mua bàn ghế về mà không dùng…”, đại biểu Vân nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương. Ảnh: trungtambaochiquochoi

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá Thanh tra Chính phủ đã chuẩn bị báo cáo kỹ lưỡng, công phu với nhiều nội dung làm sáng tỏ.

Nêu rõ đây là 1 trong 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Thanh tra Chính phủ tiếp thu tối đa các ý kiến của Đoàn Giám sát, tiếp tục hoàn thiện và gửi báo cáo bổ sung trong thời gian sớm nhất.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, báo cáo của Thanh tra Chính phủ cần cung cấp, bổ sung số liệu chi tiết, cố gắng bóc tách, lượng hóa được việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chỉ ra được cái gì chưa tiết kiệm, cái gì còn lãng phí, lãng phí thế nào, lãng phí đến đâu trên từng lĩnh vực (định mức kĩ thuật, tài sản công, ngân sách, đất đai, tài nguyên, thuế, bảo hiểm…).

Cạnh đó, bổ sung chi tiết những tồn đọng, kết luận kiến nghị của Thanh tra Chính phủ mà chưa hoàn thành đến ngày 31/12/2021. Cung cấp thông tin, lượng hóa đưa thêm trách nhiệm hạn chế, tồn tại của các bộ ngành, địa phương có nhiều sai phạm và một số vụ việc nổi cộm mà đoàn dự kiến giám sát trực tiếp….

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ tiếp tục tham gia cùng Đoàn Giám sát với tư cách là thành viên chủ yếu, chủ công và chủ lực, phối hợp với đoàn để thực hiện giám sát chuyên đề này tốt hơn.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm