Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

DNNN “rót” 7 tỷ USD đầu tư ra nước ngoài, hơn 25% dự án báo lỗ

Thứ hai, 28/05/2018 - 07:45

(Thanh tra) - Theo báo cáo giám sát, việc đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty 100% vốn Nhà nước ra ngoài doanh nghiệp (DN) còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Lũy kế tính đến 31/12/2016, đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD thì có 25,5% dự án báo lỗ, 29% lỗ lũy kế….

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội kỳ họp 5

Quốc hội (QH) dành trọn 1 ngày hôm nay (28/5) để thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước (NN) tại DN và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016. 

Hiệu quả hoạt động chưa tương xứng nguồn lực

Theo báo cáo giám sát do Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn gửi đến QH, đến hết năm 2016, cả nước còn 583 DN do NN nắm giữ 100% vốn điều lệ, 273 DN cổ phần.

Tổng tài sản tại DN 100% vốn NN là hơn 3,05 triệu tỷ đồng, trong đó vốn NN nắm giữ tại DN gần 1,4 triệu tỷ. Doanh thu ghi nhận hơn 1,51 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 140.000 tỷ đồng và tổng số phát sinh phải nộp ngân sách gần 252.000 tỷ.  Đến hết năm 2016, sau 5 năm, tổng tài sản các DN 100% vốn NN tăng 45,8%, vốn chủ sở hữu tăng 92,2%.

Với 273 DN cổ phần, tổng tài sản 495.126 tỷ đồng, vốn NN nắm giữ 65.673 tỷ đồng, doanh thu 423.250 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 31.723 tỷ đồng và số phát sinh phải nộp ngân sách là 62.967 tỷ đồng.

Báo cáo giám sát cũng chỉ ra, hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, thể hiện ở tổng tài sản và vốn tăng (tài sản tăng 45,8%, vốn chủ sở hữu tăng 92,2%) nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách NN có tốc độ tăng chậm (tốc độ tăng nộp ngân sách NN chỉ 18%, bình quân 3%/năm).

Bên cạnh đó, tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011, từ 1,29 triệu tỷ đồng lên 1,63 triệu tỷ đồng.

“DNNN chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế cũng như chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, thúc đẩy các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển, tạo động lực phát triển kinh tế”.

Báo cáo “điểm” rõ địa chỉ các tập đoàn yếu kém trong công tác quản trị dẫn đến hiệu quả sản xuất-kinh doanh giảm sút, như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG)...

Một số DNNN hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ, tỉ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thấp hơn chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng, tỉ lệ nợ phải trả/tổng tài sản cao, ví dụ: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), TKV, PVN...

Đặc biệt, tại một số DNNN, còn xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản nhà nước, chẳng hạn: Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), PVN…

Nhiều chỉ tiêu khác liên quan đến hiệu quả kinh doanh của khối DNNN cũng trong tình trạng đáng báo động. Trong đó, chỉ số quay vòng vốn của DNNN chỉ đạt mức 0,41 lần năm 2015, trong khi DN ngoài Nhà nước đạt 0,74 lần, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 1,01 lần. Hiệu quả đầu tư của khối DNNN (thông qua hệ số ICOR) cũng đạt thấp so với DN ngoài Nhà nước và DN FDI.

Đầu tư ra ngoài giàn trải, hiệu quả chưa có

Cũng theo báo cáo giám sát, đến cuối năm 2016 có 18, tập đoàn, tổng công ty 100% vốn Nhà nước có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư 110 dự án với tổng vốn đăng ký 12,6 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò khai thác dầu khi, khai thác khoáng sản, trồng cây cao su.

Trong đó, đầu tư lớn nhất là PVN với số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài là 6.687 triệu USD (chiếm tỷ trọng 53%), thứ 2 là Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel với 2.130 triệu USD (17%), thứ 3 là VRG với 1.412 triệu USD (11%).

Tuy nhiên, việc đầu ra ra ngoài DN lại dàn trải nên hiệu quả chưa cao. Lũy kế tính đến 31/12/2016 trong số 7 tỷ USD vốn được các tập đoàn, tổng công ty “rót” vào các dự án đầu tư ở nước ngoài thì có 25,5% dự án báo lỗ, 29% lỗ lũy kế.

“Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD, tương đương trung bình 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện”, báo cáo nêu, nhiều dự án đang tiềm ẩn rủi ro về pháp lý tại nước sở tại, như bị rút ngắn thời gian triển khai dự án, tranh chấp đất đai và rủi ro thị trường do giá đầu ra giảm mạnh… đã  ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án.

Có dự án lại bị ngừng cấp bảo lãnh Chính phủ dẫn tới việc phải dừng dự án, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả dự án; một số dự án đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả. Cụ thể, đầu tư của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam tại các công ty con, công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển; đầu tư của Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy tại các công ty con, công ty liên kết.

Đầu tư của PVN tại loạt công ty con là Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex), Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS), dự án thăm dò khai thác dầu khí mỏ Nagumanov tại tỉnh Orenburg (Liên Bang Nga), dự án khai thác dầu tại Venezuela, dự án Lô 67 Peru…

Thêm vào đó, tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực đất đai, tài sản... diễn ra phức tạp; tình trạng đấu thầu hình thức chưa được ngăn chặn hiệu quả. Còn có trường hợp để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện phức tạp trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất thu hồi khi thực hiện các dự án đầu tư tại địa phương.

Trước những bất cập trong quản lý tài sản, vốn Nhà nước tại các DNNN, Đoàn Giám sát Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chấn chỉnh hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước theo nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Từ đó, chỉ đạo, xử lý nghiêm các trường hợp xác định giá trị DN không đúng quy định của pháp luật để trục lợi, gây thất thoát tài sản, vốn Nhà nước.

Chính phủ cũng cần xây dựng chế tài xử lý đối với các trường hợp không hoặc chậm thực hiện kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán. Báo cáo Quốc hội về trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc để xảy ra tồn tại, hạn chế và các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN.

Cùng với đó, làm rõ kết quả xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu; kiên quyết xử lý các DNNN, các dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả theo cơ chế thị trường.

Vi phạm để lại hậu quả nặng nề, lâu dài, khó khắc phục

Giám sát qua báo cáo và làm việc trực tiếp của đoàn giám sát với Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước cho thấy, các vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản NN thời gian qua chủ yếu tập trung ở 4 vi phạm: Vi phạm nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong kinh doanh; vi phạm nguyên tắc thị trường; vi phạm nguyên tắc quản trị doanh nghiệp; vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính.

Một số vi phạm để lại hậu quả nặng nề, lâu dài, khó khắc phục về tài chính và buộc phải xử lý, kỷ luật cán bộ.

Vinachem chưa ban hành quy chế quản lý công nợ, bán hàng cho khách hàng trong khi chưa thu hồi được công nợ cũ dẫn đến bị chiếm dụng vốn trong thời gian dài, bán hàng vượt bảo lãnh hoặc vượt hạn mức dư nợ…

PVN đầu tư vào Oceanbank có giá trị đầu tư vốn 800 tỉ đồng hiện chỉ còn 0 đồng.

Vinachem đầu tư vào 5 công ty với tổng vốn đầu tư là 6.836,75 tỉ đồng, chiếm 53,8% tổng vốn đầu tư tài chính, đang tiềm ẩn nguy cơ khó thu hồi vốn.

Tổng Công ty Lương thực miền Nam và một số đơn vị thành viên đã vi phạm quy định trong quản lý, sử dụng đất đai, sử dụng đất không hiệu quả, để đất trống, một số cơ sở nhà đất cho thuê, sử dụng không đúng mục đích với tổng diện tích 195.788,7 m2.

Có tình trạng DN có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu cao, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính còn diễn ra tại nhiều DN, như: Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc hệ số 8,53 lần, Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem 9,97 lần, riêng Công ty TNHH MTV Đạm Ninh đang mất cân đối tài chính nghiêm trọng khi tại thời điểm 31/12/2016, tổng nợ phải trả là hơn 11 tỉ đồng, vốn sở hữu âm 968 tỉ đồng…

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm